Đường dẫn truy cập

Hà Nội giải trình về phát ngôn ‘vỡ đê có kế hoạch’: Vấn đề quan trí?


Nhiều người dân ở huyện Chương Mỹ vẫn phải dùng thuyền để đi lại vào ngày 16/10/2017.
Nhiều người dân ở huyện Chương Mỹ vẫn phải dùng thuyền để đi lại vào ngày 16/10/2017.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội ngày 17/10 lên tiếng giải trình về phát ngôn “vỡ đê có kế hoạch” của một cán bộ chuyên môn đã gây phản ứng trong dư luận mấy ngày qua. Một nhà bình luận, quan sát tình hình thời sự Việt Nam nói câu chuyện làm nổi bật vấn đề “quan trí” và sự bất nhất trong bộ máy chính quyền.

Trước đó vào ngày 13/10, tại cuộc họp thông tin về đợt mưa lũ, khi phóng viên đặt câu hỏi về hiện tượng ngập nước ở đê Hữu Bùi (đê Bùi 2), thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội, là do tràn đê hay vỡ đê, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh nói: “Dân nhìn vào thì nói vỡ, nhưng chúng tôi nói đó là vỡ có kế hoạch, vỡ nằm trong khu thoát lũ chứ không bất ngờ”.

Đoạn video trên mạng xã hội ghi lại cuộc họp báo cho thấy cả phòng họp đã cười ồ lên sau lời giải thích của giới chức phụ trách đê điều.

Mặc dù hiện tượng ngập úng trên địa bàn huyện Chương Mỹ chỉ gây thiệt hại về nông sản, nhà cửa, không ảnh hưởng đến tính mạng người dân, nhưng có thể thấy phản ứng của công chúng khá mạnh khi đoạn video và các bài viết trên báo chí xoáy vào phát ngôn “vỡ có kế hoạch” của ông Đỗ Đức Thịnh.

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 17/10, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) Hà Nội, ông Trần Thanh Nhã, đã phải lên tiếng giải trình về phát ngôn này. Ông Nhã thừa nhận không có khái niệm “vỡ có kế hoạch” trong thuật ngữ chuyên môn và đoạn đê bao Hữu Bùi có thể coi là vỡ đê, nhưng thực chất là do nước tràn vào bờ đê bao, gây xói mòn một số đoạn đê.

Một nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng đây là một sự kiện cần được giải thích rõ ràng về mặt chuyên môn, thay vì đưa ra một phát ngôn “gây phản cảm”.

Ông nói: “Những cái đê đó là đê phụ, đê quai thôi, để khi nước dâng lên một mức độ nhất định thì sẽ tràn qua đê vào khu vực dự tính để cứu những vùng khác. Đó là cái mà người ta đã dự tính từ khi thiết kế toàn bộ hệ thống đê điều thì có những vùng như thế. Khi ông Cục trưởng nói ‘vỡ có kế hoạch’, có lẽ cách dùng từ của ông ta đã không khéo, gây phản cảm đối với người nghe”.

TS. Nguyễn Quang A nói không chỉ các quan chức ở Hà Nội, mà kể cả các quan chức ở tận trung ương, thỉnh thoảng vẫn có những phát ngôn mà ông gọi là “kỳ lạ” và “ngộ nghĩnh”.

“Nào là ‘giết chết tươi’, nào là ‘nhúng chàm’, ‘củi tươi, củi khô’… Tôi nghĩ kỹ năng về truyền thông của các quan chức Việt Nam, họ không bao giờ để ý đến chuyện đó cả. Mà một trong những nhiệm vụ quan trọng của một quan chức nhà nước là trình bày sự việc, chính sách một cách rõ ràng, minh bạch cho dân chúng. Rất đáng tiếng là trình độ quan trí của Việt Nam rất thấp và biểu hiện thiếu kỹ năng truyền thông chỉ là một mặt thôi”.

Trong buổi họp “giải trình”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN cho biết thêm rằng với thiết kế hiện tại, khi nước dâng lên đến mức báo động 2 thì sẽ tự tràn quan thân đê Hữu Bùi. “Còn đê đất tràn đến đâu vỡ đến đấy là rất khó lường”, Tiền Phong dẫn lời ông Nhã.

Bắt đầu từ chiều 12/10, nhiều khu vực ở huyện Chương Mỹ đã bị ngập hoàn toàn. Theo báo cáo của huyện, có đến 92 ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch và khoảng 842,4 ha cây vụ Đông bị ngập và hư hỏng. Khoảng 63,8 ha ây ăn quả và 125 ha diện tích thủy sản cũng bị chìm trong nước.

Trước mối lo của người dân về hiện tượng ngập úng kéo dài nhiều ngày, giới hữu trách địa phương lại đưa ra thông tin theo kiểu “mỗi người một phách”, người nói có vỡ đê, người bảo không, càng khiến dư luận hoang mang và phẫn nộ.

TS. Nguyễn Quang A nói điều này phản ánh sự bất nhất quen thuộc trong hệ thống công quyền ở Việt Nam.

Ông nói thêm: “Nó cũng có thể phản ánh sự quan tâm khác nhau của những nhóm lợi ích khác nhau. Một nhóm có thể bảo rằng sự kiện này là bình thường, không có vấn đề gì cả. Nhóm khác có thể bảo rằng cái này rất nguy hiểm”.

Gần 1 tuần sau khi đê Bùi 2 vỡ, báo Lao Động cho biết nhiều người dân ở một số xã của huyện Chương Mỹ vẫn phải lội nước trong cái lạnh khoảng 20oC và chèo thuyền đi lại giữa các khu vực. Nhiều người dân phải sự dụng nước ngập để sinh hoạt. Một số người còn đem cả gia súc như heo, gà… vào nhà nuôi vì chuồng trại bị ngập, gây ô nhiễm nặng cho môi trường sống.

Hà Nội giải trình về phát ngôn ‘vỡ đê có kế hoạch’
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:38 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG