Đường dẫn truy cập

Tự do báo chí thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm


Biểu tình ủng hộ tự do báo chí gần trụ sở của một công ty truyền thông ở Istanbul.
Biểu tình ủng hộ tự do báo chí gần trụ sở của một công ty truyền thông ở Istanbul.

Một bản phúc trình mới cho biết tự do báo chí thế giới trong năm 2015 đã giảm tới mức thấp nhất trong hơn một thập niên. Tổ chức Freedom House ở Washington, chuyên cổ xuý cho tự do và dân chủ, cho biết trong bản phúc trình công bố ngày hôm nay rằng cứ 7 người trên thế giới thì chỉ có 1 người sinh sống tại những quốc gia mà sự an toàn của nhà báo được bảo đảm và giới truyền thông không bị nhà nước xâm phạm và gây sức ép. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường thuật.

Phúc trình cho biết tự do truyền thông thế giới đã sút giảm một cách đều đặn trong 12 năm qua. Bà Jennifer Dunham, một viên chức của tổ chức Freedom House, cho biết như sau về những lý do chính của tình trạng này.

"Một là mức độ bạo động nhắm vào các nhà báo đã gia tăng trên toàn thế giới trong những bối cảnh khác nhau. Và một lý do chính khác là mức độ phân cực hay bè phái đã gia tăng trong nhiều loại hình của môi trường truyền thông."

Những người làm chủ các cơ quan truyền thông có nhiều thế lực và các nhóm nổi dậy có vũ trang đang gây sức ép đòi các nhà báo phải theo bên này hoặc bên kia. Những chính phủ độc tài và những phần tử cực đoan không ngớt tìm cách trấn áp những hoạt động tường thuật độc lập. Những đề tài nguy hiểm nhất là tội phạm có tổ chức, tham nhũng, cưỡng chiếm đất đai, tôn giáo và tranh chấp chủ quyền.

Bà Jennifer Dunham cho biết tính mạng của nhà báo bị nguy hiểm khi họ tìm cách thu thập tin tức tại những khu vực có chiến tranh.

"Tại Syria và Iraq, chúng tôi thấy các phóng viên phải đối mặt với rủi ro bị thiệt mạng để tìm kiếm tin tức. Và như quí vị đã biết, Syria là nơi có số nhà báo bị thiệt mạng cao nhất trong năm 2015."

Tính mạng của các nhà báo cũng gặp nguy hiểm tại các quốc gia có nhiều hoạt động tội phạm như Mexico và một số nước trong vùng Trung Mỹ, nơi các chính quyền địa phương bị những băng đảng ma tuý mua chuộc.

Nhiều nước cũng giới hạn sự tiếp cận với các trang mạng có thể nói tới những sự việc không tốt đẹp về chính phủ của họ. Trung Quốc hiện nay là nước giam cầm ký giả nhiều nhất thế giới, và sự kiểm duyệt và giám sát của họ đã gia tăng đối với các đề tài kinh tế và những đề tài khác mà trước đây từng được xem là an toàn.

Bà Sarah Repucci, một chuyên gia về tự do báo chí của Freedom House, cho biết như sau về việc này.

"Có những sự cấm đoán của chính phủ đối với một số đề tài mà các nhà báo không muốn tuân theo và họ nhất quyết tường thuật cho bằng được. Họ cố gắng thực hiện những bài phóng sự điều tra về những đề tài cấm kỵ, như những vụ tham nhũng của những người quyền thế."

Một số quốc gia, như Liên bang Nga, không cho các nhà báo nước ngoài đến hoạt động tại những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của họ, ngõ hầu họ có thể trình bày sự việc theo hướng có lợi cho mình, chẳng hạn như sự can dự của Moscow ở miền đông Ukraine.

Phúc trình của Freedom House cho biết mặc dù có những mối nguy hiểm và những sự hăm doạ như vậy, các nhà báo trên thế giới vẫn tiếp tục không chịu để cho bị bịt miệng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG