Đường dẫn truy cập

Chính quyền quân nhân Thái Lan bị tố cáo đàn áp tự do báo chí


Ký giả Thái Lan Pravit Rojanaphruk đứng bên ngoài một căn cứ quân sự ở Bangkok, nơi ông bị triệu tập bởi chính quyền quân nhân hồi năm 2014.
Ký giả Thái Lan Pravit Rojanaphruk đứng bên ngoài một căn cứ quân sự ở Bangkok, nơi ông bị triệu tập bởi chính quyền quân nhân hồi năm 2014.

Nhà báo Pravit Rojanaphruk giờ này lẽ ra đã có mặt tại Helsinki theo lời mời của chính phủ Phần Lan để dự những buổi lễ mừng Ngày Tự do Báo chí Thế giới. Nhưng chính quyền quân nhân Thái Lan đã không cho ký giả kỳ cựu này ra khỏi nước để tham dự sự kiện do cơ quan văn hoá Liên Hiệp Quốc UNESCO đồng bảo trợ. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA tường thuật từ Bangkok.

Các giới chức của chính quyền quân nhân Thái Lan cho rằng ông Pravit, một ký giả kỳ cựu hiện làm việc cho trang mạng tin tức tiếng Anh Khaosod, đã không học được bài học sau hai lần bị tạm giam để thực hiện điều mà chính quyền gọi là “điều chỉnh thái độ.”

Đại tá Piyapong Klinpan, giám đốc trung tâm quan hệ công cộng của của Hội đồng Hoà bình và Trật tự Quốc gia, tên gọi chính thức của tập đoàn quân nhân cầm quyền, hôm nay xác nhận với đài VOA là ông Pravit bị cấm du hành tới Phần Lan. Nhưng người phát ngôn này cho biết ông “không có quyền nói rõ lý do.”

Ông Pravit cho hay ông được thông báo là chuyến đi của ông bị ngăn chận vì ông vẫn tiếp tục đăng tải những bài viết mà giới hữu trách mô tả là công kích những việc làm của chính quyền quân nhân.

Ông Pravit nói “Đây là một điều vô cùng ngược ngạo.”

Ông cho đài VOA biết rằng khi ông bị chính quyền quân nhân bắt giam cách nay gần 2 năm, ông bị buộc phải ký một tờ giấy cam kết, trong đó có cam kết là phải xin phép chính quyền trước khi ra nước ngoài.

Đại sứ Phần Lan tại Thái Lan, bà Kristi Westphalen, đưa ra một thông cáo nói rằng việc ông Pravit bị cấm tới dự sự kiện tại thủ đô nước bà là “hết sức đáng tiếc.”

Các giới chức Phần Lan nói ông Pravit được mời vì ông là người nổi tiếng về việc tranh đấu cho quyền tự do diễn đạt và tự do báo chí.

Các vị đại sứ của những nước thành viên Liên hiệp Châu Âu mới đây đã yêu cầu chính quyền quân nhân Thái Lan để cho dân chúng được tự do đi lại và bày tỏ ý kiến.

Trong một thông cáo chung, các nước Châu Âu bày tỏ hy vọng là Thái Lan, trong tư cách là một thành viên Liên Hiệp Quốc và một đối tác quốc tế quan trọng, “tuân hành các nghĩa vụ quốc tế của mình.”

Ông Pravit cho biết đối với những nhà báo hoạt động ở Thái Lan như ông, việc biết được lằn ranh mà vượt qua thì sẽ bị bắt là một việc khó khăn.

"Lằn ranh đó rất mơ hồ. Không ai biết được. Tôi nghĩ rằng chỉ có những người điều hành chính quyền quân nhân này mới biết mà thôi. Có lẽ quí vị sẽ biết quí vị đã vượt qua lằn ranh khi nào quí vị bị chính quyền quân nhân bắt giam mà không bị truy tố. Đó là điều đã xảy ra cho tôi hai lần."

Ông Pravit cho rằng sự đàn áp của chính quyền quân nhân hiện nay đối với những nhà báo phê phán họ tương đối ít khốc liệt.

"Chế độ quân nhân này khá khôn khéo trong việc đàn áp. Nhưng tôi mong rằng thế giới sẽ không quên là cho dù có khôn khéo tới đâu thì những gì đang xảy ra ở Thái Lan vẫn là một hình thức kiểm duyệt, không những chỉ đối với giới báo chí mà còn đối với những người dân muốn bày tỏ những ý kiến phê phán chính quyền quân nhân."

Một số các nhà báo Thái Lan tin rằng quân đội sẽ kiểm soát báo chí trong một thời gian dài, không giống như những gì đã xảy ra trong những lần đảo chánh trước đây, khi các tướng lãnh trao trả quyền hành cho phe dân sự một cách tương đối nhanh chóng.

Chủ biên tờ Khaosod Pravit Rojanaphruk trong cuộc phỏng vấn với đài VOA tại Bangkok, ngày 28/4/2016.
Chủ biên tờ Khaosod Pravit Rojanaphruk trong cuộc phỏng vấn với đài VOA tại Bangkok, ngày 28/4/2016.

Ông Pichai Chuensuksawadi, chủ biên tờ Bangkok Post, cho biết như sau.

"Bất kể là trực tiếp hay gián tiếp, quân đội luôn luôn nắm giữ một vai trò chính trị trong lịch sử Thái Lan từ nhiều thế kỷ, chứ không phải chỉ vài thập niên. Điều đó vẫn không thay đổi trên cơ bản, mà chỉ có thay đổi ở mức độ. Tôi không cho rằng như vậy là tốt. Tôi muốn có một chế độ minh bạch hơn, dân chủ hơn."

Áp lực đối với truyền thông Thái Lan cũng từng được sử dụng bởi các nhà lãnh đạo không thuộc phe quân nhân, kể cả chính quyền dân sự của Thủ tướng Thaksin Shinawatra, là người bị lật đổ trong cuộc đảo chánh năm 2006 và giờ đây bị chính quyền quân nhân xem là một tội phạm bị truy nã.

Ông Pichai của tờ Bangkok Post cho biết:

"Chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn với các chính phủ được bầu ra một cách dân chủ. Họ tìm cách gây sức ép lên chúng tôi thông qua khía cạnh thương mại."

Theo chương trình đã định, Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài ở Thái Lan sẽ tổ chức một cuộc hội thảo cho các nhà báo Thái Lan vào tối thứ ba này để thảo luận về cách thức ứng phó với những áp lực mà họ gặp phải trong lúc hành nghề dưới một chính quyền quân nhân.

Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài là một trong vài tổ chức ở Thái Lan đã tìm cách tiến hành những cuộc thảo luận công khai về các vấn đề quốc nội và khu vực kể từ khi xảy ra cuộc đảo chánh hồi tháng 5 năm 2014.

Tuy nhiên, vài sự kiện trước đây của Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài đã bị tập đoàn quân nhân ngăn chận.

Ông Nirmal Ghosh, Trưởng văn phòng Đông dương của tờ Straits Times của Singapore, nói “Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài luôn luôn tìm cách để trở thành một nơi diễn ra những cuộc thảo luận công khai, văn minh, có tính chất xây dựng về những vấn đề thời sự và những vấn đề quan trọng, và tự do báo chí là một vấn đề mà chúng tôi đặc biệt quan tâm.”

Ông Ghosh cho biết trong lúc Thái Lan bị tụt hạng trong bản xếp hạng tự do truyền thông toàn cầu, Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài nghĩ rằng nên mừng Ngày Tự do Báo chí Thế giới bằng cách học hỏi từ các đồng nghiệp Thái Lan về môi trường hoạt động của họ và “những sự hạn chế mà họ đang đối mặt, nếu có.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG