Đường dẫn truy cập

Hoạt động tinh luyện uranium của Bắc Triều Tiên gây nhiều lo ngại


Truyền hình chiếu hình ảnh những thanh nhiên liệu hạt nhân chưa dùng tại Cơ sở hạt nhân ở Yongbyon, Bắc Triều Tiên
Truyền hình chiếu hình ảnh những thanh nhiên liệu hạt nhân chưa dùng tại Cơ sở hạt nhân ở Yongbyon, Bắc Triều Tiên

Các nhà ngoại giao Mỹ, các giới chức tình báo và nhiều giới chức khác đã vội vã đến Á châu để tham khảo ý kiến sau khi Bắc Triều Tiên cho biết họ đã bí mật xây dựng một cơ sở tinh luyện uranium. Từ Seoul, thông tín viên đài VOA Steve Herman tường thuật rằng Nam Triều Tiên muốn Hoa Kỳ đưa vũ khí hạt nhân tới nước họ để ứng phó.

Sau cuộc họp tại bộ ngoại giao Nam Triều Tiên hôm nay, đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên, ông Stephen Bosworth, tuyên bố: “Ðây không phải là một vụ khủng hoảng”. Nhưng ông nói thêm rằng chương trình mới của Bình Nhưỡng để tinh chế uranium là một hành động khiêu khích.

Rõ ràng hành động này vi phạm Nghị quyết 1874 của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốv (LHQ). Vi phạm cam kết của Bắc Triều Tiên trong bản thông cáo chung hồi tháng 9 năm 2005. Và điều này cũng vi phạm những cam kết khác mà Bình Nhưỡng đã hứa với chúng tôi và các nước đối tác khác trong tiến trình đàm phán 6 bên.

Các khoa học gia Mỹ đến thăm Bắc Triều Tiên trong tháng này cho biết họ được cho xem trên 1.000 máy ly tâm để chế biến uranium.

Trong số các phản ứng tại Nam Triều Tiên, bộ trưởng quốc phòng nước này là ông Kim Tae-young nói rằng Nam Triều Tiên sẽ cứu xét việc tái bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật của Hoa Kỳ tại nước ông.

Ông Kim đưa ra nhận định vừa kể khi lên tiếng tại một cuộc họp của quốc hội. Ông cho biết vấn đề này sẽ được nêu ra trong cuộc họp vào tháng tới của ủy ban quân sự Hoa Kỳ-Nam Triều Tiên nhằm ngăn chận các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Hoa Kỳ đã rút các vũ khí hạt nhân ra khỏi Nam Triều Tiên vào năm 1991 và một phát ngôn viên Bộ quốc phòng Nam Triều Tiên nói rằng cho tới nay Seoul chưa cứu xét đến chuyện bố trí trở lại.

Phái đoàn Hoa Kỳ đã tới Tokyo để thảo luận với các giới chức Nhật Bản và sau đó sẽ mở các cuộc họp tại Bắc Kinh.

Chính phủ Nhật Bản nói rằng hoạt động tinh luyện uranium của Bắc Triều Tiên là điều tuyệt đối không thể chấp nhận.

Trung Quốc lâu nay vẫn tìm cách phục hồi cuộc đàm phán 6 bên, vốn đã bắt đầu từ năm 2003 để kết thúc chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng đồng ý đóng cửa các cơ sở hạt nhân của họ để đổi lấy nhiên liệu và các cam kết của Washington và Tokyo về việc thương thuyết để thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhưng Bắc Triều Tiên đã rút khỏi các cuộc đàm phán 2 năm sau đó, khi Hoa Kỳ lên án việc họ phóng một vệ tinh.

Ba chuyên gia thuộc trường đại học Stanford ở tiểu bang California đã đến thăm địa đểm hạt nhân Yongbyong của Bắc Triều Tiên hôm 12 tháng 11.

Ông Robert Carlin, một cựu phân tích gia tình báo Hoa Kỳ, cho biết ông và các đồng sự đã được thăm cơ sở hạt nhân này và được cho biết là cơ sở đã sản xuất uranium được tinh luyện ở mức thấp.

Ông Carlin nói: Nếu đúng như thế thì Bắc Triều Tiên có nhiều khả năng về công nghệ hạt nhân hơn nhiều, công nghiệp hạt nhân của họ đang vận hành ở mức cao hơn mọi người vẫn tưởng.

Ông Carlin cho biết ông không tin là Bắc Triều Tiên có thể có công nghệ hạt nhân này mà không có sự giúp đỡ của nước ngoài.

Có thể như vậy, và cũng có phần chắc là Bắc Triều Tiên nhận được sự trợ giúp từ bên ngoài và rất có thể đó là Iran hoặc Pakistan.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói rằng công nghệ hạt nhân này sẽ giúp Bình Nhưỡng gia tăng số vũ khí hạt nhân của họ lên tới mức cao hơn con số ít oi mà mọi người nghĩ là họ đang có.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG