Đường dẫn truy cập

Các nhà hoạt động: Báo chí Việt Nam vẫn bị kiểm soát chặt chẽ


Sạp bán báo trên đường phố Hà Nội. Việt Nam tiếp tục nằm gần cuối bảng Tự do Báo chí Thế giới, ở hạng 175 như năm ngoái trên tổng số 180 quốc gia được khảo sát.
Sạp bán báo trên đường phố Hà Nội. Việt Nam tiếp tục nằm gần cuối bảng Tự do Báo chí Thế giới, ở hạng 175 như năm ngoái trên tổng số 180 quốc gia được khảo sát.

Nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới, 3/5, đài VOA đã phỏng vấn ông Huỳnh Ngọc Chênh và bà Phạm Đoan Trang, hai nhà hoạt động vì dân chủ nổi bật ở Việt Nam, về tình hình báo chí của đất nước. Cả hai nhà hoạt động đều khẳng định báo chí Việt Nam vẫn bị kiểm soát chặt chẽ và không có tự do. VOA cũng đã liên lạc với Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Việt Nam nhưng ông đã từ chối trả lời phỏng vấn qua điện thoại.

Hồi cuối tháng 4/2016, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp hạng Việt Nam ở vị trí 175 trên 180 về tự do báo chí, tức là gần cuối bảng. Cựu ký giả và blogger Huỳnh Ngọc Chênh không ngạc nhiên về thông tin này. Người từng đoạt Giải thưởng Quốc tế Công dân Mạng 2013 của RSF nói báo chí Việt Nam vẫn tiếp tục không có tự do, thậm chí nhà chức trách Việt Nam còn đang siết chặt thêm việc kiểm soát báo chí:

“Nói về tự do báo chí ở Việt Nam thì hoàn toàn không có tự do. Báo chí người ta vẫn hay nói đùa với nhau là báo chí Việt Nam chỉ có một tổng biên tập, đó là Ban Tuyên huấn Trung ương, trực thuộc đảng, định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo tất cả các tờ báo, các cơ quan truyền thông”.

Về phần mình, bà Phạm Đoan Trang, cũng từng là nhà báo rồi trở thành một blogger thúc đẩy tự do dân chủ, nói:

“Tôi nghĩ rằng tự do báo chí ở Việt Nam không có tiến bộ gì, còn lùi xuống thì cũng không hẳn.”

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh.

Chia sẻ nhận xét này của bà Trang, ông Chênh cũng nói tình hình báo chí Việt Nam “không có gì thay đổi” tuy đôi khi nhà chức trách tỏ ra nới lỏng như việc đưa tin về chống tham nhũng chẳng hạn.

“Từ 20 chục năm trở lại đây, báo chí dường như không có gì thay đổi. Mà có thể nói là còn siết chặt lại hơn trong cái chuyện làm báo. Tuy nhiên, tùy theo tình hình, tùy lúc thì người ta cũng thả lỏng, nới lỏng ra về vấn đề này, vấn đề khác, nhất là vấn đề chống tham nhũng, cũng cho báo chí rộng rãi hơn, không cần phải xin ý kiến về nhiều việc. Trừ những vấn đề chính trị còn phải chịu sự chỉ đạo, còn [viết về] chống tham nhũng có phần nào nới lỏng.”

Nói về tự do báo chí ở Việt Nam thì hoàn toàn không có tự do. Báo chí người ta vẫn hay nói đùa với nhau là báo chí Việt Nam chỉ có một tổng biên tập, đó là Ban Tuyên huấn Trung ương, trực thuộc đảng, định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo tất cả các tờ báo, các cơ quan truyền thông”.
Cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nói.

Tuy nhiên, ông Chênh nói thêm rằng đôi khi việc cho phép viết bài về chống tham nhũng là do mẫu thuẫn nội bộ trong giới cầm quyền.

“Cũng có khi cái chuyện chống tham nhũng là do những cơ quan quyền lực bên trên lợi dụng báo chí để chống phá lẫn nhau, đấu đá nội bộ, thì lúc đó báo chí có vẻ tương đối được tự do.”

Nhiều quốc gia coi tự do báo chính là điều giúp chính phủ mạnh lên vì báo chí chỉ ra những khiếm khuyết, nhược điểm trong các chính sách, trong sự vận hành của chính phủ để kịp thời khắc phục, điều chỉnh. Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều chính phủ nước ngoài và tổ chức quốc tế, Việt Nam có xếp hạng rất thấp về tự do báo chí. Lý giải về điều này, ông Huỳnh Ngọc Chênh nói:

“Đường lối của Việt Nam là đường lối Chủ nghĩa Xã hội. Trên cơ sở Chủ nghĩa Mác-Lê Nin có nhiều chuyện sai trái, và nếu để cho tự do báo chí, người ta sẽ vạch trần ra hết những sai trái đó, lòng dân sẽ bị lung lạc. Bởi vì độc đảng, toàn trị, kinh tế nhà nước quốc doanh làm chủ đạo… toàn bộ những cái đó đưa đến chuyện tham nhũng. Nếu để tự do báo chí, những chuyện đó bị vạch trần ra, thì không ai chấp nhận được bộ máy nhà nước cả, và không ái chấp nhận Chủ nghĩa Mác-Lê Nin.”

Đưa ra góc nhìn của mình, bà Phạm Đoan Trang nói:

“Tôi nghĩ rằng những người cầm quyền Việt Nam họ không ý thức được rằng họ cần phải có phản biện, cần phải có thông tin gì từ người dân, từ xã hội. Họ không hiểu rằng việc phản biện chính sách là điều tất yếu, rất cần thiết, là điều phải có".

Trong bối cảnh báo chí vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, hai nhà hoạt động cho rằng người dân nói chung, các nhà báo và các nhà hoạt động vẫn có những cách để tìm và đưa thông tin về đời sống mọi mặt của đất nước, đó là thông qua internet và mạng xã hội, dù vẫn có những hạn chế nhất định.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh nói: “Người dân có thể làm báo thông qua mạng. Người ta có thể viết blog, lên Facebook để chuyển tải ý kiến của họ. Nhưng hầu hết các blog có quan điểm trái chiều với đảng cộng sản đều bị chặn quyết liệt, như blog Ngọc Chênh của tôi bị chặn không thể vào được. Facebook thì được. Hiện nay Facebook rất mạnh.”

Blogger Phạm Đoan Trang.
Blogger Phạm Đoan Trang.

Blogger Phạm Đoan Trang cho biết: “Internet đã mang lại cho chúng ta sự tiến bộ, sự may mắn thì đúng hơn. Các nhà văn có thể xuất bản sách ở trên mạng. Nếu không được xuất bản trong nước thì xuất bản trên mạng hoặc ra nước ngoài. Các nhà báo thì tình hình khó khăn hơn một chút, bởi vì Ban Tuyên giáo cũng biết các nhà báo có thể đưa bài lên mạng, nên họ siết rất là chặt. Từ đâu xuất hiện tôi không biết nhưng có cái lệ là nếu các nhà báo không đăng được bài của mình trên báo chính thống thì cũng không được đăng lên Facebook, blog cá nhân. Nếu mà đăng sẽ ngay lập tức bị tòa soạn, Ban Tuyên giáo và cơ quan an ninh nhắc nhở, yêu cầu gỡ bài xuống. Đã có không ít trường hợp nhà báo bị trừng phạt vì viết bài trên blog hay trên Facebook.”

Nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh không quên cảnh báo Facebook cũng đang bị nhà chức trách Việt Nam đưa vào tầm ngắm và có thể bị “quản lý”.

“Người ta đang có dự định kiểm soát cả Facebook nữa. Ông Bộ trưởng Thông tin đã mấy lần phát biểu về chuyện cần kiểm soát Facebook.”

Ban Tuyên giáo biết các nhà báo có thể đưa bài lên mạng, nên họ siết rất là chặt. Từ đâu xuất hiện tôi không biết nhưng có cái lệ là nếu các nhà báo không đăng được bài của mình trên báo chính thống thì cũng không được đăng lên Facebook, blog cá nhân. Nếu mà đăng sẽ ngay lập tức bị tòa soạn, Ban Tuyên giáo và cơ quan an ninh nhắc nhở, yêu cầu gỡ bài xuống. Đã có không ít trường hợp nhà báo bị trừng phạt vì viết bài trên blog hay trên Facebook.”
Blogger Phạm Đoan Trang nói.

Khi được hỏi họ nhận định liệu trong tương lai gần Việt Nam sẽ có báo chí tư nhân hay không. Ông Chênh cho rằng chừng nào đảng cộng sản nắm quyền, sẽ không có báo chí tư nhân, trong khi bà Trang nhận xét đã có báo chí tư nhân không chính thức ở Việt Nam song sự tồn tại của họ không có ý nghĩa và tác động nhiều vì không được viết về chính trị.

Ông Chênh nói: “Đảng cộng sản còn cầm quyền thì không thể cho ra báo tư nhân được, bởi vì khi ra báo tư nhân rồi thì họ không thể kiểm soát được."

Trong khi bà Trang nhận xét: “Thực ra tình hình báo chí tư nhân ở Việt Nam đang là cái vùng xám. Nếu nói rằng không hề có, chưa hề có báo chí tư nhân thì cũng không phải. Cách đây chục năm tôi nghĩ báo chí tư nhân đã xuất hiện ở Việt Nam rồi, nhưng nó không được thừa nhận. Nó xuất hiện dưới dạng những công ty truyền thông, kiếm đâu một cái mũ, tức là cơ quan chủ quản nào đấy để sản xuất nội dung. Nếu nói là Việt Nam có báo chí tư nhân thì không đúng. Nó có rồi. Có điều họ chỉ được nói về các lĩnh vực phi chính trị, đặc biệt được khuyến khích nói về ăn chơi nhảy múa, hễ nói về chính trị thì không được. Tôi nghĩ rằng trong tương lai gần, vài năm nữa, tình trạng này vẫn còn. Tức là họ [nhà nước] cho tồn tại báo chí tư nhân, họ không thừa nhận, họ không đến mức là dẹp hết, đóng cửa.”

VOA đã cố gắng phỏng vấn các quan chức quản lý báo chí Việt Nam để rộng đường dư luận. Tuy nhiên, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, nói ông “đang họp” và “không trả lời phỏng vấn qua điện thoại”, còn điện thoại của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo, không có tín hiệu trả lời.

Truyền thông VN không đưa tin về các cuộc biểu tình vụ cá chết
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:29 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG