Trong nhiều năm qua Hoa Kỳ vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam. Hiệp hội May mặc và Da giày Hoa Kỳ, gọi tắt là AAFA (American Apparel & Footwear Association) cũng đánh giá rằng Việt Nam đang nổi lên thành một nhà cung cấp quan trọng các mặt hàng này cho thị trường Hoa Kỳ tiếp theo sau Trung Quốc. Tuy nhiên rất nhiều thách thức đang đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bởi hệ thống giám sát nghiêm ngặt của thị trường Hoa Kỳ từ quy trình phân phối đến chất lượng sản phẩm.
Nhất là kể từ sau khi xảy ra những vi phạm về an toàn sản phẩm từ các nhà cung cấp Trung Quốc trong năm 2006 và 2007, nhiều quy định nghiêm ngặt hơn nữa đã được áp dụng tại Hoa Kỳ.
Bà Nancy Nord, Ủy viên Ủy ban an toàn hàng tiêu dùng Hoa Kỳ, trong phát biểu tại hội nghị sáng nay nói rằng: “Theo quy định mới, hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ vi phạm an toàn sản phẩm sẽ không còn đơn thuần bị trả về nước xuất xứ như trước đây, mà sẽ bị hủy.”
Bà Nord nói tiếp: “Nếu biện pháp đó chưa đủ, các cơ quan thẩm quyền còn có thể áp các mức phạt mới, có thể lên đến 15 triệu đôla đối với một vụ vi phạm.”
Ủy viên Nancy Nord nói với đài VOA rằng: “Tất nhiên Trung Quốc vẫn luôn là nhà cung cấp quan trọng nhất hàng dệt may và da giày vào thị trường Hoa Kỳ, tuy nhiên các mặt hàng này của Việt Nam cũng đang ngày càng phổ biến hơn trên thị trường Hoa Kỳ, và trên thực tế Việt Nam đã là nhà cung cấp lớn thứ hai, điều đó cho thấy ngành công nghiệp này đang phát triển và sẽ tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam.”
Bà Nord nói rằng: “Người tiêu dùng ở Hoa Kỳ sẽ không muốn những vi phạm về an toàn sản phẩm xảy ra trong quy trình cung cấp sản phẩm của Trung Quốc cách đây vài năm sẽ tái tiễn tại Việt Nam. Trong lúc ngành dệt may của Việt Nam đang tăng trưởng và hướng đến một tương lai phồn thịnh, chúng tôi muốn bảo đảm rằng an toàn sản phẩm sẽ là giá trị cốt lõi đối với các nhà sản xuất Việt Nam.”
Theo bà Nord, phía chính phủ Việt Nam cũng cần nỗ lực giúp cho các nhà sản xuất hiểu rõ rằng: “An toàn sản phẩm là một giá trị cốt lõi, không chỉ đối với người tiêu thụ Hoa Kỳ thôi, mà cả đối với người tiêu thụ Việt Nam, bởi vì không ai muốn con cái của mình sử dụng những sản phẩm không an toàn.”
Ủy viên Nancy Nord của Ủy ban an toàn hàng tiêu dùng Hoa Kỳ có lời nhắn đến các nhà sản xuất rằng: “Trong lúc ngành công nghiệp này của Việt Nam đang phát triển và không ngừng gia tăng, nếu các nhà sản xuất tạo dựng được uy tín về chất lượng, an toàn sản phẩm và giá cả thích hợp, thì chắc chắn họ sẽ đưa ngành dệt may của Việt Nam đến một tương lai phồn thịnh.”
Tại Hội nghị quốc tế về an toàn sản phẩm và các chất bị hạn chế đối với mặt hàng dệt may và giày dép nhập vào Hoa Kỳ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày hôm nay, các đại biểu đã thảo luận về những quy định nghiêm ngặt của Hoa Kỳ về an toàn sản phẩm, và những cách thức mà ngành dệt may Việt Nam nên nhanh chóng áp dụng trong việc tuân thủ các quy định này, nhằm tiếp tục mở rộng thị phần tại Hoa Kỳ. Từ thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên Tấn Chương của ban Việt ngữ đài VOA có bài tường trình sau đây.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1