Đường dẫn truy cập

CDC: Từ đây đến tháng 3, biến thể Covid có thể ‘lan tràn ở Mỹ’


Giai đoạn đầu triển khai vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ được cho là chậm chạp
Giai đoạn đầu triển khai vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ được cho là chậm chạp

Biến thể siêu lây nhiễm của virus corona được dự đoán sẽ là chủng bao trùm ở Mỹ vào tháng Ba trong khi một bác sĩnói với VOA rằng với tình hình dịch diễn biến khó lường như hiện nay thì khó mà biết được chừng nào Mỹ mới kiểm soát được Covid-19.

‘Chuẩn bị cho số ca tăng vọt’

Biến thể siêu lây nhiễm của virus corona phát xuất từ Anh có thể sẽ trở thành chủng virus bao trùm ở Mỹ cho đến tháng Ba sau khi lây lan nhanh vào đầu năm nay, theo một nghiên cứu vừa được công bố hôm 15/1 của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ, tức CDC, được Washington Post dẫn lại.

Các nhà nghiên cứu của CDC cũng kêu gọi hệ thống y tế quốc gia chuẩn bị cho sự tăng vọt về số ca nhiễm virus corona.

Cho đến nay, cả nước Mỹ phát hiện 76 trường hợp nhiễm biến thể Covid-19 từ Anh được đặt tên là B.1.1.7, theo dữ liệu CDC cập nhật hôm 13/1. Tuy nhiên, nhiều ca được phát hiện là ở những người không có tiền sử đi lại. Điều này cho thấy biến thể đang lan truyền trong cộng đồng mà không bị phát hiện.

Các chuyên gia y tế toàn cầu đã khẳng định rằng mặc dù biến thể mới ở Anh và một chủng tương tự được tìm thấy ở Nam Phi có khả năng lây lan nhanh hơn, nhưng chúng dường như không làm cho người bị nhiễm mắc bệnh nặng hơn hay làm tăng khả năng tử vong.

Tuy nhiên, việc có thêm nhiều ca nhiễm hơn cuối cùng có thể dẫn đến nhiều người phải nhập viện hơn trong lúc nướcMỹ đang đối phó với số lượng bệnh nhân Covid-19 cao kỷ lục trong các bệnh viện.

Nghiên cứu của CDC cho biết mặc dù mức độ phổ biến hiện tại của biến thể này ở Hoa Kỳ vẫn chưa được xác định, nhưng dựa trên phân tích của họ, nó được cho là ít hơn 0,5% số ca. Họ cho biết Mỹ vẫn chưa phát hiện biến thể được tìm thấy ở Nam Phi hoặc biến thể được xác định ở Nhật Bản.

Mô hình của CDC ước tính rằng biến thể có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với các chủng hiện có. Họ cũng ước tính có từ 10% đến 30% số người đã có miễn dịch từ lần nhiễm bệnh trước và 1 triệu liều vaccine sẽ được tiêm mỗi ngày bắt đầu từ tháng này.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng tốc độ lây lan như vậy có thể gia tăng áp lực cho các bệnh viện và có thể đòi hỏi thêm các biện pháp phòng dịch để ngăn chặn sự lây lan cho đến khi đủ số người được tiêm chủng. Tăng cường giám sát các virus đột biến kết hợp với việc tuân thủ chặt chẽ hơn các biện pháp phòng dịch, như đeo khẩu trang, rửa tay và giữ khoảng cách có thể giúp làm chậm sự lây lan của virus.

‘Cần làm mạnh tay hơn’

Những nơi bệnh lây lan mạnh cũng như những nơi đông dân có khả năng lây lan mạnh như bang California, New York cần phải thực hiện các biện pháp phòng dịch ‘quyết liệt hơn và triệt để hơn’ và ‘có thể phải bắt buộc người dân tuân theo,’ một bác sĩ gốc Việt hành nghề lâu năm ở bang Florida khuyến cáo.

Bác sĩ Đỗ Văn Hội nói “Có những nơi có thể sẽ phải đóng cửa toàn diện giống như hồi tháng 4, tháng 5.”

“Khó mà nói được vì nó biến chuyển quá nhiều đi, nhiều khi nó hết cái này nó lại chuyển qua cái khác, mình không thể nào nói trước được,” ông dự đoán tình hình dịch trong thời gian tới.

Dù Mỹ đã bắt đầu triển khai vaccine chống Covid từ một tháng nay, nhưng đang gặp những khó khăn về hậu cần như thiếu tủ đông ở nhiệt độ đủ thấp để trữ vaccine và còn phải cần thời gian để huấn luyện nhân viên chích vaccine.

Bên cạnh đó, đối với những ai đã được chích vaccine thì ‘phải chờ 2-3 tuần vaccine mới có hiệu nghiệm’. “Không phải chích ngừa xong là được miễn nhiễm ngay đâu. Trong thời gian chích ngừa xong cũng phải gìn giữ để khỏi bị lây bệnh,” vị bác sĩ này lưu ý.

Sau một thời gian phải chích thêm liều thứ hai nữa thì mới đạt miễn nhiễm trên 94% , do đó cần có thời gian để cho dịch bệnh lắng xuống.

‘Vaccine triển khai chậm chạp’

Sự lây lan nhanh chóng của các biến thể Covid đòi hỏi cần phải tiêm chủng cho nhiều người hơn để đạt được miễn dịch cộng đồng, theo các nhà nghiên cứu của CDC.

Miễn dịch cộng đồng là khi có đủ số dân có miễn dịch với một loại bệnh, hoặc là bằng con đường tiêm chủng hoặc bằng lây nhiễm tự nhiên. Khi nhiều người miễn dịch, chu trình lây nhiễm bị phá vỡ, làm cho sự lây lan của bệnh dừng hoặc chậm lại.

Mỹ đã khởi đầu chậm chạp trong chiến dịch tiêm chủng, và không đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 20 triệu người dânvào cuối năm ngoái. Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp hơn 31,1 triệu liều vacccine nhưng mới tiêm chủng 12,3 triệu liều trong số đó, theo dữ liệu của CDC.

Ngay cả khi đã có vaccine, biến chủng mới tiếp tục lây lan dù các loại thuốc đã chứng tỏ có công hiệu mạnh nhất để làm nó bớt lây lan ở những nơi mà bệnh đã thuyên giảm, cũng theo các nhà khoa học CDC.

“Những nỗ lực sớm có thể hạn chế sự lây lan của biến chủng B.1.1.7, chẳng hạn tuân thủ rộng rãi và nghiêm túc các chiến lược phòng dịch sẽ cho phép có nhiều thời gian hơn để tiếp tục tiêm chủng hầu đạt được cấp độ miễn nhiễm cao hơn trong cộng đồng,” nghiên cứu chỉ ra.

VOA Express

XS
SM
MD
LG