Đường dẫn truy cập

Di dân bị Hy Lạp trục xuất đã đến Thổ Nhĩ Kỳ


Di dân ra khỏi tàu của lực lượng hải giám Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn ven biển Dikili của nước này ngày 6/4/2016.
Di dân ra khỏi tàu của lực lượng hải giám Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn ven biển Dikili của nước này ngày 6/4/2016.

Một nhóm 45 người Pakistan di trú đã đến Dikili, Thổ Nhĩ Kỳ, trong một hành trình ngắn từ trại di dân mà họ đã ở lại trên đảo Lesbos của Hy Lạp. Đây là nhóm di dân thứ hai bị gửi trả về theo một thỏa thuận mới gây nhiều tranh cãi giữa Liên hiệp Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ.

Một chiếc phà của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa nhóm dân di trú này đến cảng ngày 8/4 và sau đó trong ngày sẽ có thêm một nhóm 80 dân di trú nữa. Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay không có ai trong số những người bị gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin tị nạn ở Liên hiệp Âu châu. Các giới chức của Liên hiệp hôm thứ Tư nói tất cả di dân bị tống xuất sẽ được dành cho cơ hội nộp đơn xin tị nạn, và những người bị từ chối được hứa hẹn có 5 ngày để khiếu nại.

Trong khi những chuẩn bị được thực hiện cho những người di trú rời khỏi đảo Lesbos hôm 8/4, có ít nhất 2 nhà hoạt động đã bị bắt sau khi nhảy xuống nước bám vào sợi dây xích to nối với mỏ neo của chiếc phà. Những người hoạt động tìm cách ngăn chặn những vụ tống xuất nói rằng các di dân không thể được bảo đảm sự đối xử tử tế ở Thổ Nhĩ Kỳ, là nước có thành tích kém về nhân quyền.

Trong khi đó, Đức loan báo con số đơn mới xin tị nạn mà Đức nhận được đã sụt giảm mạnh từ tháng 2 cho đến tháng 3, với tổng số chỉ lên tới 20.000 so với 60.000 một tháng trước đó. Đức đã dẫn đầu phong trào tiếp nhận một số người tị nạn gần như chưa từng có từ trước đến giờ từ phương đông tràn qua vào lúc mọi người tìm cách trốn chạy bạo lực và bất an kinh tế ở châu Phi, Nam Á và Trung Đông.

Hôm 7/4, Tòa thánh Vatican loan báo Đức Giáo Hoàng Phanxico sẽ thực hiện một chuyến đi ngắn đến Lesbos vào ngày 16 tháng này để gặp người tị nạn được cho tạm trú ở đó.

Tòa Thánh nói Đức Giáo Hoàng đã nhận lời mời của người lãnh đạo Giáo hội Cơ Đốc giáo Chính thống, Đức Thượng Phụ Bartholomew, và Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos. Đức Thượng Phụ Bartholomew cùng với Tổng Giám mục Athens và toàn Hy Lạp Jerome II sẽ đến Lesbos cùng với Đức Giáo Hoàng.

Đức Giáo Hoàng Phanxico sẽ thực hiện một chuyến đi ngắn đến Lesbos vào ngày 16/4 để gặp người tị nạn.
Đức Giáo Hoàng Phanxico sẽ thực hiện một chuyến đi ngắn đến Lesbos vào ngày 16/4 để gặp người tị nạn.

Chuyến thăm này được coi như một cử chỉ tượng trưng nhằm thu hút sự chú ý quốc tế đến vấn nạn người tị nạn, đa số tìm cách trốn chạy chiến tranh và nghèo khó ở Syria.

Các giới chức Liên hiệp Âu châu hôm thứ Tư đã cam kết sẽ không có việc “tự động gửi trả về” những di dân trước khi họ được dành cho cơ hội nộp đơn xin tị nạn. Những người bị cho là không hội đủ điều kiện tị nạn sẽ có 5 ngày để khiếu nại về quyết định.

Gần 70 nhân viên của Văn phòng Hỗ trợ tị nạn Âu châu đã đến đảo hôm thứ Tư để bắt đầu xử lý các thủ tục xin tị nạn tiếp theo một đợt biểu tình phản đối việc tống xuất, diễn ra theo các điều khoản của một thỏa thuận hồi tháng 3 giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vụ khủng hoảng di dân ở châu Âu.

Giới hoạt động đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về việc gửi những người bị tống xuất đến Thổ Nhĩ Kỳ, một nước có thành tích xấu về nhân quyền.

Các thủ tục mới để xử lý các trường hợp xin tị nạn có thể làm chậm trễ thêm tiến trình giải tán khoảng 3.000 di dân đang tạm trú ở Moria, là trung tâm tạm giữ người tị nạn quá tải và lớn nhất ở đảo Lesbos.

Các giới chức Liên hiệp Âu châu cho hay khoảng 1.000 dân di trú đã bày tỏ ý muốn xin tị nạn. Bắt đầu từ hôm thứ Năm, các giới chức chỉ có thể làm thủ tục cho 50 trường hợp mỗi ngày. Các giới chức Hy Lạp nói từ 300 đến 500 dân di trú tiếp tục đến từ Thổ Nhĩ Kỳ mỗi ngày.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG