Đường dẫn truy cập

Mỹ, Trung Quốc đánh tín hiệu về cuộc chiến thương mại


Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế quan tới 150 tỉ đối với hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đã cam kết sẽ đáp trả bằng việc tăng thuế đối với hàng hóa c ủa Mỹ.
Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế quan tới 150 tỉ đối với hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đã cam kết sẽ đáp trả bằng việc tăng thuế đối với hàng hóa c ủa Mỹ.

Ngay cả trước khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc ngồi xuống với nhau vào tuần này trong vòng 2 của các cuộc đàm phán cấp cao ở Washington, cả hai bên đã ra tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng đạt thỏa thuận, hoặc ít nhất mỗi bên cố gắng đi thêm nửa đoạn đường để thỏa hiệp với nhau.

Liệu sự sẵn sàng đó có đủ để giúp hai bên đạt tới cái đích cần đến hay không? Các nhà phân tích nói chỉ có thời gian mới trả lời được.

Cuối tuần trước, tại một diễn đàn do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington DC tổ chức, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải đã ra tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẵng sàng giải quyết một loạt vấn đề, từ thâm hụt thương mại tới bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Đại sứ Thôi Thiên Khải nói trong khi khái niệm quá đơn giản hóa cho rằng thặng dư thương mại là được và thâm hụt là mất, việc phối hợp giữa hai nước trên tầm vĩ mô rõ ràng là điều cần thiết.

Đại sứ Trung Quốc nói: “Một mức thâm hụt quá lớn cho quý vị và một mức thặng dư quá lớn cho chúng tôi, tôi nghĩ sự thể này không nên tiếp tục.” “Đối với chúng tôi tình trạng mất cân cân bằng trong cán cân thương mại như vậy thực sự là một vấn đề chứ không phải là một lợi ích.”

Khi Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu đoàn thương thuyết của hai nước hồi đầu tháng này ở Bắc Kinh, mức thâm hụt thương mại là đề tài bao trùm cuộc đàm phán. Một danh sách những đòi hỏi của Washington bị tiết lộ gồm đề nghị Trung Quốc phải giúp cắt mức thâm hụt thương mại giữa hai nước tới 100 tỷ USD một năm trong 2 năm tới.

Nhiều người đã chế giễu con số đó cũng như khả năng Bắc Kinh có thể hợp tác để giảm khoảng cách biệt quá lớn như vậy, tuy nhiên những phát biểu của Đại sứ Thôi Thiên Khải có thể là một dấu hiệu đáng chú ý.

Gene Ma, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc của Viện Tài chính Quốc tế, nói cho dù các cuộc thương thuyết sẽ rất khó khăn, hỗn độn, và đôi khi rất gay gắt, nhưng cũng đỡ hơn là không thương thuyết.

Ông Ma nói trong khi hãy còn hy vọng, bất cứ thỏa hiệp nào cũng đòi hỏi phải có sự tương nhượng.

“Một số biện pháp cứng rắn được đề xuất có thể được giảm nhẹ, biện pháp đánh thuế quan có thể hoãn lại, một số ngành có thể được miễn trừ, và Trung Quốc có thể mua thêm hàng hóa của Mỹ.” Nhà nghiên cứu của Viện Tài chính Quốc tế nói thêm: "Có những điều mà cả hai bên có thể làm, nhưng tất nhiên là có một số lĩnh vực khác sẽ khó thực hiện hơn, chẳng hạn như ngành công nghệ."

Trung Quốc từ lâu đã bị chỉ trích vì các chính sách thương mại và cách làm ăn của họ, như buộc các công ty nước ngoài bàn giao công nghệ để được tiếp cận thị trường Trung Quốc, vấn đề liên quan tới sáng tạo và tài sản trí tuệ.

Để thay đổi điều đó, chính quyền Tổng thống Trump đang tiến hành điều tra các chính sách của Bắc Kinh, và các thủ đoạn thương mại của Trung Quốc liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, cải tiến và sở hữu trí tuệ.

Tổng thống Trump đã dọa sẽ tăng thuế quan tới 150 tỉ đối với hàng hóa Trung Quốc và hạn chót cho hành động đó đang đến gần.

Một cuộc điều trần công khai sẽ diễn ra trong ngày 15/5 tại Washington để thảo luận các loại thuế quan, và rất Tổng thống Trump có thể áp thuế lên hàng Trung Quốc vào đầu tuần tới.

Nếu ông Trump làm như vậy, Trung Quốc đã cam kết sẽ đáp trả bằng cách tăng thuế quan đối với hàng hóa Mỹ có tổng trị giá 50 tỉ USD với hàng hóa Mỹ, trong đó có đậu nành.

VOA Express

XS
SM
MD
LG