Đường dẫn truy cập

Phản ứng khác nhau từ Iraq về tiết lộ của Wikileaks


Thủ tướng Nouri al-Malaki gọi việc Wikileaks tiết lộ những tài liệu mật của Mỹ được thúc đẩy bởi những động cơ chính trị
Thủ tướng Nouri al-Malaki gọi việc Wikileaks tiết lộ những tài liệu mật của Mỹ được thúc đẩy bởi những động cơ chính trị

Các nhà lãnh đạo chính trị Iraq có những phản ứng khác nhau về việc Wikileaks tiết lộ những tài liệu mật của Mỹ vào hôm thứ Sáu liên hệ đến những hành vi của Mỹ tại Iraq.

Một số nhà lãnh đạo Iraq phản ứng giận dữ và một số khác chỉ nhún vai đối với việc tiết lộ những tài liệu mật của Mỹ liên hệ đến cuộc chiến Iraq.

Những đảng phái chính trị đối lập của người Shia và người Sunni có những lập trường khác biệt về vấn đề này, và sử dụng như là một chiến trường mới trong cuộc tranh chấp chính trị sắp tới.

Trong một tuyên bố được đọc trên đài truyền hình của chính phủ Iraq, Thủ tướng sắp hết nhiệm kỳ thuộc phe Shia Nouri al-Malaki gọi việc Wikileaks tiết lộ những tài liệu mật của Mỹ được thúc đẩy bởi những động cơ chính trị. Ông nói thêm là việc này nêu lên một số nghi vấn.

Một vài thành viên của Liên minh Nhà nước của Pháp luật của ông Maliki chỉ trích việc tiết lộ này, gọi đây là một phương cách tạo ra sự xung đột về phe phái mới.

Ông Kemal al Saidi thuộc liên minh Nhà nước của Pháp luật của Thủ tướng cho rằng những tài liệu của Wikileaks nhằm vào cá nhân của Thủ tướng và có ý nghĩa làm cản trở sự thành lập một chính phủ mới.

Ông Saidi đặt câu hỏi là tại sao những tài liệu này được tiết lộ vào thời điểm giữa lúc đang có có những nỗ lực để thành lập chính phủ. Ông cho rằng đây là một chiến dịch chống lại Thủ tướng Maliki, chống lại chính phủ và chống lại hệ thống chính trị Iraq.

Ông nói thêm ông không tin việc tiết lộ này sẽ làm dấy lên bạo động vì người dân Iraq biết là tài liệu liên hệ đến sự thành lập chính phủ và cá nhân Thủ tướng Maliki.

Ông Saidi cũng bênh vực Thủ tướng Maliki chống lại những cáo buộc được tiết hộ trong tài liệu là Thủ tướng Maliki chịu trách nhiệm về những việc tra tấn và giết hại của những đội quân đặc nhiệm.

Ông nói thêm là ông không biết có chính phủ nào trên thế giới lại không tự bảo vệ chống lại các tội phạm hình sự và chính phủ Iraq tự hào trong việc chống lại các loại tội phạm.

Bộ trưởng về Nhân quyền của Iraq Wijdan Salim, đã điều tra nhiều cáo buộc vi phạm nhân quyền từ khi bà đảm nhận nhiệm vụ vào năm 2006, gọi những tài liệu này tiết lộ những điều không có gì đáng ngạc nhiên cả.

Hầu hết những kênh truyền hình vệ tình của phe đối lập Sunni tại Iraq chỉ trích cả Hoa Kỳ lẫn chính phủ Maliki về điều gọi là vi phạm trắng trợn nhân quyền.

Những bình luận viên trên đài truyền hình al-Alam nói tiếng Ả Rập của Iran công kích việc tiết lộ tài liệu, gọi đây là một âm mưu rộng lớn của Mỹ.

Một số tài liệu của Wikileaks cáo buộc Tehran đưa lậu vũ khí và chất nổ vào Iraq để gây xung đột.

Một trong những bình luận viên thân Iran nói không thể nào một chính phủ đầy quyền lực như chính phủ Mỹ lại cho phép những tài liệu nhạy cảm như vậy được đăng tải. Bình luận viên này cáo buộc là chính chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm trong việc tiết lộ tài liệu này.

Một thanh niên trẻ Iraq nói Hoa Kỳ là người thắng lớn từ việc tiết lộ tài liệu. Ông cho rằng người Mỹ là những người duy nhất được lợi trong vấn đề này.

Ông nói người Iraq đã biết nhiều người trong chính phủ có liên hệ đến dân quân hay những chính phủ ngoại quốc dù đó là Iran hay những quốc gia nào khác.

Ông nói ông tin 80% đến 85% những tin tức được tiết lộ là có thật nhưng đây không phải là thời điểm thích ứng để tiết lộ vì sẽ gây nên những phức tạp sẽ sớm cảm nhận được.

Đồng minh của cựu Thủ tướng Iyad Allawi, người đang dính líu đến cuộc tranh chấp kéo dài 7 tháng nay với Thủ tướng Maliki về việc ai sẽ thành lập chính phủ kế tiếp, không cho việc tiết lộ của Wikileaks là quan trọng.

Ông Osama Njeify thuộc khối Iraqiya của ông Allawi gọi tài liệu này là một phần của sự thật mà tất của người dân Iraq đều quá biết và phải sống với sự thật này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG