Đường dẫn truy cập

Một vài điều ghi nhận trong cuộc vận động tranh cử ở Hoa Kỳ vừa qua


Nước Mỹ có chừng 7 triệu cử tri người Mỹ gốc Á châu đủ điều kiện đi bầu
Nước Mỹ có chừng 7 triệu cử tri người Mỹ gốc Á châu đủ điều kiện đi bầu

Cử tri gốc châu Á chiếm một vị trí khiêm nhường trong tổng số phiếu bầu và sự kiện cuộc chiến Iraq và Afghanistan đã hoàn toàn bị quên lãng trong cuộc tranh cử sẽ là đề tài trong Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay sau khi cuộc bầu cử giữa kỳ đã diễn ra vào ngày thứ Ba vừa qua.

Trên toàn nước Mỹ có chừng 7 triệu cử tri người Mỹ gốc Á châu đủ điều kiện đi bầu. Theo cuộc khảo sát của Văn Phòng Thống Kê Dân Số năm 2008 có chừng gần 4 triệu các cử tri gốc Á ghi danh đi bầu. Giáo sư Paul Ong, giảng dạy bộ môn nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại đại học California ở Los Angeles, giải thích về thành phần dân số này:

"Nếu xét trên bình diện toàn quốc thì người Mỹ gốc Á vẫn còn ở bên lề. Họ chiếm chừng 5% tổng số cử tri. Nhưng ở một số nơi nào đó, họ là thành phần cử tri quan trọng, như trong vùng vịnh San Francisco, khu vực thành phố Los Angeles, thành phố New York là nơi có những đơn vị bầu cử rất đông người gốc Á, từ bầu cử địa phương cho tới bầu cử quốc hội; ở những nơi đó người Mỹ gốc Á có ảnh hưởng mạnh. Có thể họ không chiếm thành phần đa số nhưng lá phiếu của họ có tính cách quyết định vào phút chót. Họ có thể tạo được sự khác biệt ở những đơn vị bầu cử đó."

Cũng theo giáo sư Ong thì lá phiếu của những người Mỹ gốc Á này bầu cho ứng cử viên đảng nào tùy thuộc nơi mà các di dân này đã sống trước khi đến nước Mỹ.

Ông cho biết: "Rõ ràng cử tri thuộc các sắc dân Đông Nam Á thường bỏ phiếu cho các ứng cử viên đảng Cộng Hòa, rất nhiều trong số này đến đây sau khi Sài gòn sụp đổ. Nhiều người có lập trường chống cộng. Họ thấy đảng Cộng Hòa có quan điểm chính trị tương đồng. Và theo tôi, những cử tri gốc Philippines, gốc Nhật v.v... trong quá khứ họ cảm thấy bị kỳ thị và điều này khiến họ nghiêng về đảng Dân Chủ nhiều hơn."

Một số khá đông cử tri người Mỹ gốc Á, nhất là từ nam Á, là những người theo đạo Hồi. Ông Ahmed Rehab, thuộc Hội Đồng quan hệ Người Mỹ Hồi giáo, cho biết chính trị tại nước Mỹ trong thập niên qua đã làm thay dổi khuynh hướng của người Mỹ theo Hồi giáo. Ông giải thích:

"Trước nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Bush, cử tri Hồi giáo thường ngả về đảng Cộng Hòa vì những giá trị gia đình. Nhưng kể từ khi nước Mỹ mở cuộc chiến chống khủng bố, vì những lời lẽ vơ đũa cả nắm, không phân biệt Hồi giáo nói chung với quân khủng bố, càng ngày người Hồi giáo càng cảm thấy không ổn với đảng Cộng Hòa, nhất là những lời lẽ chống Hồi giáo cứ tiếp tục nên họ đã bắt đầu quay sang bầu cho đảng Dân Chủ. Đó là sự chuyển hướng, nhất là lại có phong trào Tea Party nữa."

Bà Mini Timmaraju, thuộc tổ chức Cử Tri Mỹ gốc Á châu -Thái Bình Dương, nhận xét rằng toàn thể số dân người Mỹ gốc Á nói chung, đều có những quan tâm giống như phần lớn mọi cử tri Mỹ khác.

Bà nói: "Theo tôi thì đó là vấn đề kinh tế và công ăn việc làm. Chúng ta có những dữ liệu cho thấy chuyện đó, nhưng chúng ta cũng biết rằng đó cũng là điều mà đại đa số cử tri Mỹ đều quan tâm, và tôi không nghĩ là người Mỹ gốc Á có gì khác hơn. Họ cũng phải chịu hệ quả tương tự của nền kinh tế và mức thất nghiệp cao trong nước."

Một điều khác nữa được ghi nhận trong cuộc tranh cử vừa rồi là cuộc chiến Iraq và Afghansitan không được nhắc đến. Cuộc chiến kéo dài đã lâu, với 150 ngàn binh sỹ Mỹ tham chiến ở hai quốc gia này tính cho tới nay, và nước Mỹ đã tốn hơn 1 ngàn tỉ đô la ở đó.

Thế nhưng đảng Dân Chủ cũng như Cộng Hoà đều không hề đả động đến cuộc chiến đang diễn ra ở cách nửa vòng trái đất.

Những cử tri ủng hộ đảng Dân Chủ hài lòng với việc Hoa Kỳ giảm bớt can thiệp tại Iraq, nhưng lại chia rẽ vì quyết định của Tổng thống Obama gia tăng các nỗ lực tại Afghanistan.

Phe Cộng Hòa, không hài lòng với sự chống đối của Tổng thống Obama đối với cuộc chiến Iraq trong lúc ông vận động tranh cử tổng thống, thì nay lại có vẻ đồng ý với đường lối của ông tại Afghanistan. Nhưng họ vẫn lặng thinh không đưa ra một lời ca ngợi nào dành cho vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội vào lúc cuộc vận động tranh cử giữa kỳ đang diễn ra, vì không có lý do gì để họ phải làm lợi cho đối phương.

Ông Evan Tracey, đứng đầu nhóm Phân Tích Truyền Thông Vận Động Tranh Cử, cho biết ông không hề thấy bất cứ một vận động tranh cử nào, cho dù ở địa phương, ở cấp tiểu bang hay liên bang, đề cập đến cuộc chiến ở Iraq hay Afghanistan.

Vấn đề lớn bao trùm cuộc vận động tranh cử vừa qua là tình hình kinh tế và công ăn việc làm. Tất cả những ai tham gia vào cuộc vận động tranh cử hầu như đã quên hẳn 2 cuộc chiến đang điễn ra.

Các đảng phái có chọn lựa riêng của họ để khỏi nhắc đến các cuộc chiến này. Nhưng một bà vợ tiêu biểu cho các bà có chồng nơi chiến trường Afghanistan thì không thể nào không nghĩ đến cuộc chiến đó.

Đối với bà Veda Olechny, một người vợ lính, hằng đêm vẫn cầu nguyện và hằng ngày vẫn trông ngóng đến lễ Tạ Ơn, là ngày ông từ Afghanistan trở về đoàn tụ với bà, thì cuộc chiến Iraq và Afghanistan lúc nào cũng trong tâm trí bà.

Chồng bà ông Patrick Olechny, Thượng sỹ nhất, 57 tuổi, cư dân bang Delaware. Bà đã đính hôn với ông từ ngày 16 tuổi, ông 17. Sau đó ông nhập ngũ và được gửi sang Việt Nam. Ngày nào bà cũng viết thư cho ông, cho đến khi ông trở về, hai người kết hôn ngay cả trước khi bà xong trung học.

Sau khi trở về từ Việt Nam, với tay nghề sửa máy bay trực thăng mà ông được huấn luyện khi còn trong quân đội, ông gia nhập Vệ binh Quốc gia, làm chuyên viên cơ khí dân sự.

Rồi ông lại gia nhập lực lượng này. Trong thời bình, ông chỉ phải tập quân sự 1 cuối tuần mỗi tháng, và 2 tuần liền mỗi năm một lần.

Năm 1996, ở tuổi 43, ông tình nguyện sang chiến trường Bosnia. 9 tuần lễ sau trở về nguyên vẹn hình hài.

Mấy năm qua đi, sau biến cố 11 tháng 9, lần này vì có xảo năng mà quốc gia cần tới, ở tuổi 51 ông được đưa sang chiến trường Iraq năm 2004. Bà đã khóc rất nhiều từ khi chồng đi xa. Nhưng khác với chiến tranh Việt Nam, ngày đó bà chỉ trông vào tin tức hằng đêm trên truyền hình để biết về chiến cuộc, còn bây giờ có e-mail, có điện thoại di động, vì thế sau giờ tan sở bà vội về nhà ngay để chờ điện thoại của ông.

Năm 2005 ông trở về, dự tính ở lại trong quân đội cho đủ 40 năm sẽ xin giải ngũ. Nhưng rồi nhu cầu chiến trường Afghanistan cần đến nhân viên cơ khí hơn bao giờ hết, và ông lại lên đường.

Giờ đây cứ mỗi tối, khi tiếng "bíp" vang lên từ máy điện toán là bà sẵn sàng để nhận điện thoại của chồng gọi bà từ sáng sớm ở Afghanistan, còn những cú điện thoại từ những nhân viên vận động cho các ứng cử viên gọi tới nhà thì bà gác máy, vì chẳng có ứng cử viên nào đả động đến cuộc chiến mà bà không lúc nào quên.

Có một vài người hỏi bà rằng: "Ông đi xa như thế hoài chắc bà cũng quen rồi chăng?" Bà lắc đầu và trả lời: "Làm sao mà quen được, chỉ cố mà sống cho qua cảnh đó thôi."

Vào mùa xuân năm tới ông sẽ phục vụ đủ 40 năm trong quân ngũ qua 4 cuộc chiến và sẽ giã từ vũ khí để về sống bên cạnh bà.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG