Đường dẫn truy cập

Mỹ: Có dấu hiệu thỏa hiệp giữa 2 đảng trong việc giảm thâm hụt


Mỹ: Có dấu hiệu thỏa hiệp giữa 2 đảng trong việc giảm thâm hụt
Mỹ: Có dấu hiệu thỏa hiệp giữa 2 đảng trong việc giảm thâm hụt

Với hạn chót đang gần kề để phải cắt giảm mức thâm hụt ngân sách khổng lồ, các nhà làm luật Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng dường như đang dịu bớt lập trường cứng nhắc về ý thức hệ trong hy vọng đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng để đưa quốc gia vào con đường tài chính lành mạnh hơn.

Các kinh tế gia đều đồng ý chính phủ Hoa Kỳ cần phải chi tiêu ít hơn và thu nhiều thuế hơn nếu như muốn thanh toán được số thâm hụt ngân sách lên tới cả ngàn tỉ đô la. Nhưng hầu hết phe Cộng Hòa chống lại việc tăng bất kỳ một khoản thuế nào, và hầu hết đảng Dân chủ chống lại việc cắt giảm mạnh những chương trình trợ cấp cho giới nghèo và giới người lớn tuổi. Kết quả là tình trạng bế tắc đã diễn ra tại một quốc hội chia rẽ về lập trường chính trị, không đảng nào có thể áp đặt ý muốn, và thỏa hiệp là con đường duy nhất để thông qua dự luật.

Giờ đây đã le lói một tia sáng hy vọng. Với thời gian chỉ còn mấy tuần nữa để một ủy ban lưỡng đảng quốc hội giảm bớt 1.200 tỉ đô la thâm hụt trong thập niên tới, một số nhỏ nhưng ngày càng đông hơn các nhà làm luật của cả hai đảng đang dẹp sang một bên những đòi hỏi mang tính ý thức hệ với hy vọng hình thành một sự đồng thuận để giảm thâm hụt ngân sách tổng cộng đã lên tới 4 ngàn tỉ đô la hay hơn.

Dân biểu Mike Simpson, đại diện bang Idaho, là một trong số hàng chục dân biểu đảng Cộng Hòa công nhận sự cần thiết phải có nguồn thu nhập thêm từ tiền thuế. Ông nói: "Trên thực tế, quí vị không thể giảm bớt mức thâm hụt lên tới 4 ngàn tỉ đô la mà không có thêm thu nhập. Thêm thu nhập là điều then chốt để giải quyết."

Ông Simpson lên tiếng trên đài truyền hình tin tức Fox hôm Chủ nhật. Ông đã giúp thảo môt văn thư, giờ đây đã được trên 100 nhà làm luật của cả hai đảng ký tên, hối thúc kết hợp những cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để giảm thâm hụt.

Một nhân vật khác bảo trợ cho văn thư này là dân biểu Dân chủ Heath Shuler, đại diện bang North Carolina. Ông nói đảng ông cần phải sẵn lòng chấp nhận những khoản cắt giảm chi tiêu đáng kể vì lợi ích của việc thanh toán nợ nần quốc gia. Ông cũng lên tiếng trong chương trình của đài truyền hình tin tức Fox hôm Chủ nhật: "Để duy trì những chương trình liên bang này, chúng ta phải bảo đảm là chúng có được những nguồn lực dài lâu và bền vững hơn, nhưng cũng phải dẹp bỏ những gian lận và lợi dụng có từ lâu rồi nhắm vào các chương trình này."

Nói một cách cụ thể, dân biểu Shuler cho hay những chương trình vẫn được coi là quyền lợi của một giới người, như cấp tiền hàng tháng và chăm sóc y tế cho người về hưu, cần phải cải tổ để giảm bớt chi phí, và không thể loại bỏ những chương trình này ra khỏi các nỗ lực giảm thâm hụt.

Ủy ban tối cao có nhiệm vụ xét vấn đề thâm hụt còn một khoảng thời gian từ nay đến ngày 23 tháng 11 để tìm ra phương cách cắt giảm thâm hụt tối thiểu 1.200 tỉ đô la. Trong lúc thời hạn đang gần kề, tin từ Quốc hội cho hay ủy ban gặp bế tắc vì chia rẽ đảng phái. Nếu ủy ban này không đạt dược đồng thuận, cắt giảm sẽ tự động được áp dụng, bắt đầu vào năm tới.

Dân biểu Simpson cho hay ủy ban không những chỉ phải lấp khoảng cách chia rẽ đảng phái mà còn phải vượt quá chỉ tiêu giảm 1.200 tỉ đô la thâm hụt. Ông nói: "Cắt giảm 1.200 tỉ đô la không ổn định được số thâm hụt của chúng ta. Nó chỉ hoãn lại những chọn lựa khó khăn mà thôi, và thẳng thắm mà nói, chúng ta đã ở đường cùng rồi, chúng ta phải đưa ra những quyết định thật khó khăn."

Mặc dù đã có những nỗ lực tìm lập trường chung giữa phe Dân Chủ và Cộng Hòa, những dị biệt đảng phái vẫn còn đó. Lấy ví dụ, hầu hết phe Dân Chủ muốn tăng thuế nhắm vào giới giàu, trong khi phe Cộng Hòa dường như chỉ muốn bỏ những khoản miễn trừ thuế mà thôi.

Năm nay mức thâm hụt ngân sách liên bang lên tới tổng cộng 1.300 tỉ đô la. Con số thâm hụt của liên bang chồng chất tạo thành nợ của quốc gia, hiện lên tới khoảng gần 15 ngàn tỉ đô la, gần như tương đương với tổng sản lượng nội địa của Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG