Đường dẫn truy cập

Đơn vị tác chiến cuối của Hoa Kỳ rời khỏi Iraq


Hai tuần lễ trước lịch trình đã được Tổng thống Barack Obama ấn định, lữ đoàn tác chiến lớn cuối cùng của Hoa Kỳ đã rời khỏi Iraq. Các giới chức Ngũ giác đài nhấn mạnh rằng còn một số binh sĩ tác chiến ở lại nước này trước kỳ hạn chót là ngày 31 tháng 8 để chính thức chuyển tiếp sự hiện diện của Hoa Kỳ qua một hoạt động cố vấn và huấn luyện. Thông tín viên VOA Dan Robinson tại Toà Bạch Ốc có bài tường thuật sau đây.

Các cơ quan thông tấn và hệ thống truyền hình – một số có các phóng viên tháp tùng các binh sĩ sắp rời khỏi Iraq – đã xác nhận sự triệt thoái của Lữ đoàn 4 Stryker, thuộc Sư đoàn 2 bộ binh, băng qua biên giới ở cửa khẩu Khabari vào Kuwait.

Sự ra đi diễn ra 2 tuần lễ trước kỳ hạn 31 tháng 8 do Tổng thống Obama ấn định để chính thức chấm dứt các hoạt động tác chiến, và 7 năm 5 tháng sau khi quân đội Hoa Kỳ và liên minh tiến chiếm Iraq.

Tin về sự ra đi của lữ đoàn Stryker được đưa ra vào cuối một ngày tin tức tương đối yên tĩnh trong đó Tổng thống Obama kết thúc một chuyến du hành trong nước tập trung vào nền kinh tế Mỹ và ủng hộ các ứng cử viên Dân chủ.

Chưa có phát biểu chính thức của tổng thống khi ông trở về sau chuyến đi này. Một giới chức cao cấp trong chính quyền được trích thuật nói rằng mặc dù lực lượng tác chiến đã rút xuống chỉ còn 50.000 binh sĩ, sứ mạng chính thức của Hoa Kỳ vẫn sẽ thay đổi vào ngày 31 tháng 8.

Một người phát ngôn của Ngũ Giác Đài cho hay một số lực lượng tác chiến Hoa Kỳ vẫn còn ở lại Iraq, và các hoạt động tác chiến vẫn còn được dự trù chính thức kết thúc vào cuối tháng này. Các giới chức cũng nhấn mạnh rằng lực lượng Hoa Kỳ còn ở lại sau ngày 31 tháng 8 vẫn có khả năng đáp ứng các mối đe dọa quân sự.

Trong mấy tuần lễ vừa qua, Tổng thống Obama, Phó tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và các giới chức khác đã phát biểu chi tiết về vai trò đang thay đổi của Mỹ, tất cả đều nhấn mạnh vào cam kết liên tục của Hoa Kỳ đối với Iraq.

Sự chuyển tiếp chính thức sắp tới sẽ hoàn tất một cam kết chủ yếu mà Tổng thống Obam đã đưa ra nhằm chấm dứt Chiến dịch Tự do Iraq đã bắt đầu dưới thời Tổng thống George W. Bush của đảng Cộng hoà.

Theo một thỏa thuận song phương với chính phủ Iraq, tất cả binh sĩ tác chiến của Hoa Kỳ phải rời khỏi nước này trước cuối năm 2011. 50.000 binh sĩ còn lại sẽ tham gia công tác huấn luyện cho lực lượng Iraq, các hoạt động chống khủng bố, và bảo vệ nhân viên ngoại giao và các nhân viên khác của Hoa Kỳ.

Hơn 4.200 quân nhân nam nữ của Hoa Kỳ đã hy sinh tính mạng trong Chiến dịch Tự do Iraq, và hơn 30 ngàn người khác bị thương.

Mặc dầu Tổng thống Obama và các giới chức Hoa Kỳ đã nêu ra sự giảm thiểu toàn bộ về các vụ bạo động ở Iraq, đã có một chiều hướng đi lên về bạo lực trong mấy tuần vừa qua, với những vụ đánh bom, kể cả một vụ trong tuần này do một tay đánh bom tự sát gây ra gây thiệt mạng cho mấy chục người Iraq đang xếp hàng tại một trạm tuyển mộ binh sĩ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG