Đường dẫn truy cập

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cứu nguy tài chính


Tổng Thống Bush ca ngợi hành động đoàn kết của cả hai đảng tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Hôm thứ Hai, một ấn bản cũ của dự luật này đã bị bác bỏ khiến các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới chao đảo. Có mặt tại Điện Capitol để theo dõi cuộc biểu quyết, Thông tín viên Dan Robinson của đài VOA tường trình rằng lãnh đạo của cả 2 đảng đã ráo riết vận động sao cho đủ số phiếu thuận để đánh bại các phiếu chống. Đây là một dự luật mà nhiều người nhận định là không hoàn hảo thế nhưng hết sức cần thiết để trong nhất thời, có thể chận đứng cuộc khủng hoảng tài chính có nguy cơ lan rộng. Sau đây là một số chi tiết trong bài tường trình của Thông tín viên đài VOA Dan Robinson gửi về từ Điện Capitol, trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ.


Với 263 phiếu thuận và 171 phiếu chống, Hạ Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết thông qua một kế hoạch cứu nguy tài chính lịch sử đã gây nhiều cuộc tranh luận gay gắt trong thời gian gần đây. Kế hoạch này tốn kém đến 700 tỉ đôla và nhắm mục tiêu vực dậy lĩnh vực tài chính Mỹ.

Ngay sau khi được Hạ Viện phê chuẩn, Tổng Thống George W. Bush đã nhanh chóng ký biện pháp này thành luật trong cùng ngày thứ Sáu.

Lên tiếng sau cuộc biểu quyết tại Hạ Viện, Tổng Thống Bush nói hành động có tính đồng thuận của lưỡng đảng đã giúp tránh cuộc khủng hoảng lan rộng ra hơn nữa, và đánh đi một thông điệp quan trọng đến các thị trường tài chính toàn cầu.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Chúng ta đã chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ ổn định các thị trường tài chính nội địa và duy trì vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế toàn cầu.”

Không lâu sau đó, Tổng Thống Bush đã gặp Bộ Trưởng Tài Chính Henry Paulson, ông Paulson cũng ngỏ lời ca ngợi các thành viên Quốc Hội dã hiệp lực với nhau vào một thời điểm kinh tế lâm vào cuộc khủng hoảng.

Khi thông qua biện pháp cứu nguy, Hạ Viện đã tránh lập lại cảnh tượng đã xảy ra hôm thứ Hai, lúc dự luật bị đánh bại, khiến chỉ số chứng khoán trên thị trường tài chính Mỹ ở Wall Street trong ngày hôm ấy mất số điểm cao nhất từ trước tới nay. Sự kiện ấy đã buộc Thượng Viện phải sửa đổi lại một số điều khoản trong dự luật, đưa đến kết quả hôm thứ Tư, phiên bản mới của dự luật được Thượng Viện thông qua với 74 phiếu thuận và 25 phiếu chống.

Trước diễn đàn Hạ Viện hôm thứ Sáu, những người ủng hộ dự luật – kể cả một số người đã từng chống đối biện pháp này – cho rằng nếu không hành động cấp kỳ thì sẽ tình hình sẽ trở nên nguy hiểm hơn đưa đến những ảnh hưởng dây chuyền lên khắp mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Trong khi đó, nhiều Dân Biểu vẫn tiếp tục bày tỏ lập trường chống đối của mình như đã biểu quyết hôm thứ Hai.

Ngay cả trong nội bộ đảng Cộng Hòa cũng có ý kiến khác nhau.

Dân Biểu Zach Wamp ở bang Tennessee nói: ”Tôi đã nghe tiếng nói của giới tiểu thương trong suốt tuần qua, họ cảm ơn tôi đã bỏ phiếu chống lại dự luật để bênh vực quan điểm của họ, nhưng cùng lúc họ lại hối thúc tôi phải làm một điều gì. Hạ Viện phải hành động. Chúng ta không còn chọn lựa nào khác.”

Nhưng Dân Biểu Devin Nunes ở bang California thì giải thích lý do vì sao ông không thay đổi lập trường và biểu quyết chống dự luật:

Dân Biểu Nunes nói:”Nhân dân Mỹ không chấp nhận ý kiến cho rằng chúng ta chỉ có hai sự lựa chọn trước mắt. Phải thông qua dự luật này, nếu không thì tình trạng trì trệ kinh tế trầm trọng sẽ xảy ra. Có một số lựa chọn khác nếu các nhà lãnh đạo trong Quốc Hội có can đảm để cho phép nền dân chủ này vận hành. Chúng ta có thể tranh luận về những đề tài đó.”

Không giống như dự luật chỉ có 3 trang do ngành hành pháp đưa ra lúc ban đầu, dư luật mới có thêm nhiều điều khoản, trong đó có điều khoản giảm thuế đến 150 tỉ đôla cho những hoạt động nghiên cứu và sản xuất các loại năng lượng thay thế, do Thượng Viện đề nghị. Dự luật mới cho phép tháo khoán đến 700 tỉ đôla để chính phủ mua lại các cổ phần dựa trên các hoạt động cho vay thế chấp, giờ đây đã tuột giá từ các công ty tài chính gặp khó khăn.

Dân Biểu Ron Kind của đảng Dân Chủ, đại diện cho bang Wisconsin khẳng định rằng dự luật này nhằm bảo vệ người dân thường chứ không bảo vệ thành phần được ưu đãi trên thị trường tài chính ở Wall Street, ngụ ý nhắc đến những người trong ban quản trị các đại công ty tài chính phải chịu trách nhiệm một phần về cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Lãnh đạo của cả 2 đảng tại Hạ Viện đều đồng ý dự luật vừa biểu quyết có mục đích ngăn chận những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng hơn nữa.

Bà Nancy Pelosi, Chủ Tịch Hạ Viện, thuộc đảng Dân Chủ nói với các bạn đồng viện: “Tính cách cấp bách đã quá rõ. Chúng ta đã nghe được điều đó từ bạn bè và hàng xóm. Chúng ta nghe được điều đó ở bất cứ chỗ nào chúng ta có mặt.”

Dân Biểu John Boehner, lãnh đạo của khối Cộng Hòa tại Hạ Viện cũng đồng quan điểm với bà Pelosi.

Ông Boehner nói: “Nhân dân Mỹ bầu chúng ta vào đây để làm việc thay mặt họ. Nhân dân đang trông đợi và tin cậy nơi chúng ta.”
Giờ đây, Bộ Trưởng Tài chính Henry Paulson sẽ có thẩm quyền cho tiến hành một loạt biện pháp phức tạp nhằm giảm bớt sức ép trên các thị trường tài chính và tín dụng.

Đảng Dân Chủ tại Hạ Viện hứa họ sẽ theo đuổi những biện pháp năng nổ hơn để cải cách thị trường khi Quốc Hội tái nhóm vào năm tới, cho dù chủ nhân Tòa Bạch Ốc lúc đó là ông Barack Obama hay ông John McCain.

Các ủy ban Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ tổ chức một loạt các cuộc điều trần để tìm hiểu nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính và sự sụp đổ của các công ty tài chính chủ lực của Hoa Kỳ như Lehman Brothers hoặc AIG, công ty bảo hiểm lớn nhất Hoa Kỳ.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG