Đường dẫn truy cập

Netanyahu cảnh báo Merkel: Iran sẽ gây ra 1 cuộc khủng hoảng di cư mới


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra những tài liệu về việc phát triển vũ khí hạt nhân của Iran tại một cuộc họp báo ở Tel Aviv hôm 30/4. Người đứng đầu Israel đang tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu để thay đổi thỏa thuật hạt nhân quốc tế Iran.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra những tài liệu về việc phát triển vũ khí hạt nhân của Iran tại một cuộc họp báo ở Tel Aviv hôm 30/4. Người đứng đầu Israel đang tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu để thay đổi thỏa thuật hạt nhân quốc tế Iran.

Thủ tướng Israel Bemjamin Netanyahu gặp các nguyên thủ của Pháp và Đức trong nỗ lực thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu thay đổi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran.

Ông Netanyahu bắt đầu chuyến thăm châu Âu 3 ngày hôm 4/6 ở Đức. Ông báo Thủ tướng Angela Merkel rằng sự can dự của Iran ở Trung Đông có thể gây ra những làn sóng di dân lớn tới châu Âu.

Nói với các phóng viên tại một buổi họp báo chung với Thủ tướng Merkel, nhà lãnh đạo Israel nói Tehran muốn tiến hành một chiến dịch tôn giáo ở Syria nơi người Hồi giáo Sunni chiếm đa số, bằng cách sử dụng các phần tử nổi dậy Shia thân Iran để cải đạo người Hồi giáo Sunni.

Ông Netanyahu nói: “Điều này sẽ làm bùng lên một cuộc chiến tranh tôn giáo khác – lần này là một cuộc chiến tranh tôn giáo trong lòng Syria và hậu quả là sẽ có nhiều, nhiều người di cư. Và các quý vị biết chính xác họ từ đâu.”

Hơn một triệu người di cư đã tràn vào Đức và các quốc gia châu Âu khác, gây ra những chia rẽ sâu sắc về chính trị và thúc đẩy sự trỗi dậy của các đảng cực hữu.

Bà Merkel đồng ý rằng các hoạt động của Iran ở Trung Đông là đáng lo ngại, nhưng bà nói rằng thỏa thuận hạt nhân là một cách ngăn cản tham vọng hạt nhân và khu vực của Tehran. Theo bà, châu Âu và Israel "thống nhất với mục tiêu rằng Iran không bao giờ có được một vũ khí hạt nhân." Bà nói thêm: "Chúng tôi ủng hộ quyền bảo vệ an ninh của Israel, và Israel luôn nói điều này với Iran."

Ông Netanyahu dự kiến gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 5/6 và Thủ tướng Anh Theresa May hôm 6/6.

Anh, Pháp và Đức đã ký thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2015 cùng với Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tổng thống Donald Trump tháng trước tuyên bố rút Hoa Kỳ khỏi cái mà ông gọi là "một thỏa thuận khủng khiếp, đơn phương", trong khi lại nói rằng ông muốn áp thêm các chế tài đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và cái mà ông gọi là "các hoạt động làm bất ổn ở Trung Đông" . "

Các bên khác trong hiệp ước này bày tỏ mong muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân như hiện tại, và cho rằng nó đang có hiệu quả. Anh, Pháp và Đức đã đề nghị giải quyết các mối quan ngại khác về Iran thông qua một thỏa thuận bổ sung.

Giống như Tổng thống Trump, Thủ tướng Netanyahu cũng là một người kịch liệt đả kích thỏa thuận này, và cho rằng nó đã cho phép Iran có tiềm năng phát triển nhanh chóng vũ khí hạt nhân khi các điều khoản hết hạn.

Iran đã được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của mình. Nước này luôn nói rằng hoạt động hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 3/6 cho biết quyết định rút khỏi hiệp ước Iran của Mỹ là bất hợp pháp và ông kêu gọi các bên ký kết khác không làm theo.

Truyền thông nhà nước Iran cho biết Ngoại trưởng Zarif đã gửi một bức thư tới các bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia còn lại. Ông yêu cầu họ "bù đắp" cho những tổn thất gây ra cho Iran do việc Mỹ rút lui nếu họ muốn cứu vớt thỏa thuận này.

Ông Zarif gọi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là kết quả của "các cuộc đàm phán đa phương chính xác, nhạy cảm và cân bằng."

Ông Zarif viết trong bức thư: "Việc rút lui bất hợp pháp của chính phủ Hoa Kỳ ... đặc biệt là các phương pháp hăm dọa được chính phủ này sử dụng để khiến các chính phủ khác làm theo, đã làm luật pháp mất uy tín và thách thức các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và sự hiệu quả của các cơ quan quốc tế thành viên".

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG