Đường dẫn truy cập

Tượng đài kỷ niệm lãnh tụ dân quyền tại Quảng trường Quốc gia


Tượng đài kỷ niệm lãnh tụ nhân quyền Martin Luther King
Tượng đài kỷ niệm lãnh tụ nhân quyền Martin Luther King

Thủ đô Washington là nơi có rất nhiều đài kỷ niệm. Vào hạ tuần tháng trước, một tượng đài mới vừa được khai trương cho dân chúng và du khách chiêm ngưỡng. Tượng đài lãnh tụ dân quyền Martin Luther King Jr., một công trình có những nét rất độc đáo nhưng trong qui trình hoàn tất đã có một thay đổi thiết kế khiến cho một câu nói của lãnh tụ này bị thu ngắn lại và bị cho là đã làm giảm bớt tầm cỡ vĩ đại của ông. Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay mời quí thính giả theo dõi những chi tiết về tượng đài và nhận định của một học giả gốc Việt, ông Nguyễn Ngọc Bích, về lời phản đối của nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ, nhà tranh đấu cho dân quyền, bà Maya Angelou, đối với việc rút gọn lại câu nói của mục sư Martin Luther King khắc trên tượng đài.

Bức tượng cao hơn 9 mét của mục sư Martin Luther King, lãnh tụ phong trào tranh đấu cho dân quyền tại Hoa Kỳ, tọa lạc trên một khoảng đất rộng trên 16 ngàn mét vuông, giữa đài kỷ niệm Tổng thống Thomas Jefferson và Tổng thống Abraham Lincoln.

Đây là một tượng đài kỷ niệm đầu tiên tại Quảng Trường quốc gia không hề dành cho một cuộc chiến, một vị tổng thống hay một người da trắng.

Theo tin của thông tấn xã Reuters cho hay thì sau 15 năm kể từ khi một nghị quyết chung của lưỡng viện quốc hội đưa ra năm 1996, tượng đài đã hình thành và đã ra mắt công chúng.

Chủ đề của tượng đài được rút từ diễn văn bất hủ của ông mang tên "Tôi ấp ủ một giấc mơ."

Khách đến thăm sẽ thấy tượng tiến sỹ Martin Luther quay mặt về phía hồ Tidal Basin (Chung quanh là những gốc đào nở rộ khi mùa xuân đến và du khách từ mọi nơi đổ về chiêm ngưỡng.)

Đằng sau tượng đài là một khối đá hoa cương trắng khổng lồ tách làm hai, giữa là đường cho khách đi qua. Chủ đề ở đây là: “Out of the mountain of despair, a stone of hope” Xin tạm dịch ”Bên kia một núi tuyệt vọng là một tảng đá hy vọng.”

Tuy nhiên đã có một số thay đổi trong chương trình lễ khánh thành cũng như những chi tiết liên quan đến hàng chữ ghi trên tượng đài đã làm cho một số người bất mãn.

Tượng đài dự tính được chính thức khánh thành vào ngày 28 tháng 8 năm nay và Tổng thống Barack Obama, vị tổng thống gốc châu Phi đầu tiên, được mời đọc diễn văn, đúng ngày kỷ niệm 48 năm bài diễn văn bất hủ “Tôi ấp ủ một giấc mơ” được tiến sỹ King đọc tại cuộc tập hợp rầm rộ của phong trào dân quyền ngay trên bực thềm đài kỷ niệm Tổng thống Abraham Lincoln. Nhưng đến giờ chót trận bão Irene đã thổi qua vùng thủ đô nên chương trình đã bị dời lại.

Mới đây tờ the Washington Post có nêu lên lời than phiền của một nhà văn, một nhà thơ kiêm nghệ sỹ nổi tiếng đồng thời là người tranh đấu cho dân quyền người Mỹ gốc Phi châu, bà Maya Angelou, 83 tuổi, về hàng chữ khắc trên tượng đài.

Hàng chữ này đã không ghi nguyên văn lời của lãnh tụ Martin Luther King mà lại rút gọn lại, để cho vừa với kích thước, vì đã có thay đổi trong thiết kế vào phút chót.

Bà Maya Angelou than phiền rằng việc rút gọn lại nguyên văn lời tuyên bố của tiến sỹ Martin Luther King đã làm giảm đi tầm cỡ vĩ đại của con người ông. Ông là một người với chiều sâu, thâm thúy, đầy khiêm tốn. Câu phát biểu của ông về Drum Major - cái trống đầu - nguyên văn hay biết bao nhiêu thì hàng chữ rút gọn khắc trên tượng đài đã hạ giảm giá trị của con người vĩ đại đó bấy nhiêu, và ngay cả biến ông trở thành một kẻ cao ngạo. Chúng tôi đã tham khảo với học giả Nguyễn Ngọc Bích. Ông phát biểu:

"Bà Maya Angelou bảo rằng câu của ông Martin Luther King có chữ “nếu “ ở trong đó, và tôi xin dịch nguyên văn như thế này: “Vậy nếu bảo tôi là cái trống đầu dẫn cuộc diễn hành, hãy bảo tôi là cái trống đầu kêu gọi công lý, hãy bảo tôi là cái trống đầu kêu gọi hòa bình, tôi là cái trống đầu kêu gọi chính nghĩa. Còn tất cả những chuyện khác đều là chuyện nông cạn không đáng kể. " Thế nhưng câu nói đó đã bị rút ngắn thành: "Tôi là cái trống đầu kêu gọi công lý, hòa bình và chính nghĩa." Nó gọn thật đấy, nhưng bà Angelou có lý của bà khi bà nói” như vậy là cho rằng ông Luther King vỗ ngực, trong khi ông là con người rất khiêm tốn.” Ông dùng chữ” nếu mà” vì người ta cứ gọi ông là cái này cái kia, nên ông mới nói rằng ”nếu mà quí vị phải gọi tôi là cái gì đó, thì tôi chỉ là 3 cái chuyện đó thôi, chứ tôi không vỗ ngực xưng mình là cái này, cái kia.”

Khi được hỏi là một người đã nghiên cứu lâu năm cả về Anh ngữ lẫn Việt ngữ, ông nghĩ thế nào về lời phản đối của bà Angelou, ông Nguyễn Ngọc Bích trả lời:

"Tôi thấy bà Angelou nói cũng có lý, nhưng để nguyên văn câu nói đó thì hơi dài. Nhưng tác giả của tượng đài, nhà điêu khắc Trung Quốc, cho biết lúc đầu ông định dùng một mặt khác của tượng đài, có nhiều chỗ hơn, để khắc nguyên cả câu nói của ông Luther King. Nhưng sau ông kiến trúc sư trông coi dự án tự nhiên lại đổi ý, đưa nó sang một mặt khác không có nhiều chỗ để khắc, và đem thâu tóm lại cho ngắn gọn, và quả nó có ngắn gọn và tiện nữa, nhưng đúng là nó có tính cách như thể ông Luther King hết khiêm tốn mà vỗ ngực bảo “tôi là cái này, tôi là cái kia.”

Như vậy lời của mục sự King bị rút ngắn khắc trên tượng đài có làm giảm bớt giá trị của công trình này hay không, ông Nguyễn Ngọc Bích trả lời:

"Nó sẽ giảm bớt một chút vì khách đến xem sẽ tưởng đấy là câu ông nói, trong khi thực sự đây không phải là lời ông nói, mà lại do người ta sửa lại lời của tác giả.

Ngoài vấn đề nguyên văn câu nói bất hủ của ông Luther King bị rút gọn, trước đây khi khởi công dự án này, việc chọn lựa điêu khắc gia Lei Yixin của Trung Quốc để tạc tượng đài Martin Luther King đã bị tranh cãi ráo riết. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã xong và khách mọi nơi đến thăm thủ đô sẽ có thể chiêm ngưỡng thêm một đài kỷ niệm nữa ghi dấu tích lịch sử Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG