Đường dẫn truy cập

Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt


Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt
Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt

Ngày 7 tháng 9 tới đây, Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt sẽ tổ chức một buổi hội thảo về kinh nghiệm và hướng đi trong tương lai của ngành Nail trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, tại nhà hàng Harvest Moon, thành phố Falls Church, Virginia. Trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này, Hà Vũ mời quý vị theo dõi những hoạt động của Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt từ khi thành lập vào năm 2009 cho đến nay.

Sau nhiều tháng vận động và bàn bạc, Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt trên toàn nước Mỹ VietAmCham đã ra mắt cộng đồng Việt Nam vào giữa tháng 9 năm 2009, tại quận Arlington, bang Virginia. Đây là một tổ chức tập họp các doanh nhân người Mỹ gốc Việt, các công ty thuộc cộng đồng người Việt tị nạn cũng như các công ty các cộng đồng bạn và Hoa Kỳ nhằm mục đích giúp đỡ các thành viên trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện tại.

Ông Vinh Nguyễn, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt nói về những kinh nghiệm của ông khi thành lập VietAmCham:

“Trước khi lập Phòng Thương mại, Vinh có gặp một vài người làm những Phòng Thương mại trên nước Mỹ, Vinh cũng tham khảo một vài người sinh hoạt trong cộng đồng ở đây để xem sự thành công của những Phòng Thương mại khác như thế nào. Vinh có nói chuyện với một anh trong ban quản trị Phòng Thương mại Orange County thì ảnh chia sẻ rất nhiều. Nhưng Vinh vẫn nghĩ là tầm vóc của một Phòng Thương mại của mình đang có khắp nơi vẫn chưa ở tầm mức để hoạt động một cách hữu hiệu. Thứ hai hầu hết những Phòng Thương mại khác là ý kiến của một hay hai người, cuối cùng căn bản vẫn là thiếu nhân sự nên không tiến xa được. Vinh đi sau nhưng kéo được một số nhân sự trẻ, một số luật sư, một số người đang có công việc doanh thương, từ từ kết hợp họ lại. Cũng kết hợp với BPSOS, gặp rất nhiều người đang làm hay sắp làm những Phòng Thương mại khác trên nước Mỹ thì thấy mọi người ủng hộ chương trình này lắm.”

Luật sư Shandon Cường Phan, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt cho biết lúc bấy giờ hội được sự ủng hộ của một số dân cử người Mỹ gốc Việt tại địa phương cũng như trung ương.

“Có sự ủng hộ rất lớn từ phía các vị dân cử người Mỹ gốc Việt hàng đầu của cộng đồng chúng ta lúc đó là dân biểu tiểu bang Trần Thái Văn, California, dân biểu tiểu bang Hubert Võ, Texas và dân biểu liên bang Joseph Cao Quang Ánh. Cả ba người lúc đó nằm trong Ban Cố Vấn của VietAmCham.”

Lúc khởi đầu, Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt có từ 9 đến 11 hội viên sáng lập. Chủ tịch Hội đồng Quản trị đầu tiên là cô Liễu Nguyễn, Giám đốc Điều hành là luật sư Katie Thục Nhi Đặng. Đến tháng 11 năm 2010, sau hơn một năm hoạt động, Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt đã có trên hai trăm hội viên với nhiều tiểu ban chuyên trách khác nhau.

Luật sư Shandon Cường Phan cho biết về những hoạt động của Phòng Thương mại.

“Qua khoảng hai năm hoạt động, Phòng Thương mại đã tổ chức nhiều chương trình giúp đỡ cho tiểu thương trong vùng cũng như trên toàn quốc. Có những chương trình vận động về chính sách nhất là những chính sách thúc đẩy kinh tế cộng đồng phát triển. Có những chương trình huấn luyện và hỗ trợ cho những Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt địa phương như tại Houston, Texas, Atlanta, Georgia và chúng tôi cũng cộng tác với các Phòng Thương mại như là Phòng Thương mại Hoa Kỳ và các Phòng Thương mại địa phương trong vùng.”

Trong nỗ lực nhằm nâng cao tầm nhìn chiến lược, tầm vóc suy nghĩ, khả năng lãnh đạo của những người làm thương mại trong cộng đồng Việt Nam, không nhất thiết phải là người làm chủ một cửa hàng, nhưng có thể là nhân viên một công ty, Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt đã tổ chức một chương trình huấn luyện lãnh đạo qua mạng truyền thông có tên là Chick-fil-A Leadercast tại Trung tâm Cộng đồng James Lee, Falls Church, Virginia. Luật sư Shandon Cường Phan giải thích về tầm quan trọng của chương trình này.

