Đường dẫn truy cập

Biểu tình tại Afghanistan không làm thay đổi chiến lược của Mỹ


Phát ngôn viên George Little nói các vụ biểu tình không làm suy yếu quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh NATO với chính phủ và lực lượng an ninh Afghanistan
Phát ngôn viên George Little nói các vụ biểu tình không làm suy yếu quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh NATO với chính phủ và lực lượng an ninh Afghanistan

Các giới chức quốc phòng Hoa Kỳ nhấn mạnh là những cuộc hành quân hỗn hợp với các lực lượng an ninh Afghanistan vẫn tiếp tục, dù có những cuộc biểu tình trong vài ngày qua và những cuộc tấn công vào binh sĩ nước ngoài làm cho gần 40 người thiệt mạng, trong đó có 4 người Mỹ.

Ông George Little, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài nói Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta tin rằng “nền tảng của chiến lược của Hoa Kỳ” tại Afghanistan vẫn rõ ràng.

Ông nói những vụ việc vừa kể không làm yếu mối quan hệ chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh NATO với chính phủ Afghanistan và lực lượng an ninh của nước này.

Thời biểu những phản ứng đối với việc đốt kinh Quran

Ngày 21 tháng Hai: - Nhân viên Afghanistan tiết lộ kinh Quran bị đốt chung với rác tại căn cứ không quân Bagram của NATO. - Biểu tình bùng phát chung quanh Bagram - NATO xin lỗi về vụ này

Ngày 22 tháng hai: - Những cuộc biểu tình bạo động xảy ra trên toàn Afghanistan làm ít nhất 8 người thiệt mạng

Ngày 23 tháng Hai: - Tổng thống Barack Obama xin lỗi về việc vô tình đốt kinh Quran - Hai binh sĩ Mỹ bị binh sĩ Afghanistan bắn - Những người biểu tình đốt xe tại một căn cứ quân sự của Na Uy tại miền bắc Afghanistan.

Ngày 24 tháng Hai: - Những cuộc biểu tình tiếp tục tại Afghanistan làm ít nhất 10 người thiệt mạng.

Ngày 25 tháng Hai: - Hai viên chức Mỹ bị bắn chết tại Bộ Nội vụ Afghanistan - NATO, Anh, Pháp rút các cố vấn quốc tế ra khỏi các Bộ của Afghanistan. - Các cuộc biểu tình tiếp tục tại Afghanistan

Ngày 26 tháng Hai: - Những người biểu tình ném lựu đạn vào một căn cứ Mỹ tại miền bắc Afghanistan, một vụ nổ súng làm 2 người Afghanistan thiệt mạng và 7 binh sĩ NATO bị thương. - Đức rút các cố vấn ra khỏi các bộ của Afghanistan.

Ngày 27 tháng Hai: - Bom xe tự sát tấn công phi trường Jalalabad, làm 9 người thiệt mạng - Liên Hiệp Quốc rút nhân viên quốc tế ra khỏi văn phòng ở Kunduz thuộc miền bắc - Pháp chuẩn bị rút nhân viên dân sự khỏi Afghanistan

Những cuộc biểu tình và tấn công là để đáp trả với những tin tức cho rằng binh sĩ Hoa Kỳ vô tình đốt nhiều cuốn thánh kinh Quran của Hồi Giáo tại căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan.

Truyền thông cho biết những cuốn kinh Quran bị tiêu hủy vì lo ngại là những tù nhân tại căn cứ này sử dụng để chuyển những thông điệp cực đoan.

Phát ngôn viên Bộ quốc phòng, Hải quân Đại tá John Kirby, nói trong khi binh sĩ Hoa Kỳ làm việc với lực lượng Afghanistan phải cảnh giác hơn, nhưng cảnh giác này không làm trở ngại cho các cuộc hành quân.

Hai trong số những người Mỹ thiệt mạng bị bắn khi làm việc tại Bội Nội vụ ở Kabul. Hung thủ chưa bị bắt giữ.

Phát ngôn viên Kirby nói những cuộc biểu tình sụt giảm đáng kể-từ hơn 20 cuộc biểu tình một ngày trong tuần qua, xuống còn 3 hôm thứ Hai.

Ông Kirby cũng nói một cuộc hành quân quan trọng, có sự tham gia của hàng trăm binh sĩ Afghanistan và nước ngoài vừa mới kết thúc tại miền nam Afghanistan.

Ông gọi đây là một sứ mạng thành công để ngăn chận phiến quân Taliban mở các cuộc tấn công mới trong những tuần lễ tới, khi thời tiết ấm đến.

Hoa Kỳ và đồng minh bắt đầu từ bỏ vai trò chiến đấu chống lại Taliban và chỉ giữ vai trò cố vấn, với mục đích chấm dứt các cuộc hành quân chiến đấu của binh sĩ nước ngoài vào năm 2014.

Tổng thống Barack Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và các giới chức Hoa Kỳ khác đã xin lỗi về việc hành sử sai lầm đối với kinh Quran và hứa sẽ không có những vụ tương tự xảy ra.

Theo truyền thống Hồi Giáo, những cuốn kinh Quran cũ được hủy bỏ bằng cách cuốn trong vải và chôn tại một địa điểm an toàn hay bằng cách bỏ những trang kinh xuống dòng nước. Đốt kinh Quran cũng được phép nhưng phải được làm theo một nghi thức qui định.

Cách hủy Thánh Kinh của các tôn giáo

Cả ba tôn giáo lớn, lấy ông Abraham làm tổ phụ, đều có những Thánh Kinh riêng biệt, được xem là lời của Thượng Đế. Cả ba tôn giáo có những quy định khác nhau về khi nào thì Thánh Kinh được hủy và hủy như thế nào. Sau đây và vài điểm đáng chú ý:

Hồi giáo: Kinh Quran có thể hủy nếu văn bản có sai sót hoặc khi đã quá cũ mòn. Trong trường hợp đó, các nhà học giả Hồi giáo nói hai cách để hủy, hoặc quấn trong vải đem chôn, hoặc để cho giòng nước cuốn trôi.

Công giáo: Người Công giáo có thể đem chôn Thánh Kinh khi cần hủy bỏ, mặc dù vào thời Trung Cổ, có nhiều khi tín đồ tổ chức những buổi lễ đốt Thánh Kinh long trọng.

Tin Lành: Người Tin Lành không có chỉ thị đặc biệt về chuyện hủy bỏ sách vở tôn giáo, vì họ xem những gì được gợi hứng từ những con chữ, thay vì những con chữ thực sự, mới có tính cách thiêng liêng.

Do Thái giáo: Người theo đạo này xem bất cứ văn bản nào có chứa tên của Thượng Đế cần phải được đem chôn khi không còn sử dụng được nữa, hoặc đem để trong một phòng chuyên biệt gọi là "Geniza." Các nghĩa trang của Do Thái giáo có những ngôi mộ đặc biệt để chôn những văn bản thiêng liêng. Một số giáo sĩ người Mỹ theo đạo này mới đây đã quyết định nếu đem tái chế các văn bản này cũng được.

VOA Express

XS
SM
MD
LG