Đường dẫn truy cập

Khẩu chiến leo thang, Ukraine và Ba Lan triệu đại sứ của nhau


Ông Marcin Przydacz, cố vấn vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Ba Lan.
Ông Marcin Przydacz, cố vấn vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Ba Lan.

Ukraine và Ba Lan triệu đại sứ của nhau hôm 1/8 giữa lúc tranh chấp leo thang sau khi một cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Ba Lan nói rằng Kyiv nên cảm kích nhiều hơn đối với sự hỗ trợ của Warsaw trong cuộc chiến với Nga.

Cố vấn Marcin Przydacz cũng kêu gọi chính phủ Ba Lan phải bảo vệ lợi ích của nông dân nội địa – ý muốn nhắc tới lệnh cấm nhập khẩu hàng Ukraine sắp hết hiệu lực vào tháng tới.

Kyiv và Warsaw là đồng minh vững chắc trong suốt cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine từ tháng 2 năm ngoái.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Oleh Nikolenko cho biết đại sứ Ba Lan đã được thông báo trong cuộc họp rằng những tuyên bố về sự vô ơn mà Ukraine bị cáo buộc đối với sự giúp đỡ của Ba Lan là “không đúng sự thật và không thể chấp nhận được.”

“Chúng tôi tin rằng tình hữu nghị Ukraine-Ba Lan sâu sắc hơn nhiều so với mục đích chính trị. Chính trị không nên đặt câu hỏi về sự hiểu biết lẫn nhau và sức mạnh của mối quan hệ giữa chúng ta”, một tuyên bố của Ukraine nói.

Ba Lan cũng đã triệu tập đại sứ Ukraine tại Warsaw để đáp lại “những bình luận của đại diện chính quyền Ukraine”, Bộ Ngoại giao Ba Lan viết trên nền tảng X, trước đây được gọi là Twitter.

Dòng tweet không chỉ định rõ ràng những bình luận nào được đề cập đến.

Truyền thông Ba Lan hôm 31/7 dẫn lời ông Przydacz nói về khả năng mở rộng lệnh cấm nhập khẩu của Ba Lan đối với nông sản Ukraine.

“Điều quan trọng nhất hiện nay là bảo vệ lợi ích của nông dân Ba Lan,” ông Przydacz được trích dẫn.

Ông cũng nói: “Tôi nghĩ rằng sẽ đáng để (Kyiv) bắt đầu đánh giá cao vai trò của Ba Lan đối với Ukraine trong những tháng năm qua.”

Liên hiệp châu Âu vào tháng 5 đã cho phép Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia cấm bán lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine trong nước.

Sau khi cuộc xâm lược của Nga chặn các cảng ở Biển Đen, một lượng lớn ngũ cốc của Ukraine, rẻ hơn so với sản xuất ở EU, vẫn còn kẹt tại các quốc gia Trung Âu do tắc nghẽn hậu cần, ảnh hưởng đến giá cả và việc bán hàng đối với nông dân địa phương.

Năm quốc gia muốn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc kéo dài ít nhất cho đến cuối năm nay. Lệnh cấm sẽ hết hạn vào ngày 15 tháng 9.

Thủ tướng Ba Lan hồi đầu tháng cho biết sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm vào ngày 15 tháng 9 ngay cả khi EU không đồng ý cho gia hạn.

Kyiv đã mô tả quyết định của Ba Lan là “không thân thiện” và kêu gọi các đối tác của Ukraine và Ủy ban châu Âu đảm bảo việc xuất khẩu tất cả các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine sang EU không bị cản trở.

Bộ Ngoại giao Ba Lan ngày 1/8 không hồi đáp yêu cầu bình luận.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG