Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ Văn phòng Nhân quyền LHQ ở Kampuchea


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinto thăm nơi từng là trung tâm tra tấn của Khmer Đỏ ở thủ đô Campuchia, ngày 1/11/2010
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinto thăm nơi từng là trung tâm tra tấn của Khmer Đỏ ở thủ đô Campuchia, ngày 1/11/2010

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã ủng hộ văn phòng đặc trách nhân quyền của Liên hiệp quốc ở Kampuchea và cũng đề cập đến vấn đề về món nợ của Kampuchea đối với Hoa Kỳ. Từ Phnom Penh, thông tín viên VOA Robert Carmichael gửi về bài tường thuật sau đây.

Chính phủ Kampuchea muốn Liên hiệp quốc (LHQ) đóng cửa văn phòng về nhân quyền ở Phnom Penh.

Trong một chuyến thăm thủ đô Kampuchea, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton bênh vực văn phòng nhân quyền của Liên hiệp quốc, và gọi đó là một “nguồn lực đáng quý.”

Bà Clinton nói: “Văn phòng cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật cho chính phủ. Văn phòng cũng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ NGO đang hoạt động ở Kampuchea – cả NGO của Kampuchea lẫn NGO quốc tế về nhiều vấn đề trong đó có nhân quyền, buôn bán người và pháp trị. Vì thế văn phòng Cao Uỷ Liên hiệp quốc hoạt động tích cực trong những đường lối mà chúng tôi cho là bổ sung rất nhiều cho những gì chính phủ Kampuchea có cam kết thực hiện, và chúng tôi nghĩ rằng công tác đó rất quan trọng và chúng tôi muốn nhìn thấy nó được tiếp tục.

Trong khi ủng hộ công tác của tòa án do Liên hiệp quốc bảo trợ trong việc truy tố các thủ lãnh Khmer Đỏ, bà Clinton nói ưu tiên tức khắc của bà là bảo đảm có đủ tiền để tài trợ cho vụ xử thứ hai. Vụ này mà bị cáo là 4 thủ lãnh Khmer Đỏ, sẽ bắt đầu vào năm tới, và bà ước tính sẽ tốn kém tới 50 triệu đôla để hoàn tất.

Nhưng chính phủ Kampuchea đã từng nói họ muốn toà án đóng cửa sau vụ xử này và không theo đuổi thêm các vụ khác nữa.

Bà Clinton nêu ra những mối quan ngại của chính phủ về tình trạng bất ổn chính trị nếu tòa án xử thêm những vụ khác nữa, một mối quan ngại mà nhiều tổ chức nhân quyền khác không chia sẻ.

Bà Clinton nói tiếp: “Đó là điều mà chúng ta trong cộng đồng quốc tế nên tham khảo chặt chẽ với chính phủ Kampuchea. Nhưng mục đầu tiên trong những việc phải làm là đưa nhân vật số 2 ra toà. Và tôi muốn thấy sự kiện này diễn ra càng sớm càng hay. Vì thế tôi sẽ đích thân tiếp xúc để giúp gây ngân quỹ hoàn tất việc đó.”

Bà Clinton cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng cứu xét các phương án khác nhau có liên quan đến ngân khoản 445 triệu đôla mà Kampuchea còn thiếu của Hoa Kỳ từ thời thập niên 1970.

Khoản nợ này phát xuất từ việc Hoa Kỳ ủng hộ cho chính phủ Lon Nol, là chính phủ cai trị Kampuchea từ năm 1970 đến năm 1975 trước khi đất nứơc rơi vào tay Khmer Đỏ.

Phnom Penh nói món nợ này phải được hủy bỏ. Nhưng các cuộc đàm phán về việc giải quyết khoản nợ chưa được tổ chức từ năm 2006.

Bà Clinton nói: “Chúng tôi đã đồng ý rằng Hoa Kỳ sẽ gửi một toán chuyên gia ngay khi có thể được để nối lại các cuộc thảo luận về các phương sách giải quyết khoản nợ. Các cuộc thảo luận đã chấm dứt vào năm 2006. Chúng tôi rất muốn nhìn thấy vấn đề này được giải quyết.”

Tuy nhiên, bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ muốn nhìn thấy khoản tiền được chi ra ở Kampuchea vào việc cải thiện giáo dục hay bảo vệ môi trường thay vì nhận một khoản hoàn trả trực tiếp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG