Đường dẫn truy cập

Thượng viện thông qua dự luật cứu nguy


Dự luật được cải soạn nhằm cứu nguy các cơ chế tài chính của nước Mỹ đã vượt được trở ngại đầu tiên, qua sự chấp thuận của Thượng Viện Hoa Kỳ. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên Kent Klein từ thủ đô Washington, thì dự luật có thể sẽ phải đối đầu với một cuộc thử thách gay go hơn vào ngày mai ở Hạ viện.

Đêm qua, các thượng nghị sĩ đã thông qua với một đa số áp đảo phiên bản được cải soạn của dự luật cứu nguy với 74 phiếu thuận và 25 phiếu chống, và chuyển dự luật qua Hạ viện, là cơ quan đã bác bỏ phiên bản đầu của dự luật hồi đầu tuần. Theo kế hoạch gây nhiều tranh cãi này, chính phủ Hoa Kỳ sẽ chi 700 tỷ đôla để tiếp thu các khoản nợ xấu của các cơ chế tài chính có sơ sở ở Hoa Kỳ.

Sự chấp thuận dễ dàng của Thượng viện đã làm tăng các niềm hy vọng trong chính phủ của Tổng thống Bush và các nhà lãnh đạo Quốc hội rằng nhiều dân biểu đã bỏ phiếu chống dự luật hôm thứ hai có thể thay đổi ý kiến trước ngày mai.

Người ta cho rằng dự luật cải biên sẽ đạt được thêm sự ủng hộ tại Hạ viện một phần nhờ vào các điều khoản tu chính trong đó có 100 tỷ đôla giảm thuế cho các cơ sở kinh doanh và các gia đình có thu nhập trung bình, cũng như gia tăng mức hạn định ngân khoản ký thác được sự bảo đảm của liên bang.

Đề nghị này không được sự ủng hộ của nhiều người thọ thuế. Thư từ, điện thư và những cú điện thoại gọi đến các văn phòng quốc hội đã ồ ạt phản đối đề nghị này. Với toàn bộ Hạ viện và 1/3 Thượng viện sắp được bầu lại trong vòng 1 tháng nữa, nhiều nhà lập pháp đã do dự ủng hộ dự luật cứu nguy. Ngay cả một số thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch, như ông Linsey Graham của đảng Cộng hòa, đại diện tiểu bang South Carolina, nói rằng họ đã làm như vậy một cách miễn cưỡng.

Ông Graham nói: “Như tôi được biết, chúng tôi đứng trước hai giải pháp: một giải pháp tồi mà chúng ta đều thừa nhận, và một giải pháp gây tai họa nếu chúng ta không làm gì.”

Nhiều nhà lập pháp đã bỏ phiếu thuận cảnh báo về một tai họa tài chính nếu kế hoạch cứu nguy lại không được chấp thuận. Dân biểu Chuck Schumer của đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang New York nói rằng việc dự luật không được thông qua sẽ đi đến hậu quả về tài chính giống như một cơn đột quỵ tim.

Ông Schumer nói: "Thể chất nền kinh tế của chúng ta ở trong tình trạng tệ hại vì các mạch máu, tức hệ thống tài chính đã bị tắc nghẽn, và nó sẽ gây ra một cơn đột quỵ tim, có thể trong 1 ngày, có thể trong 6 tháng, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ trải qua một cơn đột quỵ tim nếu chúng ta không hành động.”

Cả hai ứng cử viên tổng thống đã ngưng các cuộc vận động tranh cử để trở về Thượng viện và bỏ phiếu ủng hộ dự luật. Thượng nghị sĩ Barack Obama của đảng Dân chủ đại diện tiểu bang Illinois phát biểu tại diễn đàn Thượng viện và nói rằng một sự thất bại lần thứ nhì của dự luật sẽ tác động đến người dân Mỹ ở tất cả mọi nơi.

Ông Obama nói: “Điều đó có nghĩa là các cơ sở kinh doanh sẽ không mượn được tiền mà họ cần để mở một phân xưởng mới hay trả lương cho nhân viên. Và nếu họ không trả lương được vào ngày thứ sáu, thì công nhân sẽ bị cho nghỉ việc ngày thứ hai. Nếu công nhân bị thất nghiệp ngày thứ hai thì họ không thể chi trả các thứ tiền hàng tháng hay trả những khoản nợ cho ai đó. Cứ thế mà dắt dây, và lan ra như sóng dợn trong khắp nền kinh tế.”

Trước đó trong ngày, nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa đại diện tiểu bang Arizona đã cảnh báo về các hậu quả bi thảm nếu kế hoạch cứu nguy đã được cải soạn lại thất bại.

Ông McCain nói: “Nếu dự luật cứu nguy tài chính lại thất bại tại Hạ viện một lần nữa thì cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ biến thành một thảm họa.”

Nghị sĩ Richard Shelby của đảng Cộng hòa đại diện tiểu bang Alabama đã bỏ phiếu chống dự luật bởi vì ông cho rằng có thể có một giải pháp hay hơn.

Ông Shelby nói: “Nhiều người ở đây cảm thấy thoải mái với nhận định rằng làm một cái gì đó còn hơn không làm gì cả. Tôi tin rằng đó là một lựa chọn sai lầm. Sự lựa chọn mà chúng ta phải đứng trước là giữa việc có một phản ứng đúng đắn hay là phát hoảng. Và tôi cho rằng chúng ta đã chọn sự phát hoảng.”

Nếu Hạ viện thông qua kế hoạch cứu nguy thì kế hoạch sẽ được trình lên tổng thống Bush để ký duyệt.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG