Đường dẫn truy cập

Cố Tổng thống Bush - ‘người bạn lâu năm’ của Trung Quốc


Hai vợ chồng ông George Herbert Walker Bush và Barbara Bush trong giai đoạn ông Bush làm trưởng văn phòng liên lạc của Mỹ tại Trung Quốc
Hai vợ chồng ông George Herbert Walker Bush và Barbara Bush trong giai đoạn ông Bush làm trưởng văn phòng liên lạc của Mỹ tại Trung Quốc

Tổng thống thứ 41 của Mỹ George H.W. Bush, người vừa qua đời hôm 30/6 ở tuổi 94, sẽ được Bắc Kinh nhớ đến như là ‘một người bạn lâu năm thân thiết của Trung Quốc’ và người giúp cho quan hệ Mỹ-Trung không đi trật đường ray trong những năm ông nắm quyền, các tờ báo Mỹ và Hong Kong nhận định.

Mặc dù chỉ làm chủ Nhà Trắng trong một nhiệm kỳ nhưng ông Bush cha đóng vai trò trụ cột trong việc định hình chính sách của Washington đối với Trung Quốc trong hàng chục năm và cho đến nay vẫn là một trong những người Mỹ được biết đến nhiều nhất ở Trung Quốc, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) nhận định.

Ông Tập đau buồn

Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị G-20 ở Argentina, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi vai trò của ông Bush cha trong việc giúp cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, Đài CNN đưa tin.

Theo đó, ông Tập được dẫn lời nói rằng ông ‘rất đau buồn’ trước sự ra đi của ông Bush và gọi ông là ‘người có đóng góp quan trọng đối với quan hệ và tình hữu nghị Trung-Mỹ trong cuộc đời của ông’.

Ông Tập cũng bày tỏ sự cảm thông đối với gia đình Bush và nhờ ông Trump chuyển lời chia buồn.

“Không nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh xem ông Bush cha là người bạn tốt nhất mà họ từng có trong Nhà Trắng,” ông Jeffrey Engel, giám đốc Trung tâm Lịch sử Tổng thống tại Đại học Southern Methodist, được CNN dẫn lời nói.

Vốn là cựu chiến binh chiến đấu trong Đệ nhị Thế chiến, ông George H. W. Bush, cũng như những cựu tổng thống khác như Richard Nixon và Ronald Reagan, đã nhận thấy tầm quan trọng về địa chính trị của Trung Quốc.

Theo CNN và cả SCMP thì ông Bush cha được nhớ đến nhiều nhất ở Trung Quốc là trong vai trò đại sứ trên thực tế của Mỹ ở Bắc Kinh trong thời gian 14 tháng vào những năm 1970 và những nỗ lực của ông lèo lái mối quan hệ giữa hai nước sau vụ thảm sát đẫm máu ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6 năm 1989. CNN cho rằng khoảng thời gian ông Bush ở Trung Quốc này đã định hình quyết sách đối ngoại của ông đối với Trung Quốc sau này.

Mặc dù ở Mỹ không phải ai cũng ủng hộ ông, nhưng ở Trung Quốc, ông Bush cha nhận được sự tôn kính sâu sắc như là ‘một người bạn lâu năm’.

Theo các chuyên gia ngọai giao, danh xưng ‘người bạn lâu năm này’ thường chỉ được Trung Quốc dùng để gọi những nhà lãnh đạo cộng sản khác hay những nhà lãnh đạo có cảm tình với Trung Quốc cộng sản hay một số ít những nhân vật tai to mặt lớn khác chẳng hạn như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế vốn có đóng góp quan trọng đối với quan hệ đầy sóng gió giữa Bắc Kinh với thế giới bên ngoài.

Tờ SCMP cho rằng di sản của ông Bush ở Trung Quốc tương phản hoàn toàn với cách tiếp cận của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, người xem nhẹ sự hợp tác đa phương dựa trên đồng thuận và có lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh về thương mại khiến cho quan hệ song phương xuống đến mức thấp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách nay 40 năm.

Sự ra đi của ông Bush vào đêm trước diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh rất được mong chờ giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina là ‘mất mát to lớn’ đối với những ai tin vào sự can dự và quan hệ hữu nghị giữa hai nước, ông Đào Văn Chiêu, giám đốc Viện Nghiên cứu về Mỹ của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, được SCMP dẫn lời nói.

“Ông Bush sẽ được mọi người nhớ đến như một nhà lãnh đạo mà tầm nhìn và lòng tin vào mối quan hệ Trung-Mỹ mạnh mẽ của ông đã giúp quan hệ giữa hai nước không bị chệch đường ray, nhất là trong những thời khắc thử thách đầy khó khăn (như vụ thảm sát ở Thiên An Môn),” ông Đào nhận định. “Chúng tôi thật sự mong rằng các quan chức và nhân dân Mỹ có thể ngẫm nghĩ về di sản của Tổng thống Bush cha và học những bài học từ quan hệ giữa chúng ta trong những năm qua.”

Ông Bàng Trung Anh, một học giả về quan hệ quốc tế khác của Trung Quốc, cũng đánh giá cao ông Bush và gọi ông là một nhân vật ngoại giao then chốt trong giai đoạn bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

“Ông ấy đã để lại dấu ấn lâu dài trong quan hệ Mỹ-Trung với công lao to lớn trong việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn từ đầu những năm 1970,” ông nói.

Thời gian ở Bắc Kinh

Vợ chồng ông Bush đến thăm bệnh nhi bị hở hàm ếch ở một bệnh viện ở Bắc Kinh năm 2000
Vợ chồng ông Bush đến thăm bệnh nhi bị hở hàm ếch ở một bệnh viện ở Bắc Kinh năm 2000

Được giao nhiệm vụ phá băng với Bắc Kinh sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Richard Nixon vào năm 1972, ông Bush đã trở thành người đứng đầu văn phòng liên lạc của Mỹ ở Bắc Kinh trong hai năm 1974 và 1975. Trong thời gian đó, ông đã xây dựng mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao Trung Quốc, trong đó có Mao Trạch Đông và cả nhà lãnh đạo tối cao sau này Đặng Tiểu Bình.

Ông trở thành người thứ hai giữ cương vị này trong giai đoạn Trung Quốc vẫn chưa bước ra hoàn toàn sau nhiều thập niên tự cô lập với thế giới bên ngoài.

“Ông ấy nghĩ rằng tương lai thế giới là ở châu Á và ở Trung Quốc,” ông Engel được CNN dẫn lời nói về quyết định của ông Bush nhận sứ mạng này.

Ông Bush đến Bắc Kinh với ý định gặp gỡ ‘thế hệ các nhà lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc’, nhật ký của ông Bush ghi chép.

Thường được bắt gặp đạp xe ở Bắc Kinh cùng vợ là bà Barbara, ông Bush cha bị một số người, trong đó có cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, phê phán là quá ‘mềm yếu’ trong việc thực hiện ngoại giao sức mạnh.

Nhưng cho đến khi ông rời đi vào năm 1975 để đảm nhận vai trò giám đốc CIA dưới chính quyền của Tổng thống Gerald Ford, ông Bush đã có ‘hiểu biết đặc biệt về chính quyền Trung Quốc,’ ông Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung của Asia Society, nói với CNN. “Ông ấy đã hình thành sự gắn kết với Trung Quốc.”

Tuy nhiên, sự tin cậy và mối quan hệ cá nhân mà ông đã bỏ công xây dựng trong nhiều năm với giới lãnh đạo Trung Quốc đã trở nên vô giá trong quan hệ giữa hai nước, tờ SCMP nhận định.

Là cấp phó của Tổng thống Ronald Reagan, ông Bush được giao nhiệm vụ đến Bắc Kinh trong hai lần để xử lý những vấn đề trở ngại trong quan hệ hai nước là Đài Loan.

Theo ông Đào, chuyến công du Trung Quốc vào năm 1982 của ông có tầm quan trọng đặc biệt vì lúc đó các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng về một thông cáo chung lịch sử giữa Washington và Bắc Kinh về việc bán vũ khí cho Đài Loan gần như bị bế tắc.

“Măc dù nhiều chi tiết đàm phán vẫn không rõ, cuộc gặp của ông Bush với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và nhất là với ông Đặng Tiểu Bình, đã đem lại kết quả và dọn đường cho việc ký kết cuối cùng Thông cáo 17/8,” ông nói. Thông cáo đó là một trong những hòn đá tảng trong quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung.

Sự kiện Thiên An Môn

Chỉ một tháng sau khi nhậm chức tổng thống, ông Bush đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 2 năm 1989. Chuyến thăm đó cho thấy ông đánh giá cao tầm quan trọng của quan hệ Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, không lâu sau khi ông Bush nhậm chức tổng thống vụ thảm sát Thiên An Môn đã xảy ra vào năm 1989. Đó là khoảnh khắc đơn lẻ khó khăn nhất trong quan hệ song phương kể từ Chiến tranh Triều Tiên, ông Engel nhận định.

Sự kiện Thiên An Môn đã khiến cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Chính quyền Bush mặc dù đã ngay lập tức áp đặt lệnh cấm vận đối với Trung Quốc, trong đó có tạm dừng bán vũ khí và trao đổi quân sự với Trung Quốc nhưng trong hậu trường ông Bush lại quyết định tìm cách tiếp cận ông Đặng Tiểu Bình để bình ổn mối quan hệ giữa hai nước, một điều mà Chính phủ Trung Quốc không bao giờ quên, theo CNN.

Vài tháng sau khi xảy ra vụ Thiên An Môn hồi tháng 6 năm 1989, ông cho phép cựu Tổng thống Nixon có chuyến thăm cá nhân đến Trung Quốc và điều Cố vấn An ninh Quốc gia Brent Scowcroft đến Bắc Kinh hai lần, trong đó có một lần đi theo sứ mạng bí mật trong tháng 7.

Đây là một trong những quyết định gây tranh cãi nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông và bị các thành viên Quốc hội chỉ trích nặng nề là ‘phủ phục trước Trung Quốc’. Tuy nhiên, ông Bush cha đã biện hộ cho sứ mạng ngoại giao bí mật đến Trung Quốc là có công dụng tìm kiếm sự thật.

Tài liệu được giải mật của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy ông Bush đã hy vọng ‘xử lý những sự kiện ngắn hạn một cách có thể đảm bảo tốt nhất mối quan hệ lành mạnh giữa hai nước về lâu dài’ – một chiến lược tuân theo nhận định của ông là Trung Quốc là một đất nước quá qaun trọng để có thể cô lập hoàn toàn.

“Quan hệ lâu nay giữa tôi với ông Đặng và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc khiến chúng tôi có thể đi qua khủng hoảng mà không làm chệch hướng quan hệ Mỹ-Trung,” ông Bush viết trong lời nói đầu trong nhật ký của ông về Trung Quốc hồi năm 2007.

“Ông Đặng Tiểu Bình không bao giờ quên rằng sau năm 1989, khi vận mệnh Trung Quốc đang xuống dốc và ông Đặng đang chống chọi với vết thương tự ông gây ra, ông Bush đã có hành động giải nguy,” ông Schell nói với CNN.

Còn ông Engel chỉ ra rằng hai năm sau khi Tổng thống Bush tìm kiếm sự đồng thuận tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho hành động quân sự chống lại Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, Bắc Kinh đã không sử dụng quyền phủ quyết của mình để bỏ phiếu chống.

Đón tiếp trọng thị

Ông Dương Khiết Trì, cựu Ngoại trưởng, cựu đại sứ Trung Quốc ở Mỹ và hiện là một trong những cố vấn cao cấp nhất của ông Tập về các vấn đề trong quan hệ với Mỹ, được biết đến là một người bạn của gia đình Bush và được ông Bush cha đặt biệt danh nổi tiếng là ‘Hổ Dương’.

Hai ông có mối quan hệ cá nhân từ năm 1977 ông Dương, lúc đó còn là phiên dịch viên cấp thấp, tháp tùng ông Bush trong một chuyến đi đến Tây Tạng.

Ông Bush cha đã có hàng chục chuyến viếng thăm Trung Quốc sau khi ông rời khỏi Nhà Trắng.

Đỉnh cao trong mối quan hệ của ông với Trung Quốc là trong nhiệm kỳ của con trai ông, cựu Tổng thống George W. Bush.

Trong chuyến thăm vào năm 2006, ông Engel, lúc đó đi cùng ông Bush, kể với CNN rằng sự tiếp đón mà Trung Quốc dành cho vị cựu tổng thống Mỹ là ‘rất ấn tượng’.

“Ông ấy không được chào đón như cựu tổng thống, ông ấy được chào đón như tổng thống,” ông Engel kể. “Lúc đó ông ấy đã nói rằng không đâu trên thế giới đối xử ông với đầy sự tôn kính như ở Trung Quốc.”

Ông Engel thừa nhận rằng một phần của lễ đón tiếp long trọng đó là do con trai ông Bush lúc đó đang làm chủ Nhà Trắng. “Nhưng không có gì nghi ngờ họ đối xử với ông ấy như là một người bạn lớn của Trung Quốc,” ông nhận định.

Một trong những chuyến thăm cuối cùng của ông Bush đến Trung Quốc là đến dự Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. Khi đó, Chủ tịch Trung Quốc ông Hồ Cẩm Đào đã trải thảm đỏ đón gia đình ông Bush.

“Ông Hồ đã mời hơn 30 thành viên của gia đình ông Bush, trong đó có George H. W. Bush và con trai ông, đến tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 và dự tiệc tối ở Trung Nam Hải (nơi ở và làm việc của các lãnh đạo cao nhất Trung Quốc),” ông Đào Văn Chiêu cho biết trên SCMP.

Khi đó, ông nói với tờ Washington Post trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi rằng Trung Quốc là một ‘người bạn’ và ‘người ủng hộ’ quan trọng của Hoa Kỳ.

Trong lời mở đầu cuốn nhật ký của ông về Trung Quốc hồi năm 2007, ông Bush viết: “Tôi yêu người dân Trung Quốc. Một trong những giấc mơ của tôi cho thế giới là hai kẻ khổng lồ hùng mạnh này sẽ tiếp tục hướng tới mối quan hệ và đối tác toàn diện vốn sẽ đem lại hòa bình và thịnh vượng cho mọi người ở khắp nơi.”

Tuy nhiên, ông Bàng Trung Anh nói rằng kỷ nguyên quan hệ nồng ấm giữa hai cựu thù ý thức hệ giờ đây đã không còn nữa và ông thất vọng khi thấy quan hệ giữa hai nước gần như bị đảo lộn.


VOA Express

XS
SM
MD
LG