Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Phúc kêu gọi toàn dân ‘nhắn tin’ ủng hộ nạn nhân lũ lụt


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trong một chương trình cầu truyền hình trực tiếp trên cả nước tối 15/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn dân “cầm điện thoại lên” và “hướng về đồng bào” vùng lũ lụt để nhắn tin ủng hộ. Lời kêu gọi của người đứng đầu nhà nước Việt Nam đã gặp nhiều phản ứng ngược trên mạng xã hội, trong khi một nhà hoạt động tích cực trong đợt lũ lụt vừa qua nhận xét “có nhiều việc cần phải quan tâm hơn nhiều”.

Tham gia từ Hà Nội trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Lao động Thương binh Xã hội tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến những gia đình bị mất người, mất nhà trong đợt lũ lụt vừa qua và kêu gọi toàn dân “chung tay vì người nghèo”.

Ông nói: “Xin mọi người cùng với tôi cầm điện thoại lên. Chúng ta hướng về phía đồng bào, hướng về miền quê đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt. Soạn VNN và gửi vào số 1408, mỗi tin nhắn của chúng ta sẽ ủng hộ người nghèo 20.000 đồng”, theo VnExpress.

Không tin

Lời kêu gọi của ông Phúc nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội, nhưng lại không theo tinh thần “ủng hộ” mà Thủ tướng Việt Nam mong đợi. Đa số bình luận của người dân tỏ ra nghi ngờ về điểm đến của những đồng tiền quyên góp. Một số người khác lại sử dụng diễn đàn để nêu lên nhiều vấn đề mà họ cho là nguồn gốc sâu xa dẫn đến những mất mát, đau thương của người dân trong những thảm họa lặp lại hàng năm.

Người dân "vượt lũ" ở tỉnh Sơn La, ngày 12/10/2017.
Người dân "vượt lũ" ở tỉnh Sơn La, ngày 12/10/2017.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói với VOA trên quan điểm của một người trực tiếp có mặt, đưa tin và giúp đỡ người dân ở những khu vực bị lũ lụt nặng nề trong những ngày qua:

“Vấn đề là lòng tin của quần chúng đối với việc hỗ trợ những người gặp nạn. Vấn đề ở đây là những thảm họa đó có phải hoàn toàn do thiên nhiên hay không? Hay do buông lỏng quản lý, sự tắc trách, thậm chí là phá hoại môi trường, phá hoại tài nguyên của các cơ quan chức năng mà đáng lẽ ra chức năng của nó là bảo vệ tài nguyên”.

Còn nhiều ‘vấn đề’ cần quan tâm

Ông Nguyễn Lân Thắng cho rằng việc cơ quan chức năng “cấp phép vô tội vạ” cho các công trình thủy điện, khai thác mỏ, chính sách khai hoang để phát triển kinh tế, giao rừng cho các nông trường quốc doanh quản lý… là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa tái diễn hàng năm và hậu quả ngày càng thảm khốc hơn.

Ông nói thêm: “Tài nguyên mênh mông nhưng giao vào nơi ‘cha chung không ai khóc’ nên việc quản lý khai thác cũng như bảo vệ nó có rất nhiều vấn đề. Nạn lâm tặc, nạn phá rừng… theo tôi là nguyên nhân rất lớn gây ra những thảm họa như lũ bùn, lũ quét gây sập nhà cửa người dân. Chính vì vậy, tôi thấy thái độ của người dân đối với lời kêu gọi của chính phủ trong việc khắc phục thảm họa là rất thấp. Thứ nhất là vì người ta không tin là đồng tiền người ta bỏ ra sẽ đến tay được đồng bào. Điều thứ hai người ta mong muốn hơn là chấm dứt thảm họa do những tắc trách, vô trách nhiệm, cũng như sự phá hoại của chính con người, của bộ máy Nhà nước. Đó là điều cần phải quan tâm hơn nhiều”.

Thống kê mới nhất của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam cho biết hiện đã có 103 người chết và mất tích, 31 người bị thương trong đợt lũ lụt được xem là “lịch sử” ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Nhà cửa, tài sản của người dân bị thiệt hại nặng nề. Hiện nhiều địa phương vẫn đang huy động các lực lượng từ dân quân đến người dân để tìm kiếm các nạn nhân mất tích và khắc phục hậu quả của lũ lụt.

Chương trình cầu truyền hình trực tiếp tối 15/10 là sự kiện mở đầu cho tháng cao điểm “Vì người nghèo”, diễn ra từ ngày 17/10 đến 18/11.

Phát biểu trong chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói mặc dù ngân sách còn khó khăn, nhưng chính phủ Việt Nam mỗi năm dành hàng chục nghìn tỷ đồng cho chương trình xóa đói giảm nghèo, vốn là một “chủ trương lớn” được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế, xã hội.

Vẫn theo lời ông Phúc, với tỷ lệ giảm nghèo “rất ấn tượng”, với số hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8% năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn khoảng 7% năm 2017, “Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, được nhân dân đánh giá cáo, được cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo”, theo Vietnamnet.

VOA Express

XS
SM
MD
LG