Đường dẫn truy cập

Ðầu tư nước ngoài chưa hồi phục tại Việt Nam


Các tòa nhà cao tầng đang thi nhau mọc lên dọc theo hai bên bờ sông Sài Gòn
Các tòa nhà cao tầng đang thi nhau mọc lên dọc theo hai bên bờ sông Sài Gòn

Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục giảm sau cuộc suy thoái của kinh tế toàn cầu. Để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã gia tăng mức đầu tư nội địa và đầu tư chính phủ bằng các khoản, trong đó có ODA và các khoản vay mượn khiến cho mức nợ nước ngoài và nợ công của chính phủ gia tăng nhanh chóng. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên Tấn Chương của ban Việt ngữ đài VOA đã trao đổi với các chuyên gia kinh tế cấp cao, và có các ghi nhận trong bài tường trình sau đây.

Việt Nam không rơi vào tâm cơn bão khủng hoảng tài chánh toàn cầu năm 2007 và 2008, nhưng đầu tư nước ngoài tại quốc gia được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhất trong khu vực Đông Nam Á này đã chịu tác động đáng kể kéo dài cho đến hôm nay, và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Ông Sesto Vecchi, luật sư điều hành của Russin & Vecchi, nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay.

Luật sư Vecchi nói rằng: “Đầu tư nước ngoài nhìn chung sút giảm tại Việt Nam, nhưng có một con số tăng đó là mức giải ngân cho các dự án đã được cam kết đầu tư. Tỉ lệ thực hiện vốn cam kết đầu tư trong năm nay đã cao hơn nhiều so với mấy năm qua. Do đó mặc dù tổng vốn đăng ký đầu tư giảm, tình hình thực hiện đầu tư thực sự trông có vẽ trên đà gia tăng.”

Tuy nhiên luật sư Vecchi, trong tư cách là một ủy viên ban quản trị Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam), nói tiếp rằng: “Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng đáng kể. Trong nhiều năm, đầu tư của Hoa Kỳ chỉ đứng ở hạng bảy, tám, và thậm chí mười. Năm ngoái Hoa Kỳ đã vươn lên thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, và năm nay Hoa Kỳ có thể đứng hạng ba, hay tư trên danh sách cam kết đầu tư.”

Theo Giáo sư-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương của Việt Nam, thì tình hình đầu tư nước ngoài sút giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu cho tới nay đang thách thức nỗ lực duy trì đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

TS Lê Đăng Doanh: “Về tác động đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như đầu tư gián tiếp về tài chánh và các khoản tín dụng trong năm 2009 và 2010 rất rõ rệt và nặng nề. Nếu năm 2008, Việt Nam nhận được tổng số vốn cam kết đầu tư nước ngoài vào khoảng 70 tỉ đôla, thì sang năm 2009 số cam kết đó đã giảm khá nhiều, nếu tôi nhớ không lầm thì khoảng 28 hay 29 tỉ đôla. Và năm nay cũng tiếp tục giảm. Và đầu tư nước ngoài giảm như vậy sẽ gây khó khăn cho tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.”

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích tiếp rằng các biện pháp khắc phục của Việt Nam hiện nay nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế đang đẩy mức nợ của nước này lên cao.

TS Lê Đăng Doanh: “Để bù vào, chính phủ Việt Nam đã gia tăng mức đầu tư nội địa, và gia tăng mức đầu tư chính phủ. Hiện nay Việt Nam đã đầu tư đến mức khoảng 43% tổng sản phẩm quốc nội, tức là một tỉ lệ khá cao. Cũng có những thời kỳ Việt Nam đã đầu tư lên đến 46%. Tỉ lệ tiết kiệm nội địa của nền kinh tế Việt Nam từ năm 2007 trở đi tiếp tục giảm sút, vì vậy Việt Nam đã phải bù đắp cái chênh lệch giữa tiết kiệm nội địa, và khoản đầu tư 43% GDP đó bằng các khoản đầu tư nước ngoài, bằng khoản ODA, cũng như bằng các khoản vay mượn. Và các khoản vay mượn đó đang tác động làm tăng một cách rất nhanh chóng các khoản nợ nước ngoài, cũng như các khoản nợ công của chính phủ Việt Nam.”

Gới phân tích dự đoán rằng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ gia tăng trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới, nhưng theo nhận định của Luật sư Vecchi thì hiện đang có một sự di chuyển của các khoản đầu tư đã có ở những nước khác trong trong khu vực vào Việt Nam.

Luật sư Vecchhi nói rằng: “Đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng, nhưng sẽ không phải tăng với mức thật cao. Tuy nhiên hiện nay có những khoản đầu tư đã được thực hiện ở Trung Quốc đang di chuyển sang Việt Nam. Do đó không nhất thiết phải là những khoản đầu tư mới từ những nền kinh tế như Hoa Kỳ, châu Aâu hay Nhật Bản, mà là những khoản đầu tư đã được thực hiện trong khu vực, và có thể đang di chuyển vào Việt Nam. Chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến những khoản đầu tư như vậy.

Sau nhiều năm liên tiếp đạt tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam hiện nay đã có đầu tư ra nước ngoài, tuy nhiên theo ông Vecchi thì những chính sách quản lý của Việt Nam chưa cho phép hoạt động này mở rộng.

Luật sư Vecchhi nói rằng: “Việt Nam đầu tư ra nước ngoài có lẽ chỉ tập trung vào Campuchia và Lào, chứ chưa đầu tư vào những thị trường mà chúng ta có thể coi là mang tính tính truyền thống như Hoa Kỳ. Trong số nhiều nguyên nhân có chính sách kiểm soát ngoại hối chặt chẽ khiến cho việc đầu tư ra nước ngoài không đơn giản. Đối với công ty nhà nước thì cơ hội có thể sẽ tốt hơn, nhưng cũng không phải là đơn giản.”

Mặc dù đầu tư nước ngoài giảm sút như vậy, Việt Nam đang tin tưởng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt mức 6,7% và sẽ vẫn duy trì được một mức cao trong năm tới.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG