Đường dẫn truy cập

Kinh tế VN 2010: ‘Lòng tin của người dân đã giảm sút nhiều’


Người làm công ăn lương Việt Nam 'chịu tác động lớn trong tình hình kinh tế bất ổn năm 2010'.
Người làm công ăn lương Việt Nam 'chịu tác động lớn trong tình hình kinh tế bất ổn năm 2010'.

Thưa quý vị, các doanh nhân Việt và ngoại quốc mới đây đã bày tỏ quan ngại rằng bất ổn kinh tế vĩ mô có thể ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như làm suy giảm lòng tin của người dân ở Việt Nam. Đánh giá được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam hôm 2/12 giữa bối cảnh lạm phát tăng trong khi tỷ giá hối đoái và giá vàng biến động lớn, khi ngày kết thúc năm đã gần kề. Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ đã trao đổi với tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2010 và những dự báo cho năm tới. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ kỳ này.

VOA: Theo đánh giá của ông, một năm qua, nền kinh tế Việt Nam diễn tiến theo chiều hướng nào?

Ông Lê Đăng Doanh: Trong năm 2010, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà hồi phục, và mức tăng trưởng năm nay có thể vượt quá chỉ tiêu quốc hội đã đề ra là tăng trưởng 6,2%, để có thể đạt tới 6,7 hay 7%. Xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng, có thể đạt tới 20% vào khoảng 78 tỷ đôla, nhưng nhập khẩu cũng tăng, và nhập siêu vẫn tiếp tục.

Điều đáng chú ý và đáng lo ngại nhất trong kinh tế Việt Nam năm 2010, đó là, để đạt mức tăng trưởng đó, Việt Nam đã phải chấp nhận sự mất ổn định kinh tế vĩ mô đáng kể. Cụ thể là trong ba tháng cuối năm, lạm phát đã tăng lên rất là mạnh mẽ. Mức lạm phát mà quốc hội đề ra là 7% chắc chắn sẽ không đạt được, mà nhiều khả năng sẽ vượt lên hai con số, tức là vào khoảng từ 10 đến 11%. Bội chi ngân sách vẫn tiếp tục, và nhập siêu cũng như cán cân thanh toán tài khoản vãng lai quốc tế vẫn bị thâm hụt. Đặc biệt, nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng lên rất nhanh chóng trong ba năm gần đây.

Vậy nên, kết thúc năm 2010, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì họ đã phải đối mặt với lãi suất rất cao, khan hiếm ngoại tệ, và khan hiếm cả tín dụng ở trong nước. Trong khi đó, tỷ giá và giá vàng có những biến động rất lớn. Vì vậy cho nên, kết thúc năm 2010, thì bên cạnh thành tựu về tăng trưởng, Việt Nam cũng cần phải nghiêm túc nhìn vào các tồn tại cũng như thách thức đã xuất hiện để tìm cách giải quyết một cách căn cơ trong những năm sau.

VOA: Trong bối cảnh mất ổn định kinh tế vĩ mô như vậy, thưa ông, người dân bị ảnh hưởng ra sao?

Ông Lê Đăng Doanh: Đời sống của người lao động rất là khó khăn, nhất là những người làm công ăn lương, vì mức lương không tăng lên tương xứng. Tôi đã gặp những người lao động thu nhập thấp. Hiện nay họ chuyển từ một ngày ăn ba bữa thành ăn hai bữa thôi. Họ chỉ ăn bữa sáng và bữa tối ở nhà. Còn bữa trưa khi họ đi làm, thì thường bây giờ họ nhịn. Họ không ăn gì thêm.

Đặc biệt là những em sinh viên nghèo ở nông thôn mà đang học đại học ở các thành phố, khi gặp tôi, thì đã trình bày rằng các em rất là khó khăn. Và tôi nghĩ rằng tình hình khó khăn đó rất đúng đối với người nào mà bị mắc bệnh, phải đi chữa trị.

Cho nên, khó khăn đó không chỉ xuất hiện ở các đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung, mà những người thu nhập thấp ở các nơi khác cũng chịu các khó khăn lớn hơn hẳn. Tôi e rằng từ nay cho tới Tết, tình hình giá cả sẽ còn biến động phức tạp.

VOA: Nhiều người dân lo ngại tình trạng tiền đồng không ổn định, lạm phát tăng và giá cả leo thang sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc sống của họ trong năm tới. Liệu họ có quá lo lắng không, thưa Tiến sĩ?

Ông Lê Đăng Doanh: Chính phủ đã cam kết không điều chỉnh tỉ giá, không tăng giá điện, không tăng giá xăng cho đến Tết nguyên đán, tức là cho đến sau Đại hội thứ 11, Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng sau đó thì là cái gì, và có lẽ sẽ phải tăng. Giá dầu tăng lên và hiện nay Việt Nam phải giảm mức thuế nhập khẩu xăng dầu để giảm lỗ cho các công ty nhập khẩu xăng, bởi vì giá dầu thế giới đã lên tới 86 đôla một thùng trong những ngày gần đây. Trong khi đó, giá điện cũng phải tăng để ngành điện có thu nhập để có thể đầu tư.

Rồi thì tỷ giá cũng phải điều chỉnh bởi vì tỷ giá trên thị trường tự do đã lên tới 21.500 đồng một đôla, trong khi đó tỷ giá của ngân hàng vẫn chỉ có là 19 ngàn, và mức chênh lệch đã lên tới 2 ngàn đồng. Đó là một sự chênh lệch quá cao đối với một nền kinh tế thị trường.

Và tôi nhìn thấy năm 2011 sẽ là một năm nhiều khó khăn và nhiều diễn biến phức tạp, chứ không phải là một năm tăng trưởng dễ dàng.

VOA: Một vụ việc liên quan tới kinh tế tốn nhiều giấy mực của báo giới trong năm đó là Vinashin. Bản thân ông có hài lòng với cách xử lý của chính phủ trong vụ việc gây tranh cãi này?

Ông Lê Đăng Doanh: Về vụ Vinashin, chính phủ có những nỗ lực, nhưng rõ ràng, tôi cũng như người dân thì không thể hài lòng. Trong một thời gian rất là ngắn, lãnh đạo Vinashin đã phải thay đổi nhiều lần, còn những người được bổ nhiệm lần đầu tiên sau đó đã bị bắt.

Hiện nay họ đã đưa ra một đề xuất tái cơ cấu và sẽ hồi phục lại Vinashin theo cách là chính phủ sẽ hoãn trả nợ cho các khoản ngân hàng thương mại cho Vinashin vay. Như vậy, tức là phần lãi suất thì chắc là ngân sách sẽ phải bù cho các ngân hàng thương mại. Thứ hai nữa là miễn giảm thuế cho Vinashin trong ba năm tới, như vậy tức là phần thuế thu vào ngân sách sẽ bị giảm.

Thêm nữa, hiện nay Vinashin vẫn chưa trả được khoản nợ 60 triệu đôla và đáo hạn tháng 12. Những lời hứa và các dự báo lạc quan rằng Vinashin sẽ có thể có lãi và trả nợ trong ba năm tới thì tới nay, chưa có gì để chứng minh được. Cá nhân tôi thấy làm lo ngại và cách điều hành, giải quyết vấn đề Vinashin hiện nay vẫn thiếu công khai, minh bạch, và trách nhiệm giải trình vẫn chưa rõ ràng.

VOA: Thưa ông, có ý kiến cho rằng cách tiếp cận của nhà nước đối với một số chính sách kinh tế, tiền tệ đã gây ra các vấn đề về tín nhiệm và lòng tin. Ông có đồng ý với quan điểm này không, thưa tiến sĩ?

Ông Lê Đăng Doanh: Rất tiếc là trong năm qua, đã hơn một lần, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tuyên bố sẽ không điều chỉnh tỷ giá thì sau đó 24 tiếng đồng hồ lại điều chỉnh. Vì vậy cho nên, lòng tin của người dân đã bị giảm sút nhiều.

Tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế Việt Nam đã tăng mạnh. Có thể nói trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay có ba đồng tiền đang lưu hành một là Việt Nam đồng để cho mua bán, trang trải những cái bình thường. Hai là đồng đôla để mua bán những thứ có giá trị cao hơn, thí dụ như ô tô hay nhà đất. Rồi đến vàng, vừa để dự trữ và vừa là để trao đổi. Vì vậy cho nên, chính sách tiền tệ và tác động qua lãi suất, và tín dụng của ngân hàng nhà nước Việt Nam chịu những giới hạn rất là đáng kể.

Xin cám ơn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài tường thuật này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG