Đường dẫn truy cập

Công nhân di trú chật vật tìm cách tránh lụt ở Thái Lan


Các công nhân di trú Miến Ðiện, bị kẹt trong vùng lụt và phải ngưng làm việc từ nhiều tuần qua, nhận các khẩu phần lương thực trong tỉnh Ayutthayam, Thái Lan hôm 1/11/11
Các công nhân di trú Miến Ðiện, bị kẹt trong vùng lụt và phải ngưng làm việc từ nhiều tuần qua, nhận các khẩu phần lương thực trong tỉnh Ayutthayam, Thái Lan hôm 1/11/11

Công nhân di trú, phần lớn từ Miến Điện, Kampuchea và Lào vẫn còn chật vật tìm cách bỏ chạy khỏi những khu vực bị lụt lội ở Thái Lan. Các tổ chức cứu trợ di trú đang kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ để giúp các công nhân này tìm công ăn việc làm hay trở về nước.

Không có ước lượng nào đáng tin cậy về số người bị kẹt trong hàng chục cộng đồng bị lụt lội ở Bangkok và các khu vực phía bắc. Nhân viên cứu trợ cho hay trong số hàng triệu người bị ảnh hưởng ở Thái Lan, có tới 600.000 người là công nhân di trú, đa số từ Miến Điện, bị kẹt trong các tình trạng ngày càng tệ hại.

Mắc kẹt trong các căn hộ không có điện, thực phẩm hay nước uống, nhiều người buộc phải trả giá cắt cổ để được chở tới những vùng khô ráo.

Bất kể tình hình này, nhiều nơi tạm cư của chính phủ vẫn chưa chật hết chỗ vì cư dân ở cùng với thân nhân hay ở lại những căn nhà bị ngập lụt để giữ đồ đạc.

Tham vấn viên của Quỹ Nhân quyền và Phát triển, ông Andy Hall nói rằng vấn nạn của công nhân di trú vẫn còn rất gay go:

“Tại sao các công nhân di trú lại ở lại đó? Họ ở lại bởi vì có thể họ không hiểu rõ tình hình, có thể họ sợ vì không có giấy tờ tùy thân, có thể họ bị ép buộc ở lại trong các cộng đồng vì có những tổ chức kiểu mafia ở những khu đó muốn ngăn những công nhân không có giấy tờ hợp lệ tiếp xúc với nhà chức trách.”

Các công nghiệp của Thái Lan theo ước tính tuyển dụng hơn 2 triệu công nhân di trú. Nhiều người trong số này làm việc trong ngành xây dựng và các cơ sở công nghiệp ở các tỉnh gần thủ đô Bangkok, nơi cơn lụt tập trung.

Phát ngôn viên của Mạng lưới Di trú Mekong, bà Jackie Pollock nói nhiều công nhân di trú, nhất là từ Miến Điện, đứng trước sự kỳ thị, bị làm ngơ do ngôn ngữ bất đồng với các tổ chức cứu trợ Thái.

Bà nói: “Các dịch vụ cứu trợ phải đến với khối dân di trú. Do đó tôi nghỉ điều cần thiết là có các thông dịch viên với các dịch vụ cứu trợ được phối hợp và tổ chức tốt nhất, có lẽ là Hội chữ thập đỏ của Thái Lan, những tổ chức có thể đến tận nơi và thực sự tiếp xúc với những người nên đem theo thông dịch viên cùng với họ. Hội chữ thập đỏ Thái rất sẵn sàng tiếp xúc với dân di trú, có điều là họ không đến được với họ.”

Số dân di trú chính thức đăng ký với chính phủ rất sợ phải trở về nước, vì giấy phép làm việc của họ sẽ bị mất hiệu lực một khi rời khỏi nước.

Nhưng hàng ngàn công nhân di trú Miến Điện đã bỏ trốn khỏi thị trấn biên giới Maesot ở biên giới Thái để trở về Miến Điện. Tin cho hay nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ nhiều người vì họ không có giấy tờ chứng minh đầy đủ.

Nhân viên cứu trợ cho biết giới hữu trách Thái và Miến Điện đã có biện pháp ngăn chặn nhân viên canh phòng ở các chốt kiểm soát biên giới nhận hối lộ của công nhân bỏ chạy. Nhưng dân địa phương báo cáo rằng giới hữu trách về di trú của Miến Điện chỉ cho phép 150 người băng qua Miến Điện mỗi ngày, khiến cho số người chờ đợi rất đông.

Ông Hall của Quỹ Phát triển và Nhân quyền nói vấn nạn của các công nhân di trú vẫn còn là một cuộc khủng hoảng mà chính phủ cần phải giải quyết.

Ông nói: “Bộ Lao động phải chịu trách nhiệm, nhưng dường như đấy là vì có liên quan đến chính trị, không ai nêu ra vấn đề bảo vệ dân di trú và chúng ta một lần nữa lại chứng kiến rằng vào thời điểm khủng hoảng thì dân di trú bị bỏ lại và họ đang được chuyển qua cho các tay môi giới lợi dụng họ và cả cho các cơ quan thi hành công lực nữa.”

Mạng lưới Di trú Mekong nói rằng Thái Lan phải cho phép công nhân di trú có đăng ký tạm thời rời khỏi Thái Lan và quay trở lại một khi cơn khủng hoảng qua đi mà không bị phạt vạ để hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế.

Một số hình ảnh về tình hình lụt ở Thái Lan:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG