Thứ trưởng Ngoại giao Thôi Thiên Khải nói với hơn 100 nhà ngoại giao nước ngoài ở Bắc Kinh rằng quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là điều tốt cho cả hai nước và tốt cho phần còn lại của thế giới.
Ông nói năm ngoái, thế giới đã chú ý quá nhiều đến “nhưng tin xấu trong mối quan hệ song phương.” Ông nói sự kiện này dẫn đến những thắc mắc liệu Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể đi cái mà ông mô tả là “đường hướng hợp tác” hay không.
Ông Thôi Thiên Khải nói rằng câu trả lời cho thắc mắc đó phải là một chữ “có” rõ ràng và nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ không có chọn lựa nào khác hơn là hợp tác.
Bên lề cùng cuộc họp đó, ông Vương Tập Tứ, khoa trưởng trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Bắc Kinh, mô tả đó là một quan hệ công tác thực tiễn.
Ông Vương nói rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không thể được xem xét về mặt hữu nghị hay thù nghịch, mà là một vấn đề lợi ích chung. Ông nói hai nước có chung những quyền lợi về mậu dịch và thương mại, và các quyền lợi trên thế giới, vì thế không nên để cho những tranh chấp che mờ hợp tác.
Thứ Ba tuần tới, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào lên đường đến Washington thực hiện chuyến công du. Ở đó, ông dự trù sẽ thảo luận phần lớn trong những yếu tố gây khó chịu trong bang giao của Trung Quốc với Hoa Kỳ.
Một học giả khác, ông Đào văn Chiêu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng một trong các vấn đề quan trọng nhất trong mối bang giao là Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của họ.
Ông Đào nói rằng Đài Loan vẫn còn là một vấn đề “lớn” – theo nguyên văn lời ông. Ông nói trong quá khứ, Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một vấn đề nhậy cảm nhất trong bang giao Trung-Mỹ.
Trung Quốc đã không từ bỏ việc sử dụng vũ lực để tái thống nhất Đài Loan nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, và đã bố trí hàng trăm phi đạn hướng vào hòn đảo. Washington đã thề quyết giúp Đài Loan tự vệ, và nhiều lần làm cho Bắc Kinh phẫn nộ qua việc bán vũ khí cho hòn đảo này.
Trong các vấn đề gây tranh cãi khác có vấn đề nhân quyền, và nhiều nhà phê bình nói rằng Trung Quốc vi phạm nhân quyền qua việc trấn át giới bất đồng và tự do phát biểu.
Trước đây trong tuần, ông Michael Green, tại Trung Tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược, đã nêu ra rằng Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp đón người lãnh đạo một nước đang cầm tù khôi nguyên giải Nobel hòa bình, nhân vật bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba.
Ông Green nói: “Vì thế, ít nhất đó cũng là một sự trùng hợp cực kỳ lúng túng, và chính quyền đang gắng hết sức để đối phó.”
Một trong các vấn đề chính giữa hai nước sẽ là tình trạng mất quân bình mậu dịch to lớn, theo đó phần lợi nghiêng về Trung Quốc lên tới hàng tỷ đôla.
Ông Charles Freeman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược nói rằng các công ty Hoa Kỳ lo ngại về sự tiếp cận thị trường Trung Quốc. Nông nói người Mỹ hy vọng sẽ có những thỏa thuận thương mại lớn sau chuyến đi của chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Ông Freeman cho biết: “Và sự kiện này đã kéo dài cho đến ngày nay trong khi chỉ còn vài ngày trước khi diễn ra chuyến công du, và sẽ rất khó khăn để sắp xếp lại một trật tực quan trọng mà chính quyền có thể nêu ra và nói, Trung Quốc có nghĩa là thương mại, có nghĩa là công ăn việc làm - một cách tốt đẹp.”
Hợp tác Trung-Mỹ rộng lớn hơn về an ninh và các vấn đề phổ biến vũ khí cũng dự trù sẽ được đưa vào nghị trình thảo luận. Bắc Triều Tiên và Iran bị nghi là chế tạo vũ khí hạt nhân. Trong khi Bắc Kinh nói họ không muốn thấy vũ khí hạt nhân được phổ biến, thì họ lại cưỡng lại các nỗ lực của Hoa Kỳ muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt gắt gao hơn đối với Bình Nhưỡng và Tehran.
Trung Quốc nhấn mạnh với các nhà ngoại giao nước ngoài rằng họ coi quan hệ với Hoa Kỳ là nghiêm trọng và rằng hai nước sẽ hợp tác với nhau. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Stephanie Ho, một số chuyên gia phân tích chính trị mô tả mối quan hệ đó là trên bình diện công tác, nhưng không thân thiện quá mức.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1