Đường dẫn truy cập

Các đội tuyển World Cup phải từ bỏ đeo băng ‘cầu vồng’ vốn nhắm làm bẽ mặt Qatar


Đội trưởng tuyển bóng đá Anh Harry Kane đeo băng 'cầu vồng' khi quỳ gối trước một trận đấu ở giải chung kết bóng đá châu Âu Euro 2020.
Đội trưởng tuyển bóng đá Anh Harry Kane đeo băng 'cầu vồng' khi quỳ gối trước một trận đấu ở giải chung kết bóng đá châu Âu Euro 2020.

Việc FIFA đe dọa trừng phạt các cầu thủ trên sân đã khiến các đội dự World Cup phải lùi bước hôm 21/11 và từ bỏ kế hoạch để đội trưởng của họ đeo chiếc băng được coi là nhằm phản đối thành tích nhân quyền của quốc gia đăng cai Qatar.

Chỉ vài giờ trước khi những cầu thủ đầu tiên đeo băng đội trưởng ủng hộ chiến dịch "One Love" (Một Tình yêu) chuẩn bị ra sân thi đấu, cơ quan quản lý môn bóng đá toàn cầu đã cảnh báo rằng họ sẽ ngay lập tức bị phạt thẻ vàng. Một cầu thủ nhận hai thẻ vàng liên tiếp sẽ bị đuổi ra khỏi trận đấu đó và cũng sẽ không được tham gia trận tiếp theo.

Điều này đã làm cho bảy đội bóng châu Âu phải thay đổi tính toán của họ, mà trước đó có thể họ chỉ dự kiến đơn thuần là bị phạt tiền. Việc đeo băng này là vi phạm các quy tắc của FIFA.

Đây là vụ tranh chấp mới nhất và có nguy cơ làm phủ bóng mây lên các trận đấu. Kể từ khi được trao quyền đăng cai World Cup vào năm 2010, quốc gia theo đạo Hồi bảo thủ Qatar đã phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích, bao gồm cả việc họ đối xử với công nhân và phụ nữ nhập cư bị trả lương thấp và sự đàn áp quyền tự do ngôn luận. Qatar đặc biệt bị chỉ trích vì tội hình sự hóa đồng tính luyến ái.

Quyết định này được đưa ra ba ngày sau khi việc bán bia tại các sân vận động bất ngờ bị cấm dưới áp lực của chính phủ Qatar và hai ngày sau khi chủ tịch FIFA Gianni Infantino đưa ra một tràng diễn văn đặc biệt bênh vực hồ sơ nhân quyền của nước chủ nhà.

Đội trưởng của bảy quốc gia châu Âu đã tuyên bố sẽ đeo băng đội trưởng mang biểu tượng hình trái tim, với logo màu sắc cầu vồng của chiến dịch “One Love”, nhằm thúc đẩy sự hòa nhập và đa dạng trong bóng đá và trong xã hội. Điều đó đặt ra viễn cảnh người xem trên toàn thế giới sẽ thấy một biểu tượng không đồng tình với nước chủ nhà và sự thách thức đối với FIFA trên cánh tay của các đội trưởng Harry Kane của Anh, Virgil van Dijk của Hà Lan và Gareth Bale của Xứ Wales vào ngày 21/11.

Nhưng cuối cùng, các đội cho biết họ không thể đánh đổi thành công của mình trên sân cỏ.

“Với tư cách là các liên đoàn quốc gia, chúng tôi không thể đặt các cầu thủ của mình vào vị trí mà họ có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt thể thao, bao gồm cả việc nhận thẻ phạt,” bảy liên đoàn bóng đá cho biết trong một tuyên bố chung, ý muốn nói đến việc các cầu thủ sẽ bị nhận thẻ vàng nếu đeo những chiếc băng này.

Các đội trưởng của Bỉ, Thụy Sĩ, Đức và Đan Mạch cũng đã cam kết sẽ đeo băng ‘cầu vồng’ trong những ngày tới.

“Ưu tiên số 1 của chúng tôi tại World Cup là giành chiến thắng trong các trận đấu,” liên đoàn bóng đá Hà Lan cho biết trong một tuyên bố riêng rẽ. "Vì vậy thì bạn không muốn đội trưởng của mình bắt đầu trận đấu với một thẻ vàng."

Nguy cơ nhận thẻ vàng thứ hai đặc biệt nguy hiểm trong một giải đấu mà các đội chỉ chơi ba trận trước khi vào vòng loại trực tiếp. Một cầu thủ nhận hai thẻ vàng sẽ bị đuổi khỏi sân trong phần còn lại của trận đấu và bị cấm thi đấu trận tiếp theo

Các liên đoàn bóng đá quốc gia và các hiệp hội người hâm mộ đã chỉ trích FIFA vì quyết định phạt các cầu thủ. Giám đốc điều hành liên đoàn bóng đá Đan Mạch, ông Jakob Jensen, nói với đài truyền hình Đan Mạch TV2 rằng tổ chức của ông "vô cùng thất vọng với FIFA," trong khi chủ tịch liên đoàn bóng đá Đức Bernd Neuendorf gọi việc cấm đoán này là "một đòn hạ cấp nữa."

