Đường dẫn truy cập

USAID: Từ Nhân dân Hoa Kỳ đến Việt Nam


USAID: Từ Nhân dân Hoa Kỳ đến Việt Nam
USAID: Từ Nhân dân Hoa Kỳ đến Việt Nam

Song song với các chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, hành chánh công quyền v.v., Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USAID, cũng luôn quan tâm đến những thiên tai, thảm họa ở Việt Nam, để cùng góp sức vào các nỗ lực cứu trợ; đưa sự trợ giúp từ Nhân dân Hoa Kỳ đến những người trong cơn hoạn nạn tại Việt Nam. Từ Hà Nội, phóng viên Tấn Chương có các ghi nhận về mối quan hệ đối tác không ngừng phát triển mà USAID đã xây dựng tại Việt Nam trong bài tường trình sau đây.

Thông qua các hoạt động kể từ năm 1989 cho đến nay, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ đã đóng góp hàng trăm triệu đôla cho các chương trình cứu trợ và phát triển tại Việt Nam.

Ông Robert Barton, giới chức phụ trách chương trình của USAID tại Việt Nam, cho biết bên cạnh các chương trình hỗ trợ phát triển, USAID còn đặc biệt chú ý đến thiên tai và thảm họa tại Việt Nam.

Ông Barton nói rằng: “USAID luôn trong tư thế sẵn sàng để hỗ trợ cho các đối tác ở nước sở tại. Ở Việt Nam, như chúng ta đều biết hàng năm từ tháng 6 đến tháng 11 là mùa bão lũ. Chẳng hạn như mới đây nhất là thiên tai lũ lụt tại miền trung. USAID đã nhanh chóng góp phần tài trợ cho các nỗ lực cứu trợ chung.”

Và rồi những thùng hàng cứu trợ với chiếc logo hình hai bàn tay bắt nhau, bên dưới có hàng chữ “từ Nhân dân Hoa Kỳ” đã được chuyển đến các nạn nhân bão lũ.

Ông Mai Xuân Tuyên, một giới chức của Uûy ban Nhân dân xã Cao Quảng, nơi bị trận lụt hồi tháng trước gây ảnh hưởng nặng nề nhất trong tỉnh Quảng Bình, nói rằng sự trợ giúp của USAID đã giúp động viên tinh thần rất lớn cho các nạn nhân bão lũ.

Ông Mai Xuân Tuyên cho biết: “Đợt bão lụt vừa qua, Quảng Bình bị rất nặng, phải nói là trận lũ lụt lịch sử. Dân bị thiệt hại rất lớn. Vừa qua chúng tôi được tiếp nhận quà cứu trợ của các tổ chức, các nhà hảo tâm, đặc biệt trong đó có của tổ chức USAID - Chương trình Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ – chúng tôi thực sự rất cảm động. Dù là một món quả nhỏ, nhưng trong lúc đang khó khăn của người dân, thì [những món quà đó] đã góp phần khắc phục những thiệt hại, vừa là món vật chất, nhưng có tinh thần động viên rất lớn.”

Ông Lê Tập ở Hương Khê, xã bị thiệt hại nặng nề nhất trong lũ lụt trên địa bàn tỉnh Hà Tỉnh, nói rằng: “Hoa Kỳ quan tâm đến người dân bị tổn thương của Việt Nam đã từ rất lâu. Lần này Hà Tĩnh bị lũ lụt rất lớn, nặng nề nhất là tại Hương Khê. Hương Khê nằm trong số được cấp các thùng hàng. Bà con có thể nói là rất cám ơn, và cảm thấy rằng một đất nước giàu mạnh như Hoa Kỳ mà quan tâm đến người dân ở địa phương thì họ rất quý mến và biết ơn.”

Ông Đặng Văn Tạo, giám đốc Chương trình quản lý thảm họa của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Việt Nam, giải thích cách mà USAID chuyển sự hỗ trợ của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đến cho các nạn nhân thiên tai tại Việt Nam.

Ông Đặng Văn Tạo nói: “Khi có thiên tại hoặc hiểm họa xảy ra, thì Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiến hành đánh giá nhu cầu. Sau đó chúng tôi xuất quỹ cứu trợ khẩn cấp, rồi tiến hành các hoạt động như cung cấp nước sạch, rồi ra lời kêu gọi để bổ sung thêm vào nguồn lực của Chữ thập đỏ Việt Nam và của cộng đồng.

Sau đó USAID đã đọc các báo cáo và lời kêu gọi của hiệp hội, và họ đã quyết định tài trợ. Họ cũng có yêu cầu là Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, nên USAID không tài trợ gạo, mà chỉ tài trợ các hàng phi lương thực, như thùng hàng gồm có chăn màn, thùng đựng nước, và bộ đồ nấu ăn. Chúng tôi lập ngân sách để USAID chia sẻ.

Để hàng đó đến với người dân, thì trên thùng hàng có logo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tức là cơ quan thực hiện, và logo của USAID từ Nhân dân Mỹ, là cơ quan tài trợ cho các hàng hóa đó.”

Theo ông Robert Barton, thì USAID đã không ngừng mở rộng các hoạt động tại Việt Nam từ năm 2000 cho đến nay.

Ông Barton nói rằng: “USAID bắt đầu các chương trình hỗ trợ cho Việt Nam kể từ năm 1989, với ưu tiên cao dành vào các đối tượng người dân dễ gặp phải những nguy cơ rủi ro cao, chẳng hạn như những người khuyết tật. Kể từ năm 2000, chúng tôi bắt đầu gia tăng đáng kể các chương trình hỗ trợ của chúng tôi. Tính đến nay trị giá đóng góp qua các chương trình của chúng tôi đã lên đến khoảng 330 triệu đôla. Hiện nay ngân sách hàng năm của chúng tôi vào khoảng 84 triệu đôla.

Chúng tôi hỗ trợ các chương trình trong một số lãnh vực như y tế với chương trình phòng chống và chữa trị HIV/AIDS, phòng chống dịch bệnh, như chương trình giúp tăng trưởng kinh tế, chương trình giáo dục bậc cao. Và chúng tôi vẫn tiếp tục chương trình dành cho các đối tượng có nguy cơ gặp rủi ro cao.”

Mới đây nhất, thông qua USAID, chính phủ Hoa Kỳ vừa công bố một dự án trị giá 11,7 triệu đôla nhằm tiếp tục trợ giúp các nỗ lực của Việt Nam gia tăng thương mại và đẩy mạnh sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG