Đường dẫn truy cập

Hạ viện Mỹ hồi sinh dự luật cấm nhập khẩu sản phẩm từ Tân Cương


(Tư liệu) Ảnh chụp ngày 4/6/2019. Cờ Trung Quốc tung bay đăng sau hàng rào kẽm gai tại một khu gia cư ở Yangisar, miền Nam Kashgar, trong khu vực Tân Cương, Tây Trung Quốc. (Photo by GREG BAKER / AFP)
(Tư liệu) Ảnh chụp ngày 4/6/2019. Cờ Trung Quốc tung bay đăng sau hàng rào kẽm gai tại một khu gia cư ở Yangisar, miền Nam Kashgar, trong khu vực Tân Cương, Tây Trung Quốc. (Photo by GREG BAKER / AFP)

Hạ viện Hoa Kỳ hôm 18/2 giới thiệu lại một dự luật lưỡng đảng, cấm nhập khẩu các sản phẩm nhập khẩu từ khu vực Tân Cương bên Trung Quốc, trừ phi các món hàng này được chứng nhận là không sản xuất bằng lao động cưỡng bức. Dự luật này đồng thời cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt phụ trội chống lại các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về các hành động ngược đãi người Hồi giáo.

Phiên bản cập nhật của dự luật đã được Hạ viện thông qua với 406 phiếu thuận, 3 phiếu chống trong Quốc hội khóa trước vào tháng 9 năm ngoái, cũng tương tự như phiên bản của Thượng viện mới được giới thiệu lại hồi tháng trước.

Dự luật của Hạ viện sẽ cho phép Tổng thống Mỹ áp dụng các biện pháp chế tài đối với bất kỳ người nào bị quy trách nhiệm về các hoạt động buôn/sử dụng sức lao động của người thiểu số Uighur (Duy Ngô Nhĩ), và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương, tỉnh sản xuất bông và các sản phẩm bông hàng đầu.

Dự luật đòi hỏi các công ty Mỹ được niêm yết trên sàn chứng khoán phải tiết lộ thông tin tài chính của các công ty Mỹ làm ăn với các công ty và thực thể Trung Quốc có hành vi ngược đãi người lao động, một điều khoản không có trong phiên bản của Thượng viện.

Phát biểu lúc ông giới thiệu lại dự luật này, Dân biểu Jim McGovern của Đảng Dân chủ nói:

“Chúng ta đã chứng kiến với nỗi kinh hoàng khi nhà cầm quyền Trung Quốc dựng lên rồi sau đó, mở rộng hệ thống trại tập trung để giam cầm`bất hợp pháp’ người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác”.

Ông McGovern cho rằng nền kinh tế của tỉnh Tân Cương “đã được xây dựng trên lao động cưỡng bức và đàn áp”.

Một ủy ban Liên Hiệp Quốc năm 2018 cho biết họ đã nhận được báo cáo đáng tin cậy rằng ít nhất có 1 triệu người Hồi giáo bị giam cầm trong các trại ở Tân Cương. Trung Quốc phủ nhận các hành vi ngược đãi và nói rằng các trại do họ dựng lên là những trung tâm đào tạo nghề nghiệp và rất cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Trọng tâm của các dự luật là một "giả định có thể bị thách thức" theo đó hàng hóa đến từ Tân Cương đều được coi là sản xuất bằng lao động cưỡng bức và bị cấm nhập vào Hoa Kỳ trừ khi có bằng chứng "rõ ràng và thuyết phục" chứng minh ngược lại.

Mặc dù dự luật này được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, các phụ tá dân biểu và nghị sĩ quốc hội nói rằng chưa gì, dự luật này đã là mục tiêu của các cuộc vận động hành lang của các công ty có chuỗi cung ứng liên kết với Tân Cương.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton, đại diện Đảng Cộng hòa tại bang Arkansas gọi nhà cầm quyền Trung Quốc là “một đế quốc xấu xa mới”, ông chỉ trích một số tập đoàn Mỹ chống lại các dự luật này.

Chính phủ Biden tán thành quyết định của chính quyền tiền nhiệm rằng Trung Quốc đã phạm tội ác diệt chủng ở Tân Cương, và nói rằng Hoa Kỳ phải chuẩn bị áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với những kẻ chịu trách nhiệm.

VOA Express

XS
SM
MD
LG