“FIFA ngày hôm nay đã cấm đưa ra tuyên bố về sự đa dạng và nhân quyền – đó là những giá trị mà họ đã cam kết trong các quy chế riêng của mình”, ông Neuendorf nói với các phóng viên tại Qatar. “Theo quan điểm của chúng tôi, đây là sự kiện khiến nản lòng hơn cả và cũng là một sự việc chưa từng có trong lịch sử World Cup.”

Liên đoàn cầu thủ toàn cầu FIFPRO gọi động thái của FIFA là “đáng thất vọng”.

“Các cầu thủ phải có quyền bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với nhân quyền trong và ngoài sân cỏ và chúng tôi sẽ ủng hộ bất kỳ ai trong số họ sử dụng nền tảng của riêng họ để làm như vậy,” liên đoàn cho biết. “Chúng tôi bảo lưu ý kiến rằng lá cờ cầu vồng không phải là một tuyên bố chính trị mà là sự tán thành quyền bình đẳng và do đó là một quyền phổ quát của con người”.

Hiệp hội những người ủng hộ bóng đá Anh (FSA) cho biết họ cảm thấy bị FIFA phản bội.

“Hôm nay, chúng tôi cảm thấy khinh thường một tổ chức đã thể hiện đúng giá trị của mình bằng cách giơ thẻ vàng ra cho các cầu thủ và giơ thẻ đỏ ra cho sự dung thứ,” FSA cho biết.

Liên đoàn bóng đá Bỉ bày tỏ sự thất vọng rằng FIFA đã không hành động sớm hơn để giải quyết một vấn đề đã bắt đầu từ hai tháng trước, mà thay vào đó chỉ đưa ra quyết định ngay trước khi ba đội bước vào trận đấu buổi sáng ngày 21/11. Liên đoàn Bỉ nói rằng các nước châu Âu “đã nhiều lần cố gắng tránh làm leo thang sáng kiến này ... nhưng chúng tôi đã không nhận được phản ứng nào".

Ông Gurchaten Sandhu của Hiệp hội quốc tế về Đồng tính, Song tính, Chuyển giới và Liên giới tính (ILGA) có trụ sở tại Geneva, nói rằng FIFA đã đặt "các cầu thủ vào một vị trí rất, rất khó xử".

“Bạn đã trói tay các đội tuyển quốc gia lại. Mà họ ở đó là để thi đấu,” ông Sandhu nói.

Ông cũng chỉ trích bài phát biểu của ông Infantino hôm 19/11, trong đó chủ tịch FIFA bênh vực Qatar và rao giảng cho những người châu Âu lên tiếng chỉ trích hồ sơ nhân quyền của tiểu vương quốc này. Trong bài phát biểu đó, ông Infantino nói: “Hôm nay tôi cảm nhận được Qatar. Hôm nay tôi cảm nhận được Ả Rập. Hôm nay tôi cảm nhận được châu Phi. Hôm nay tôi cảm nhận được sự đồng tính. Hôm nay tôi cảm nhận được sự tàn tật. Hôm nay tôi cảm nhận được một người lao động nhập cư”.

Ông Sandhu bóc mẽ sự lựa chọn từ ngữ của ông Infantino, và nói rằng: “Bạn không cảm nhận được sự đồng tính. Bạn mới là đồng tính."

Không rõ liệu chính phủ chuyên quyền của Qatar có ảnh hưởng gì, nếu có, đối với quyết định cấm các đội trưởng đeo băng ‘cầu vồng’. Chính phủ và Ủy ban Tối cao về Tổ chức và Di sản của Qatar, cơ quan giám sát giải đấu World Cup năm nay, đã không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của AP.

Kế hoạch đeo băng ‘cầu vồng’ của các đội châu Âu đã vi phạm các quy định của World Cup và các quy tắc chung của FIFA về trang thiết bị của đội tại các trận đấu của tổ chức này.

“Đối với các trận đấu chung kết của FIFA, đội trưởng của mỗi đội phải đeo băng đội trưởng do FIFA cung cấp,” quy định về trang thiết bị của tổ chức này nêu rõ.

Cơ quan bóng đá này hôm 19/11 công bố một đề xuất, trong đó các đội trưởng của các đội đeo băng với các khẩu hiệu chung chung nói về ý thức xã hội. Theo sáng kiến này, những chiếc băng đội trưởng có ghi “Không phân biệt đối xử” – khẩu hiệu duy nhất được chọn phù hợp với mong muốn của các đội bóng châu Âu – sẽ chỉ xuất hiện ở vòng tứ kết.

Hôm 21/11, cơ quan này đưa ra một thỏa hiệp, nói rằng đội trưởng của tất cả 32 đội bóng “sẽ có cơ hội" đeo chiếc băng với khẩu hiệu "Không phân biệt đối xử" trong các tất cả các trận ở vòng đấu bảng.

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG