Đường dẫn truy cập

Người quyền lực nhất thế giới bước vào tuổi 50


Tổng thống Obama (phải) cùng với Ðại tá Rizer quay lại để nghe giới truyền thông và phi hành đoàn hát bài chúc mừng sinh nhật 'Happy Birthday' khi ông đến Chicago
Tổng thống Obama (phải) cùng với Ðại tá Rizer quay lại để nghe giới truyền thông và phi hành đoàn hát bài chúc mừng sinh nhật 'Happy Birthday' khi ông đến Chicago

50 là trẻ hay già? Điều đó còn tùy từng cá nhân, nhưng trên chính trường Washington, 50 là số tuổi còn trẻ măng so với đa số những nhân vật có tiếng tăm trong chính phủ, quốc hội và trong ngành tư pháp. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này mời quí thính giả theo dõi những chi tiết liên quan đến tổng thống Barack Obama, được coi là một trong những người trẻ trung trong lịch sử Hoa Kỳ ngồi vào địa vị hàng đầu của quốc gia, và theo một nghĩa nào đó, hàng đầu của thế giới, nhân dịp sinh nhật thứ 50 của ông. Lan Phương gửi đến quí vị những chi tiết sau đây qua gợi ý từ báo chí Mỹ và cuộc nói chuyện với ông Ngô Nhân Dụng, chuyên gia về tài chính học đồng thời là cây bút bình luận của nhật báo Người Việt tại California.

Tổng thống Barack Obama ra đời ngày 4 tháng 8 năm 1961, vào ngày 4 tháng 8 năm nay ông vừa chẵn 50. Theo tờ Bloomberg số ra ngày 3 tháng Tám, khi ra tranh cử lần đầu, ông là ứng cử viên tổng thống trẻ trung nhất trong số những ứng cử viên lúc đó. Sang đến kỳ tranh cử vào năm 2012, có lẽ ông cũng sẽ là ứng cử viên tổng thống trẻ tuổi nhất khi xét tới sự kiện những ứng cử viên đảng Cộng Hòa đã tuyên bố ra tranh sự đề cử của đảng đều lớn tuổi hơn ông Obama.

Ông là 1 trong 3 vị tổng thống Mỹ bước vào tuổi 50 khi đang tại chức, sau tổng thống Theodore Roosevelt và tổng thống Bill Clinton.

Nét trẻ trung của ông chắc chắn được coi là một lợi điểm trong cuộc tranh cử năm 2008. Sự trẻ trung giúp ông dễ dàng cảm thông với giới cử tri trẻ tuổi. Ông cũng là người thuộc thế hệ mà công nghệ cao phát triển mạnh, được giới trẻ sử dụng thành thạo. Ông đã sử dụng những phương tiện đó để tiếp cận rộng rãi với cử tri, và ông đã vận động được sự ủng hộ của họ cả bằng lá phiếu lẫn bằng đóng góp tài chính, hơn nữa cử tri muốn thấy một sự thay đổi, một sức sống trẻ trung mà những đối thủ của ông không có.

Tuy nhiên trong cuộc tranh cử sơ bộ năm đó, ông bị đối thủ “nặng ký” là Thượng nghị sỹ Hillary Clinton xoáy vào nét trẻ trung của ông để đồng hóa ông với điều mà bà gọi là thiếu kinh nghiệm chính trường. Thực vậy, trước khi ra tranh cử tổng thống, ông là một nhà làm luật chỉ mới bước vào con đường chính trị có một thời gian ngắn và không được nhiều người biết đến. Nhưng như đã nói trên, sự trẻ trung của ông cùng với hiểu biết về công nghệ cao và của ban tham mưu đã giúp ông đánh bại bà Clinton để được đảng Dân chủ đề cử và rồi đã thắng đối thủ đảng Cộng Hòa để nắm giữ chiếc ghế tổng thống của một cường quốc hàng đầu.

Nhân dịp bước vào tuổi 50 năm nay, ông Obama cử hành sinh nhật bằng một buổi gây quĩ lớn được tổ chức tại Chicago (vào tối 3 tháng 8), để chuẩn bị cho cuộc tái tranh cử vào năm tới. Trong kỳ tranh cử sắp tới, chắc chắn khó có đối thủ nào của ông có thể chỉ trích ông thiếu kinh nghiệm được nữa.

Hơn 2 năm của nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama đã thu thập được những kinh nghiệm gì? Về mặt kinh tế, chuyên gia tài chính học đồng thời là cây bút bình luận của nhật báo Người Việt tại California nhận xét:

Ngô Nhân Dụng: Hai năm trong cuộc đời một người thường thì nó cũng không dài lắm, không đủ để cho người ta nói rằng “ồ tôi đã khôn hơn trước hay tôi đã kinh nghiệm hơn trước”. Nhưng bất cứ người nào làm đến chức tổng thống của nước Mỹ thì hai năm đủ khiến cho người đó bạc đầu rồi. Điều “may mắn” cho ông Obama là hai năm đầu tiên khi ông làm tổng thống là những năm rất là khó khăn cho nước Mỹ vì nước Mỹ bị rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ năm 1930. Riêng chuyện đối phó với cuộc khủng hoảng đó cũng đủ để cho người ngồi vào ghế tổng thống học được rất nhiều kinh nghiệm về cách vận hành của nền kinh tế quốc gia và làm sao để đối phó với những khó khăn. Chúng ta biết rằng cuộc khủng hoảng kinh tế lần này khác với những lần trước đây bởi vì nó không bắt đầu từ trong lãnh vực sản xuất và tiêu thụ mà nó lại bắt đầu từ lãnh vực tín dụng. Theo kinh nghiệm trong lịch sử kinh tế, cuộc khủng hoảng nào bắt đầu từ hệ thống ngân hàng, hệ thống tín dụng, thì bao giờ nó cũng trầm trọng hơn là những cuộc khủng hoảng bắt đầu trong lãnh vực sản xuất, bởi vì trong lãnh vực sản xuất, người tiêu thụ cũng như người sản xuất có thể chuyển đổi rất nhanh, còn trong lãnh vực ngân hàng, tín dụng, sự thay đổi rất chậm.

Ông Ngô Nhân dụng giải thích là khi hàng triệu người không có tiền trả nợ thì tất cả các ngân hàng phải thay đổi chính sách, thắt chặt lại không cho vay nợ một cách bừa bãi. Và khi các ngân hàng đã sợ hãi như vậy rồi thì làm sao để họ thay đổi thái độ và dễ dãi hơn, nới lỏng một chút cho khách hàng vay nợ thì thời gian để cho ngân hàng suy nghĩ, tính toán và canh chừng kéo dài rất lâu. Trong lúc các ngân hàng ngần ngại không dám cho vay nhiều thì những món nợ mà ngân hàng cho vay trước đây vẫn tiếp tục gây tai họa vì số người mua nhà không trả được nợ mỗi năm cứ tăng lên. Chuyên gia tài chính Ngô Nhân Dụng giải thích: trong một nền kinh tế mà đồng tiền không lưu chuyển thì toàn thể nền kinh tế phải chịu ảnh hưởng.

Trong trường hợp ông Obama, ông đã gặp một cuộc khủng hoảng khó khăn nhất kể từ 80 năm qua. Mặc dù kinh tế có hồi phục, như các hãng xe hơi của Mỹ đã lấy lại phong độ và nhiều ngân hàng lẽ ra đã vỡ nợ nhưng đã đứng vững và hoạt động trở lại, nhưng còn phải mất một thời gian dài để kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và giải quyết nạn thất nghiệp hiện còn cao.

Chuyển sang lãnh vực ngoại giao, nhà bình luận Ngô Nhân Dụng nêu lên những thành quả mà ông Obama đã đạt được từ khi ông ngồi vào tòa Bạch Ốc:

Ngô Nhân Dụng: Từ khi làm tổng thống, ông Obama đã chiếm được cảm tình của rất nhiều chính phủ và nhiều người trên thế giới. Ông đã đi đến những nước nghèo như Ai Cập chẳng hạn, người dân ở đó nhiệt liệt hoan nghênh ông. Ông sang Pháp, sang Anh cũng được hoan nghênh. Ngay nữ hoàng Elizabeth (đệ nhị) rất quyền quí và có thể coi là lạnh lùng, khi gặp vợ chồng ông Obama lại bày tỏ những thiện cảm làm mọi người ngạc nhiên.

Nhà bình luận Ngô Nhân Dụng cũng ghi nhận một thay đổi quan trọng trong chính sách của Tổng thống Obama mà người Việt rất chú ý:

Ngô Nhân Dụng: Về mặt ngoại giao, có lẽ một trong những điều mà người Việt Nam chúng ta chú ý nhất là chính phủ Obama bắt đầu quay trở lại vùng Á đông. Có thể nói trước đó chính phủ Mỹ không quan tâm đến vùng này, vì họ chú ý quá nhiều đến phong trào khủng bố, chính phủ Obama đã chuyển hướng. Riêng tại vùng Á đông, chính quyền Obama, từ ông bộ trưởng Quốc phòng đến bà bộ trưởng Ngoại giao, người nào cũng đề cao quyền lợi của nước Mỹ cần được bảo vệ trong vùng này. Chúng ta còn nhớ sự có mặt của bà Clinton và ông Gates ở hội nghị Singapore, những chuyến viếng thăm của họ qua Việt Nam hay qua Trung Quốc đã làm cho tất cả mọi người trong vùng đông nam Á thấy là nước Mỹ vẫn quan tâm bảo vệ an ninh của vùng này để cho việc thông thương dễ dàng, và đó chính là quyền lợi cơ bản của nước Mỹ chứ không phải là một chuyện xa xôi không dính líu gì đến nước Mỹ. Và đây có thể coi là một kinh nghiệm về ngoại giao để ông có thể nói với dân chúng Mỹ là: một ông tổng thống phải nhìn toàn diện cục bộ thế giới, chứ không nên để bị ám ảnh riêng về một cục bộ nào. Đấy là một thành công của ông.

Kể từ khi còn vận động tranh cử tổng thống, ông Obama đã hứa sẽ rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Ông đã thực hiện việc rút lực lượng chiến đấu khỏi Iraq và sẽ từ từ rút quân khỏi Afghanistan trong năm nay. Trong địa vị tổng tư lệnh quân đội, ông Obama đã nhìn thấy sự khác biệt giữa một trận đánh và một cuộc chiến. Nhà bình luận Ngô Nhân Dụng giải thích thêm:

Ngô Nhân Dụng: Có thể nói nước Mỹ là một nước có trách nhiệm toàn cầu, thì những cuộc chiến tranh như ở Iraq hay Afghanistan cũng có thể coi như những trận đánh ở địa phương trong toàn thể những cuộc chiến mà nước Mỹ phải đối phó ở khắp thế giới. Tôi nhớ là hồi ông Obama đang tranh cử năm 2008, ông đã gặp tướng Petraeus là người chỉ huy quân đội Mỹ ở chiến trường Iraq, ông Petraeus có than phiền với ứng cử viên Obama là tại sao ông cứ nói đến chuyện rút quân như vậy làm cho tôi gặp khó khăn trong việc điều khiển chiến tranh ở đây, ông Obama trả lời rằng “tôi thông cảm với những khó khăn của ông và những mối lo lắng của ông, nhưng nếu tôi làm tổng thống thì một vị tổng thống không chỉ chú ý đến một cuộc chiến tranh ở Iraq mà thôi, mà phải nhìn thấy tất cả những ưu tiên của nước Mỹ trong vấn đề quốc phòng, và có thể trong tất cả những vấn đề mà nước Mỹ phải đối phó thì chiến trường Iraq không phải là chiến trường duy nhất và không phải là chiến trường quan trọng nhất, và với thứ tự ưu tiên thì tôi thấy việc rút quân khỏi Iraq là ý kiến mà tôi cho là tốt.” Ngay từ lúc ông (Obama) còn đang ứng cử, ông đã đặt mình vào địa vị của một ông tổng thống, để mà nhìn thấy việc giữ địa vị của nước Mỹ trên thế giới, để thấy nơi nào là quan trọng cần phải chú ý, và nơi nào quan trọng hơn nơi khác. Ông đã học được kinh nghiệm trong hai năm qua, với những quyết định như là rút quân khỏi Iraq và sau này sẽ rút quân khỏi Afghanistan, trong khi vẫn giữ được vai trò của nước Mỹ ở những nơi khác.

Nhà bình luận Ngô Nhân Dụng còn nhắc tới sự kiện lực lượng đặc biệt Mỹ dưới quyền ông Obama, Tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ, đã diệt trừ được thủ lãnh al-Qaida trong một chiến dịch hết sức ly kỳ như một điểm son trong lãnh vực quân sự.

Trong quá khứ, chúng ta đã thấy các tổng thống như Bill Clinton, George W. Bush đã già đi rất nhanh trong khoảng thời gian từ lúc bắt đầu cầm quyền cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ. Với trách nhiệm đối nội, đối ngoại đè nặng lên vai trong tình thế hết sức khó khăn từ kinh tế, chính trị, quân sự cho đến ngoại giao kể từ khi lên nhậm chức đến nay, người ta thấy trong hơn hai năm qua vị tổng thống trẻ trung Barack Obama cũng không tránh khỏi thông lệ đó. Mặc dù đến nay ông vẫn giữ được thân hình thon gọn và sức khỏe tốt, mái tóc ông đã điểm bạc và gương mặt đã hằn sâu thêm nhiều nếp nhăn khi ông bước sang tuổi 50.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG