Đường dẫn truy cập

Phiên tòa luận tội ông Trump: lý lẽ của hai bên như thế nào? 


Dân biểu Jamie Raskin, người vốn là giáo sư luật Hiến pháp, dẫn đầu nhóm công tố viên Hạ viện tại phiên tòa luận tội ông Trump
Dân biểu Jamie Raskin, người vốn là giáo sư luật Hiến pháp, dẫn đầu nhóm công tố viên Hạ viện tại phiên tòa luận tội ông Trump

Tính hợp hiến của việc xét xử một tổng thống không còn tại vị, phát ngôn của ông Donald Trump và vụ bạo loạn có liên quan với nhau hay không, là những điểm chính mà các bên công tố và biện hộ tập trung vào trong phiên tòa luận tội ông Trump đang diễn ra tại Thượng viện.

Các dân biểu giữ vai trò công tố viên của Hạ viện và các luật sư ông Trump đều đã hoàn thành phần trình bày của mình trước 100 thượng nghị sỹ giữ vai trò bồi thẩm đoàn trong phiên tòa luận tội ông Trump lần thứ hai về tội ‘kích động bạo loạn’ trong sự kiện người ủng hộ ông Trump tràn vào tấn công Điện Capitol hôm 6/1.

Sau đây là những lý lẽ của hai bên buộc tội và biện hộ tại phiên tòa:

Trump có hay không kích động phản loạn?

Để kết tội ông Trump kích động bạo loạn, các dân biểu phụ trách luận tội của Hạ viện đã tường thuật tỉ mỉ cách Trump kích động trong nhiều tuần chứ không phải chỉ với bài diễn văn hôm 6/1, bắt đầu với việc ông Trump từ chối cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình trước Ngày bầu cử và khẳng định trước rằng nếu ông thua thì tức là cuộc bầu cử đã có gian lận.

Sau đó, ông Trump đã hô hào ủng hộ viên của mình bằng các từ ngữ mang tính chiến đấu như ‘cuộc bầu cử đã bị đánh cắp’, ‘hãy chặn đánh cắp bầu cử’ và ‘chiến đấu đến cùng (fight like hell)’. Khi tất cả nỗ lực của ông Trump nhằm thay đổi kết quả bầu cử đều không có kết quả - từ các vụ kiện ở tòa án cho đến gây sức ép cho các quan chức bầu cử ở các bang chiến địa chủ chốt, ông nhắm đến ngày 6/1 vì ‘Trump đã hết tất cả phương cách phi bạo lực để tiếp tục nắm quyền’, Dân biểu Ted Lieu, một trong những người phụ trách luận tội, lập luận.

Ông Trump thậm chí còn gửi cái mà các công tố viên mô tả là thông điệp ‘hãy hành động’ tới những người ủng hộ ông hơn hai tuần trước ngày 6/1, với dòng tweet: “Hãy đến đó (Washington D.C.), sẽ rất dữ dội!”

Dân biểu Joaquin Castro nói với các thượng nghị sĩ rằng mục tiêu xuyên suốt của ông Trump là ‘đảm bảo rằng những ủng hộ viên của ông ấy tức giận, giống như là cuộc bầu cử bị tước khỏi tay họ.’

“Tất cả chúng ta trong căn phòng này đều đã ra tranh cử - và không có gì vui nếu chúng ta thua,” ông Castro nói. “Tôi là một đảng viên Dân chủ đến từ Texas. Chúng tôi đã thua trong một vài cuộc bầu cử trong những năm qua. Nhưng quý vị có thể tưởng tượng mình nói với ủng hộ viên của mình rằng cách duy nhất mà quý vị thua là cuộc bầu cử bị gian lận và bị đánh cắp khỏi tay quý vị? Nhưng đó chính xác là những gì Tổng thống Trump đã làm.”

“Lời nói của ông ấy,” Dân biểu Castro nói thêm, “đã trở thành hành động của các ủng hộ viên”.

Các dân biểu Dân chủ còn cho rằng ông Trump không hề tỏ thái độ ăn năn, không có hành động gì ngăn chặn bạo loạn cũng như không bày tỏ thái độ lo lắng cho sinh mạng của cựu phó Tổng thống Mike Pence và các thành viên Quốc hội sau khi cuộc bạo loạn xảy ra mà vẫn tập trung vào việc yêu cầu các Thượng nghị sỹ Cộng hòa phản đối kết quả bầu cử.

Các luật sư bào chữa một mực cho rằng thân chủ của họ không kích động bạo loạn khi ông phát biểu trước đám đông người ủng hộ hôm 6/1.

Họ cáo buộc các công tố viên Hạ viện đã cố tình chọn lọc những phát ngôn của ông Trump để chỉ nêu bật những gì có ích cho Đảng Dân chủ để buộc tội và liên tục chỉ ra rằng ông Trump cũng đã nói với người ủng hộ rằng ‘hãy cất lên tiếng nói của mình một cách ôn hòa và yêu nước’.

Họ lập luận rằng ngay cả ngôn từ tai tiếng nhất của ông Trump – “Nếu quý vị không chiến đấu hết mình, quý vị sẽ không còn đất nước nữa” – nên được hiểu theo nghĩa bóng trong bối cảnh chung về an ninh bầu cử, chứ không phải là kêu gọi bạo lực. Và họ cho rằng ông Trump không thể tự kích động bạo loạn vì trước ngày 6/1 các cơ quan thực thi pháp luật đã đánh đi các tín hiệu về khả năng xảy ra bạo lực.

Quyền tự do ngôn luận của ông Trump?

Đội ngũ luật sư bào chữa của ông Trump lập luận rằng Trump được Tu chính án thứ nhất trong mọi điều ông ấy nói với người ủng hộ mà họ gọi là ‘phát ngôn chính trị’.

Trong vụ Brandenburg kiện Ohio lên Tòa án Tối cao, các thẩm phán cho rằng chính phủ có quyền bóp nghẹt các ngôn từ được nhằm châm ngòi cho hành động phi pháp. Tuy nhiên, các luật sư của Trump nói rằng bài diễn văn của ông tại công viên Ellipse không đến mức đó.

Tuy nhiên, phía công tố bên Đảng Dân chủ cho rằng Tu chính án thứ nhất không thể được dùng để biện hộ ở đây vì ông Trump không bị luận tội vì thể hiện ‘quan điểm chính trị’ mà là do ông ‘chủ ý kích động nổi dậy chống chính phủ.’

“Quyền tự do ngôn luận chẳng có ý nghĩa nhiều nếu Tổng thống có thể kích động hành động vô pháp sau khi ông ấy thua trong cuộc bầu cử,” lập luận trong hồ sơ tranh tụng của Đảng Dân chủ được AP dẫn lại cho biết.

Tính hợp hiến của phiên tòa

Các học giả pháp lý bất đồng về tính hợp hiến của phiên tòa xét xử một tổng thống đã mãn nhiệm. Các luật sư bào chữa cho ông Trump cũng cho rằng bản thân phiên tòa là vi hiến vì ông không còn tại vị. Họ nói rằng Hiến pháp không mở rộng quyền luận tội đối với một ‘thường dân’.

Họ nhấn mạnh rằng việc kết án tại phiên tòa luận tội yêu cầu phải dẫn đến quyết định cách chức đương sự. Họ nói rằng do giờ đây ông Trump đã ra khỏi Nhà Trắng, không có cơ sở pháp lý nào cho một phiên tòa như vậy cả.

Đảng Dân chủ thì cho rằng thực sự đã có tiền lệ lịch sử để xét xử một người đã không còn nắm chức vụ - mặc dù không phải là tổng thống - vì những tội mà người đó đã gây ra khi còn đương chức. Họ lập luận rằng không có ‘ngoại lệ tháng Giêng’ cho những ngày cuối cùng tại vị của một tổng thống.

Nhiều học giả cũng tin rằng do Hiến pháp quy định rõ rằng việc luận tội có thể dẫn đến kết quả là ngăn đương sự không giữ chức vụ trong tương lai, nên việc luận tội ông Trump vẫn còn nguyên hiệu lực mà Thượng viện phải giải quyết để tránh việc người có tội giữ chức vụ trong tương lai.

‘Beyond reasonable doubt’

Trao đổi với VOA từ vùng Little Saigon, bang California, ông Nguyễn Quốc Lân, một luật sư từng hỗ trợ cho các ứng cử viên gốc Việt ra tranh cử, lập luận rằng ‘ông Trump có quyền nói những gì ông ấy nói’ còn ‘người khác hành động như thế nào là chuyện của họ’.

“Ông Trump đâu có nói rằng quý vị hãy đi phá hàng rào cảnh sát, hãy đi vô đập phá đi mà chỉ nói là chúng ta phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ đất nước chúng ta,” ông lập luận.

“Tất cả các vị dân cử Quốc hội khi ra tranh cử đều nói như vậy hết,” ông khẳng định.

Cho nên, ông Lân cho rằng nếu dựa vào lời nói để kết tội thì ‘đa số các vị dân cử trong Quốc hội đều có thể bị kết án hết’. “Sau đó ai đó làm cái gì, có xách súng bắn người khác không là chuyện của họ,” ông nói thêm.

Theo giải thích của ông thì theo tiêu chuẩn luật pháp Mỹ, một người chỉ bị xem là có tội nếu như không còn bất cứ nghi ngờ hợp lý nào nữa (beyond reasonable doubt). Trong trường hợp của ông Trump, lời nói của ông Trump ‘có mang tính cổ vũ nhưng có cổ vũ bạo loạn ở mức không còn nghi ngờ hợp lý nào nữa không?’, ông phân tích.

Vị luật sư này cũng không cho rằng có thể dựa vào lời khai của những người bạo loạn bị bắt rằng họ làm như vậy ‘là nghe theo lời của ông Trump’ để làm căn cứ kết tội ông: “Cũng có hàng trăm, hàng ngàn người cũng nghe câu nói đó mà họ có làm gì đâu? Họ chỉ đứng ở ngoài biểu tình thôi.”

Ông cho rằng còn phải xem xét động cơ của những lời khai như vậy: “Những người này khai như vậy có phải muốn được giảm sự truy tố hay không?”

Trên phương diện Hiến pháp, luật sư Lân cho rằng Hiến pháp chỉ ghi là ‘Thượng viện có trách nhiệm xét xử một tổng thống’ chứ không hề ghi là ‘cựu tổng thống’.

Tuy nhiên, ông cho rằng đọc Hiến pháp ‘không chỉ đọc trên câu chữ’ mà còn phải tìm xem ‘có ngôn ngữ nào khác ám chỉ hành động đã phạm tội trong quá khứ cũng có thể bị xét xử hay không’.

Cho nên, trên vấn đề này, ông nói ‘Hiến pháp không nói rõ’ nên không thể khẳng định phiên tòa xét xử ông Trump là hợp hiến hay vi hiến. Ông cũng chỉ ra là ‘đã có tiền lệ về việc xét xử người đã rời nhiệm sở’.

Hiến pháp cũng quy định là một khi Hạ viện đã luận tội một tổng thống rồi và chuyển sang Thượng viện thì ‘Thượng viện có trách nhiệm phải xét xử chứ không có quyền nói rằng tôi không muốn xét xử người này’, cũng theo lời ông Lân.

Hạ viện luận tội ông Trump với tội danh ‘kích động phản loạn’ hôm 13/1 khi ông vẫn đang là tổng thống. Tuy nhiên, khi chuyển điều khoản luận tội này sang Thượng viên thì ông đã hết nhiệm kỳ.

Luật sư Nguyễn Quốc Lân cũng lưu ý rằng Hiến pháp không có ghi là ‘Thượng viện phải xét xử khi tổng thống đã hết nhiệm kỳ’.

Do đó, trên vấn đề này, do Hiến pháp không rõ ràng nên ông Lân cho là ‘tùy thuộc vào cách diễn giải của mỗi bên theo hướng chính trị’. “Phe nào đông hơn, mạnh hơn thì phe đó thắng,” ông nói.

“Cả hai bên đều có lý của họ. Lập luận của họ ngang ngửa nhau,” ông đánh giá.

“Về phương diện pháp lý đối với công chúng thì lập luận bên truy tố rất là có lý, rất thuyết phục,” ông nhìn nhận nhưng cho rằng ‘chưa đến mức vượt quá nghi ngờ hợp lý theo tiêu chuẩn pháp lý tại tòa’.

Ông cho rằng cho dù ông Trump có được phe Cộng hòa giúp cho trắng án tại phiên xử luận tội này, vẫn có khả năng Bộ Tư pháp ‘lôi ông Trump ra truy tố ở các tòa hình sự về tội sách động bạo lực hay bất cứ việc làm phạm tội gì của ông Trump khi còn tại v

VOA Express

XS
SM
MD
LG