“Chương trình Chick-fil-A Leadercast là một chương trình huấn luyện lãnh đạo rất nổi tiếng trên toàn quốc Hoa Kỳ do những người huấn luyện lãnh đạo rất nổi tiếng như ông John Maxwell và nhiều kinh tế gia nổi tiếng khác của Hoa Kỳ đứng ra huấn luyện cho những người tham dự. Nói chung những người tham dự là những người làm thương mại hay những người lãnh đạo các tổ chức cộng đồng, các hội đoàn, các Phòng Thương mại. Khi chúng tôi mang những chương trình đó về vùng Virginia, chúng tôi là Phòng Thương mại duy nhất trong vùng tổ chức chương trình này cho toàn vùng Washington D.C, Virginia và Maryland và có những thành viên từ các tổ chức khác đến tham dự chứ không riêng gì cộng đồng Việt Nam, có người Mỹ trắng, có những cộng đồng da đen cũng đến tham dự.”

Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt toàn quốc còn giúp cộng đồng Việt Nam bang Texas tranh đấu để chính quyền bang giải tỏa lệnh cấm người Việt trồng rau muống trên các phần đất của tiểu bang. Luật sư Shandon Cường Phan cho biết thêm:

“Sau khi chúng tôi viết một lá thư cũng như hợp tác với BPSOS, rồi Phòng Thương mại của người Mỹ gốc Việt vùng bắc Dallas cũng gởi thư lên. Chúng tôi cũng xuống đó điều trần, tổ chức một cuộc họp mặt, mời dân biểu Hubert Võ, các cấp chính quyền, báo chí, đại diện các nông dân bị ảnh hưởng. Kết quả trong vòng hai tháng sau đó, các chính quyền địa phương cho phép trồng rau muống nhưng phải tuân theo một số qui định như rau muống trồng cách hàng rào bao nhiêu, mỗi năm phải xin giấy phép tốn mấy chục đồng, như muốn săn bắn, câu cá phải xin giấy phép vậy. Đây có thể nói là một thắng lợi nhỏ nhưng rất có ý nghĩa cho cộng đồng chúng ta vốn chưa quen với việc đấu tranh giành quyền lợi cho chính mình qua việc vận động chính sách.”

Ngày 7 tháng 9 tới đây, Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt sẽ tổ chức một buổi hội thảo về kinh nghiệm và hướng đi trong tương lai của ngành Nail trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, tại nhà hàng Harvest Moon, thành phố Falls Church, Virginia. Ông Vinh Nguyễn, một doanh nhân lâu năm trong ngành địa ốc, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt toàn quốc, người chịu trách nhiệm tổ chức buổi hội thảo này nêu lên lý do cần phải tổ chức hội thảo cho ngành Nail.

“Cộng đồng mình làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng bà con mình làm ngành Nail rất nhiều. Trong thời kinh tế thịnh ai cũng làm khá hết nhưng khi kinh tế hơi chậm lại một tí xíu thì có nhiều người đang gặp khó khăn thành ra Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt toàn quốc cảm thấy cần phải giúp cộng đồng nên tổ chức buổi nói chuyện này. Nếu thành công có thể đi nhiều nơi trên nước Mỹ làm việc chung với những Phòng Thương mại khác. Chúng tôi đưa một số những chủ nhân trong ngành Nail đã thành công trong quá khứ và hiện tại đến chia sẻ những mô hình và cách làm việc như thế nào để thành công và làm cho đúng cách.”

Về vai trò của Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt toàn quốc VietAmCham so với các Phòng Thương mại địa phương, luật sư Shandon Cường Phan cho biết:

“Chúng tôi chủ trương các Phòng Thương mại địa phương là những đối tác chứ không phải là thành viên của Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt toàn quốc. Chúng tôi không muốn là một Phòng Thương mại ô dù bao trùm hết tất cả. Chúng tôi chủ trương có những việc Phòng Thương mại toàn quốc nên tập trung sức lực vào và có những chương trình, những nhu cầu Phòng Thương mại địa phương giỏi hơn để làm những chuyện đó. Thành ra chúng tôi đảm đương việc kết nối các Phòng Thương mại địa phương thành một mạng lưới, tạo ra những chương trình hỗ trợ về mặt kỹ thuật ví dụ phát triển tổ chức, phát triển cấu trúc pháp lý các Phòng Thương mại, tổ chức những sự kiện có tính cách toàn quốc thay vì tập trung vào một cộng đồng nào đó mà thôi.”

Ngoài buổi hội thảo về kinh nghiệm và hướng đi ngành Nail được tổ chức vào tuần lễ đầu tiên của tháng 9, vào ngày 22 tháng 10 sắp tới Phòng Thương mại người Mỹ gốc Việt sẽ tổ chức đại hội tiểu thương tại trường đại học Cộng đồng Northern Virginia. Tại đại hội này cũng có tổ chức khóa huấn luyện về lãnh đạo Chick-fil-A Leadercast cho tất cả những ai muốn tham dự.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG