Đường dẫn truy cập

Việt Nam – Nhật Bản khẳng định hợp tác sau khi Triều Tiên bắn tên lửa


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc điện đàm hôm 15/9 khẳng định hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau sau khi Triều Tiên bắn hai tên lửa đạn đạo vào vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông của Nhật Bản, tờ Kyodo dẫn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.

Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Suga đã lên án mạnh mẽ các vụ phóng tên lửa là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo và công nghệ hạt nhân, trong khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đáp lại về tầm quan trọng của việc tuân thủ các nghị quyết và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết thêm.

Bên cạnh đó, hai lãnh đạo cũng nhất trí rằng Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề an ninh trong thời gian tới, sau khi đã ký một thỏa thuận vào đầu tháng này cho phép xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng do Nhật Bản sản xuất sang các nước Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng chúc mừng ông Suga về việc Nhật Bản đã đăng cai tổ chức thành công Olympic và Paralympic Tokyo, và cảm ơn Nhật Bản đã tài trợ gần 3,6 triệu liều vắc xin COVID-19 cho Việt Nam.

Theo tờ Kyodo, cuộc điện đàm kéo dài 20 phút trên được thực hiện theo yêu cầu của phía Việt Nam sau khi ông Suga thông báo về ý định từ chức vào cuối tháng này.

Hợp tác quân sự quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh trong thời của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe và kéo dài đến hiện nay dưới thời Thủ tướng Yoshihide Suga.

Hồi năm 2015, Nhật Bản viện trợ cho Cảnh sát Biển Việt Nam 3 tàu tuần tra. Đến giữa năm 2020, Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ký hiệp định vốn vay ODA trị giá 36,6 tỷ yen (348,2 triệu USD) cho dự án trang bị 6 tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam nhằm tăng cường năng lực bảo đảm an ninh, an toàn trên biển. Ngoài ra, Nhật Bản cũng cam kết chuyển giao một số công nghệ quốc phòng, trang thiết bị vũ khí cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hàng hải của Cảnh sát Biển Việt Nam để bảo vệ chủ quyền tại các vùng biển tranh chấp.

Việt Nam và Nhật Bản đều có điểm chung trong mối quan hệ kinh tế và văn hóa với Trung Quốc nhưng cả hai đều có sự cảnh giác tương tự trước sức mạnh ngày càng tăng và tính hiếu chiến của Bắc Kinh, đặc biệt giữa bối cảnh cả hai đều đang đối mặt với những thách thức an ninh lớn từ quá trình hiện đại hoá quân sự nhanh chóng của Trung Quốc và những hành động quyết đoán của Bắc Kinh trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, theo nhận định của tờ Diplomat.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Suga tiếp tục thúc đẩy chính sách của người tiền nhiệm Shinzo Abe trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ của Nhật Bản với các quốc gia Đông Nam Á, nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ông Suga đã chọn Việt Nam và Indonesia là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình vào tháng 10 năm ngoái. Chính trong chuyến công du này, ông Suga và ông Nguyễn Xuân Phúc (khi đó đang giữ chức thủ tướng) đã đạt được thỏa thuận cho phép Nhật Bản xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng sang Việt Nam. Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với ông Phúc tại Hà Nội trong đợt này, ông Suga nói Việt Nam là “nền tảng” trong nỗ lực hiện thực hóa chính sách “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, đồng thời cam kết Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp cho “hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG