Đường dẫn truy cập

Lập luận pháp lý của các bên về việc xét xử luận tội ông Trump


Phiên xét xử luận tội ông Trump sẽ diễn ra trong tuần tới.
Phiên xét xử luận tội ông Trump sẽ diễn ra trong tuần tới.

Các bên liên quan đang đưa ra những lập luận đối chọi nhau để chuẩn bị cho phiên xét xử luận tội ông Donald Trump, người từng là tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Các công tố viên thuộc Hạ viện và đội ngũ bào chữa cho vị cựu tổng thống đều có những lý lẽ của từng bên về vai trò của ông Trump đối với cuộc bạo động hôm 6/1/2021 tại Điện Capitol của Hoa Kỳ, và thậm chí là về tính hợp pháp của việc tổ chức phiên xét xử. Sau đây là những lập luận chính của cả hai bên:

‘DUY NHẤT MỘT NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM’

Ai chịu trách nhiệm về cuộc bạo động? Đảng Dân chủ nói rằng chỉ có một câu trả lời, đó là ông Trump.

Đảng Dân chủ cho rằng ông Trump "là người duy nhất chịu trách nhiệm" về cuộc tấn công hôm 6/1 do việc ông "tạo ra một thùng thuốc nổ, quẹt diêm, và sau đó tìm cách trục lợi cá nhân từ sự tàn phá xảy ra sau đó". Họ nói rằng "không thể" tưởng tượng được lại có bạo loạn như thế nếu như không có sự khuyến khích của ông Trump, và họ thậm chí còn củng cố lập luận của mình bằng cách dẫn lại lời của người đồng viện bên đảng Cộng hòa, Dân biểu Liz Cheney thuộc bang Wyoming, về cơ bản cũng phát biểu như vậy.

Ngược lại, các luật sư của ông Trump cho rằng ông không thể bị chịu trách nhiệm vì ông chưa bao giờ xúi giục bất kỳ ai “tham gia hành vi phá hoại”. Họ thừa nhận đã có việc xâm phạm bất hợp pháp vào Điện Capitol dẫn đến có người tử vong và bị thương. Nhưng họ nói rằng những ai phải "chịu trách nhiệm" - những người đã vào tòa nhà và phá hoại nó – chính là những người đang bị điều tra và truy tố.

TU CHÍNH ÁN THỨ NHẤT ĐỨNG VỀ BÊN NÀO?

Các luật sư của ông Trump không cãi lại chuyện ông có nói với những người ủng hộ rằng họ hãy "chiến đấu thật máu lửa" trước khi xảy ra vụ vây hãm Điện Capitol. Nhưng nhóm bào chữa đó nói rằng ông Trump, cũng như bất kỳ công dân Mỹ nào, được Tu chính án thứ nhất bảo vệ nên có quyền “bày tỏ niềm tin rằng kết quả bầu cử là đáng ngờ”. Họ nói rằng ông ấy có một ý kiến mà ông ấy được quyền bày tỏ, và nếu Tu chính án thứ nhất chỉ bảo vệ ngôn luận từ công chúng phổ thông, thì điều đó xem như “chẳng có sự bảo vệ nào cả”.

Khối Dân chủ tại Hạ viện không nhìn nhận như vậy. Họ nói Tu chính án thứ nhất có mục đích bảo vệ các công dân bình thường trước chính quyền, không cho phép các quan chức chính quyền lạm dụng quyền lực của họ. Và tuy rằng một công dân bình thường có thể có quyền cổ động cho chủ nghĩa toàn trị hoặc đòi lật đổ chính quyền, song không ai lại nghiêm túc cho rằng một tổng thống mà đã ủng hộ những quan điểm như vậy thì nên được miễn bị luận tội.

Phó Tổng thống Mike Pence và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chứng nhận kết quả đại cử tri hôm 6/1/2021
Phó Tổng thống Mike Pence và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chứng nhận kết quả đại cử tri hôm 6/1/2021

HÀNG NGŨ KẾ NHIỆM

Những người chủ trì luận tội tuyên bố rằng những người trung thành với ông Trump và được ông hô hào đã trực tiếp gây ra nguy hiểm đối với các nhà lập pháp, các nghị sĩ đó đã chạy trốn khỏi Hạ viện và Thượng viện khi những kẻ bạo loạn tràn vào.

Trong số những người bị ảnh hưởng có các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của chính quyền.

Những người trong hàng ngũ kế vị chức tổng thống, tiếp sau ông Trump, gồm Phó Tổng thống khi đó là Mike Pence, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Chuck Grassley. Họ đều có mặt ở Điện Capitol và buộc phải chạy trốn để giữ an toàn. Lập luận của phía đảng Dân chủ viết rằng hành vi của ông Trump không chỉ “gây nguy hiểm đến tính mạng của từng thành viên Quốc hội” mà còn “gây nguy hiểm cho quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình cũng như cho đội ngũ kế vị”.

PHỦ NHẬN, PHỦ NHẬN, PHỦ NHẬN

Đó là thông điệp từ nhóm bào chữa cho ông, nhóm đã sử dụng từ "phủ nhận" tới 29 lần trong bản lập luận tóm tắt dài 14 trang.

Nhóm của ông Trump phủ nhận chuyện có thể tổ chức phiên xét xử luận tội, với lý do là ông không còn tại vị. Họ phủ nhận chuyện ông đã xúi giục những người ủng hộ ông đi đến bạo lực. Và họ phủ nhận chuyện ông đã làm bất cứ điều gì sai trái vào ngày 6/1, hoặc trong những tuần trước khi có cuộc bạo loạn, đó là giai đoạn mà ông Trump dẫn dắt những người ủng hộ của mình đi vào cơn cuồng nộ với việc thuyết phục họ rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp khỏi tay ông, bất chấp những bằng chứng đều nói ngược lại.

Khi ông Trump nói với đám đông "Nếu các bạn không chiến đấu máu lửa, các bạn sẽ không còn có một đất nước nữa", ông chỉ đơn thuần nhấn mạnh là "cần phải đấu tranh cho an ninh bầu cử nói chung", các luật sư của ông Trump lập luận. Ông không cố gắng can thiệp vào việc kiểm phiếu đại cử tri, mặc dù ông đã yêu cầu ông Pence làm điều đó.

Họ viết: “Điều sau đây bị phủ nhận: Tổng thống Trump từng gây nguy hiểm cho an ninh của Hoa Kỳ và các thể chế về Chính quyền. Điều này bị phủ nhận: ông ấy đã đe dọa tính toàn vẹn của hệ thống dân chủ, can thiệp vào quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình, và gây khó khăn cho một Chính quyền có các nhánh ngang bằng nhau".

Cảnh sát của Điện Capitol đụng độ với người ủng hộ ông Trump, 6/1/2021
Cảnh sát của Điện Capitol đụng độ với người ủng hộ ông Trump, 6/1/2021

Ngược lại, họ lập luận rằng ông Trump “đã thực hiện vai trò tổng thống một cách xuất sắc, luôn làm những gì ông nghĩ là phục vụ lợi ích tốt nhất của người dân Mỹ”.

Đã không có gian lận bầu cử trên diện rộng, điều này được một loạt các quan chức bầu cử trên toàn quốc và cựu Bộ trưởng Tư pháp William Barr xác nhận. Gần như tất cả vụ kiện về bầu cử do ông Trump và các đồng minh của ông đệ đơn đều bị bác bỏ.

BÀI HỌC LỊCH SỬ

Cả hai bên găng với nhau về việc liệu có được phép hay không tiến hành phiên xét xử khi mà ông Trump đã rời nhiệm sở rồi.

Các luật sư của ông Trump nói rằng vụ này còn đang chưa rõ ràng vì ông không còn tại vị ở Nhà Trắng và do đó Thượng viện không có thẩm quyền xét xử ông trong một vụ luận tội. Nhiều đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện cũng đồng ý, và 45 người trong số họ đã bỏ phiếu căn cứ vào cơ sở đó để kết liễu phiên tòa trước khi nó bắt đầu.

Đúng là chưa có tổng thống nào phải đối mặt với các thủ tục luận tội sau khi rời nhiệm sở, nhưng những người thuộc Hạ viện đang chủ trì cuộc luận tội hiện nay nói rằng có rất nhiều tiền lệ. Họ trích dẫn trường hợp của cựu Bộ trưởng Chiến tranh William Belknap, người từ chức vào năm 1876 chỉ vài giờ trước khi ông bị luận tội về một vụ lại quả. Hạ viện đã luận tội ông, và Thượng viện sau đó xét xử ông, mặc dù cuối cùng ông đã được tuyên trắng án. Các thành viên đảng Dân chủ cũng lưu ý rằng ông Trump bị Hạ viện luận tội khi ông vẫn là tổng thống.

Các nhà soạn thảo Hiến pháp có chủ trương rằng có thể áp dụng thẩm quyền luận tội để xử lý các quan chức đương nhiệm hoặc cựu quan chức đối với các hành vi xảy ra khi họ còn đương chức - không có "ngoại lệ tháng Giêng", đảng Dân chủ viết trong lời lập luận của họ. Không chỉ có vậy, họ cho rằng Hiến pháp rõ ràng cho phép Thượng viện được bác bỏ tư cách nắm chức vụ trong tương lai đối với một cựu quan chức bị Thượng viện kết tội.

Khả năng đó, trong quan điểm của họ, cũng đồng nghĩa là hoàn toàn có cơ sở để chống lại ông Trump liên quan đến việc ông có thể tranh cử một lần nữa vào Nhà Trắng vào năm 2024.

VOA Express

XS
SM
MD
LG