Đường dẫn truy cập

Tiếng nói của người Mỹ gốc Việt


Chủ tịch Sharon Bulova và các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á châu tại Trung tâm hành chánh Quận Fairfax, 6/8/2011
Chủ tịch Sharon Bulova và các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á châu tại Trung tâm hành chánh Quận Fairfax, 6/8/2011

Ngày 6 tháng 8 vừa qua, Hội “Tiếng nói của Người Mỹ gốc Việt” đã tổ chức “Ngày Tiếng nói Người Mỹ gốc Á châu” trình bày về các vấn đề thiết thực, cộng đồng thiểu số vùng Washington D.C, Virginia và Maryland thường quan tâm, tại Trung tâm Hành chánh Quận Fairfax, Virginia. Trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này, Hà Vũ xin giới thiệu cùng quý vị tổ chức bất vụ lợi “Tiếng nói của người Mỹ gốc Việt” qua phần trao đổi với cô Ngọc Giao, Chủ tịch tổ chức này.

Được thành lập vào đầu năm 2009, Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt là một tổ chức bất vụ lợi với chủ trương giúp tăng sức mạnh của người Mỹ gốc Việt bằng cách khuyến khích thi hành nghĩa vụ công dân như ghi danh cử tri và đi bầu các chức vụ dân cử tại địa phương, tiểu bang và liên bang, xây dựng cộng đồng và phát triển tiềm năng của người Mỹ gốc Việt. Ngoài ra Tiếng nói người Mỹ gốc Việt còn nhằm phát huy và bảo vệ nhân quyền, dân quyền, tự do, dân chủ, và công bằng xã hội.

Cô Genie Ngọc Giao Nguyễn, Chủ tịch của Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt nói về nguyên nhân thành lập hội:

“Tôi và một số bạn trẻ, đa số là những thanh niên, sinh viên và những chuyên gia trẻ nhìn thấy rằng người Việt Nam chúng ta chưa có tiếng nói thực sự trong giòng chính, trong mạch sống chính của Hoa Kỳ. Khi đi nói chuyện với những cơ quan dân cử, những người dân cử hay là những cơ quan của chính phủ chúng ta thấy rằng người Việt Nam mình chưa có tiếng nói mạnh mẽ cũng như chưa có được đại diện mạnh mẽ và chúng ta có nhu cầu đó để giúp mở con đường cho giới trẻ đi sau có thể thăng tiến hơn, vào trong những lãnh vực của Hoa Kỳ, để giúp cho tiếng nói người Mỹ gốc Việt mạnh mẽ hơn và bảo đảm quyền lợi của chúng ta tại đây cũng như tại quê nhà.”

Tuy mới được thành lập gần 3 năm nay nhưng Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đã tích cực hoạt động trong nhiều lãnh vực có liên hệ đến cộng đồng người Việt tị nạn trong vùng. Từ năm 2009, khi mới thành lập, Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đã phối hợp với một số tổ chức và hội đoàn của người Việt tị nạn… thực hiện chương trình có tên “Hành trình tìm tự do: Hồi tưởng câu chuyện thuyền nhân” (Journey to Freedom: The Boat People Restropective) tổ chức vào ngày 2 tháng 5 năm 2009 tại Thư viện Quốc hội Mỹ. Cô Ngọc Giao cho biết:

“Chúng tôi đã ngay lập tức vào tháng 5 năm 2009, vận động được 3 nghị quyết tại Thượng viện, Hạ viện Hoa Kỳ và tại tiểu bang Virginia. Tại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Jim Webb đã công nhận ngày 2 tháng 5 là ngày của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. Tại Hạ viện, dân biểu Cao Quang Ánh đã đưa ra nghị quyết công nhận ngày 2 tháng 5 là ngày của người Việt tị nạn tại Mỹ. Và tại Virginia, dân biểu Bob Hull cũng đã công nhận tháng 5 là ngày của thuyền nhân Việt Nam. Ngay lập tức, vào ngày 2 tháng 5 năm 2009 chúng tôi đã mang vào trong Quốc hội Hoa Kỳ thế đứng của người Việt tại Mỹ. Đó là thế đứng của những người đi tìm tự do và sẽ tranh đấu cho tự do, bình đẳng, dân chủ và nhân quyền.”

Vào năm 2010 Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đã đóng góp vào việc kiểm tra dân số trên toàn nước Mỹ. Đến năm 2011, hội góp phần vào việc giúp tái phân phối các địa hạt bầu cử tại Virginia. Cô Ngọc Giao nói:

“Chúng tôi lên tiếng và có mặt tại các buổi điều trần tại Virginia để người ta biết tiếng nói của khối người Mỹ gốc Việt tại đây từ trước tới giờ hay bị lãng quên. Con số người Mỹ gốc Á châu tăng lên 68%, tức là trong những cuộc bầu cử từ bây giờ về sau, tiếng nói người Mỹ gốc Á châu rất là quan trọng. Nhất là năm 2011 tại Virginia có cuộc bầu cử tất cả các ghế. Người ta nói là các cuộc bầu cử năm nay sẽ ảnh hưởng đến tất cả các cuộc bầu cử năm 2012 và nếu chúng ta biết rõ vị trí của Hoa Kỳ trên trường thế giới thì những người đại diện của chúng ta tại mọi tầng lớp ở Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự an nguy và thể chế chính trị tại Việt Nam. ”

Khuyến khích và thúc đẩy cộng đồng người Việt Nam trong vùng đi bầu là nỗ lực không ngừng của hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt. Bất cứ lúc nào thuận tiện hội đều tổ chức những bàn ghi danh cử tri tại các dạ tiệc dạ vũ, tại các buổi hội thảo của cộng đồng hay tại các chùa hay nhà thờ. Cô Ngọc Giao nói về hoạt động này trong những ngày vừa qua.

“Liên tiếp trong nhiều tuần qua, chúng tôi có đi đến chùa Hoa Nghiêm, chùa Vạn Hạnh, nhà thờ Các Thánh Tử Đạo, ghi danh cho các vị đồng hương nào mới có quốc tịch mà chưa có ghi danh cử tri hoặc là đã có thẻ cử tri rồi nhưng muốn đi bầu khiếm diện.”

Vào ngày 6 tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt tổ chức “Ngày tiếng nói của người Mỹ gốc Á châu Virginia” tại Trung tâm hành chánh Quận Fairfax, với sự tham dự của các hội đoàn người Mỹ gốc Á châu và sự hiện diện của các viên chức chính quyền địa phương, tiểu bang và trung ương để giải thích hoặc thảo luận về một số vấn đề bao gồm quốc tịch, y tế, việc làm, an ninh địa phương, an ninh toàn cầu trong đó có vấn đề biển Đông và bảo vệ môi trường với những vấn đề liên quan đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cô Ngọc Giao nói:

“Hôm đó có bà quận trưởng Sharon Bulova quận Fairfax, cũng như nhiều nghị sĩ và dân biểu của bang Virginia đến lắng nghe trình bày của nhiều hội đoàn người Mỹ gốc Á châu-Thái Bình Dương trong đó có văn phòng thương mại của người Mỹ gốc Á châu-Thái Bình Dương. Mục đích của chúng tôi là để các giới chức chính quyền Mỹ thấy người Mỹ gốc Việt chúng ta sinh hoạt với rất nhiều hội đoàn khác và chúng ta sẵn sàng đóng góp trở lại cho xã hội này. Có một điểm đặc biệt là chúng tôi có đưa ra một lập trường chung của cộng đồng người Mỹ gốc Á châu-Thái Bình Dương do anh Takahiro Nakamura người Mỹ gốc Nhật đệ trình.”

Kể từ khi được thành lập cho đến nay, hàng năm hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đều có trao một học bổng về lãnh đạo chỉ huy cho những bạn trẻ có khả năng trong lãnh vực này. Cô Ngọc Giao giải thích:

“Mỗi năm tôi có trao một học bổng nhỏ cho các em tập sự đi tham dự một khóa 3 ngày gọi là ‘khóa huấn luyện những người lãnh đạo trẻ’. Khóa 3 ngày đó cho họ những căn bản về lãnh đạo nhưng đồng thời mang họ tiếp xúc với chính quyền địa phương, Quốc hội Mỹ và có năm vào Tòa Bạch Ốc để nghe thuyết trình nữa.”

Để phổ biến chủ trương của Tiếng nói người Mỹ gốc Việt, hàng tuần vào ngày thứ Hai từ 4 đến 5 giờ chiều hội có một chương trình phát thanh trên đài Việt Nam Hải ngoại và vào lúc 9 giờ tối ngày thứ Tư, hội cũng có một giờ phát thanh trên đài Việt Nam Washington D.C. Cô Ngọc Giao nói về nội dung của hai chương trình phát thanh này.

“Mỗi giờ phát thanh, chúng tôi chia làm hai phần, nửa phần đầu nói về tin tức, chú trọng đến những tin tức xảy ra ở Quốc hội, ở mức lập pháp và hành pháp tại liên bang và tiểu bang. Còn nửa tiếng sau là phỏng vấn. Trong phỏng vấn, chúng tôi phỏng vấn rất nhiều người, kể cả những người làm nails. Lúc trước chúng tôi có phỏng vấn cô Tiến sĩ Thu Quách, chuyên nghiên cứu những độc hại trong ngành nails. Cuộc phỏng vấn rất cảm động vì mẹ cô Thu Quách làm nghề nails và nuôi cô học lấy bằng Tiến sĩ và mẹ cô bị chết vì ung thư. Do đó cô Thu Quách tìm hiểu và đang viết về những chất độc trong ngành nails.”

Qua kinh nghiệm của việc tổ chức những diễn đàn, những buổi hội thảo trong những năm qua, Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt nhận thấy cần thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của cộng đồng Việt Nam thuộc mọi tầng lớp, tuổi tác và tôn giáo vào các hoạt động dân sự để tiếng nói của người Việt tại Washington D.C và vùng phụ cận không thua kém những cộng đồng thiểu số khác.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG