Đường dẫn truy cập

Biden gửi thêm vũ khí cho Ukraine, NATO chuẩn bị chiến tranh lâu dài


Tổng thống Mỹ Joe Biden họp báo vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid, 30/6/2022.
Tổng thống Mỹ Joe Biden họp báo vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid, 30/6/2022.

Tổng thống Joe Biden ngày 30/6 loan báo Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm 800 triệu đô la vũ khí và viện trợ quân sự cho Ukraine, ca ngợi lòng dũng cảm của người dân Ukraine kể từ khi Nga xâm lược vào tháng Hai.

Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh NATO mà qua đó liên minh đồng ý cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập, ông Biden khẳng định Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đoàn kết trong việc chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Tôi không biết cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào, nhưng sẽ không kết thúc với việc Nga đánh bại Ukraine”, ông Biden nhấn mạnh trong một cuộc họp báo. “Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào Nga.”

Ông Biden có vẻ đang thúc giục đồng minh sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine dù hồi tháng 3 đã tuyên bố về khả năng chiến thắng. Ông nói thêm: “Chừng nào Ukraine còn cần, chúng tôi sẽ còn hỗ trợ họ.”

Loan báo về khoản viện trợ vũ khí mới sẽ thêm vào con số hơn 6,1 tỷ đô la mà Hoa Kỳ đã công bố kể từ khi lực lượng Nga tràn vào Ukraine hôm 24 tháng 2 và khiến châu Âu có một cuộc chiến toàn diện.

Các kế hoạch viện trợ mới, trong khi NATO định vị lại mình trên nền tảng Chiến tranh Lạnh với một lực lượng khổng lồ được xây dựng, được đưa ra khi phía Ukraine nhờ pháo Howitzer trợ cấp mà lấy lại tiền đồn chiến lược ở Đảo Rắn.

Ông Biden trước đó đã cam kết bổ sung thêm quân, máy bay chiến đấu và tàu chiến của Mỹ cho châu Âu trong khi NATO đồng ý tăng cường các biện pháp răn đe, đặt hơn 300.000 binh sĩ trong tình trạng báo động cao từ giữa năm tới.

“Hoa Kỳ đang làm đúng những gì tôi từng tuyên bố chúng tôi sẽ làm nếu Nga xâm lược: nâng cao vị thế của chúng tôi ở châu Âu”, ông Biden nói. “Hoa Kỳ đang tập hợp thế giới để sát cánh cùng với Ukraine.”

Nga trả đũa?

Thủ tướng Anh Boris Johnson loan báo London sẽ cung cấp thêm 1,22 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp sẽ sớm cung cấp thêm 6 khẩu pháo CAESAR.

Sự đóng góp của Anh bao gồm các hệ thống phòng không và thiết bị chiến tranh điện tử mới, đưa mức viện trợ lên gần 2,8 tỷ đô la kể từ khi Moscow xâm lược, một khoản tài chính mà chính phủ Anh cho biết chỉ đứng sau viện trợ của Mỹ.

Ông Johnson nói, ông Putin dường như chưa sẵn sàng rút lui hoặc đàm phán các điều khoản của một thỏa thuận hòa bình.

Trong một chuyển biến lớn nhất về an ninh châu Âu trong nhiều thập niên, Phần Lan và Thụy Điển sẽ ký nghị định thư gia nhập chính thức vào ngày 5/7 để gia nhập NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, mặc dù việc phê chuẩn của quốc hội 30 nước thành viên có thể mất một năm.

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nói trong một cuộc họp báo vào cuối hội nghị rằng hai nước Bắc Âu này trước tiên phải giữ lời hứa đã thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ vì nhờ có thoả thuận đó Thổ Nhĩ Kỳ mới thôi phủ quyết nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan, Thuỵ Điển.

Erdogan nói Thụy Điển đã hứa dẫn độ 73 cá nhân mà ông mô tả là khủng bố.

“Đầu tiên, Thụy Điển và Phần Lan nên thực hiện các nhiệm vụ của họ và những nhiệm vụ đó đã có trong văn bản ... Nhưng nếu họ không làm vậy, tất nhiên việc phê chuẩn sẽ không được gửi tới quốc hội của chúng tôi”, ông Erdogan nói.

Ngày 29/6, ông Putin nói rằng Nga sẽ đáp trả tương tự nếu NATO triển khai quân đội hoặc cơ sở hạ tầng ở Phần Lan hoặc Thụy Điển.

Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, kêu gọi phương Tây phải sẵn sàng, đặc biệt là trong điều kiện các cuộc tấn công có thể xảy ra vào các mạng máy tính của Phần Lan, Thụy Điển và NATO. “Tất nhiên, chúng ta phải dự kiến một số bất ngờ từ ông Putin, nhưng tôi không tin là ông ấy tấn công trực tiếp Thụy Điển hoặc Phần Lan”, bà nói.

‘Tả xung hữu đột’

Trong khi hội nghị thượng đỉnh ba ngày bị chi phối bởi phản ứng của NATO đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nước chủ nhà Tây Ban Nha kêu gọi các đồng minh cân nhắc vai trò lớn hơn của liên minh ở Bắc Phi và Sahel.

NATO được thành lập vào năm 1949 để chống lại Liên Xô.

Các cường quốc phương Tây lo ngại về sự gia tăng bạo lực ở Mali, nơi quân đội cầm quyền của nước này, được hỗ trợ bởi tổ chức đánh thuê tư nhân của Nga Wagner Group, đang chiến đấu với một cuộc nổi dậy Hồi giáo tràn sang các nước láng giềng ở khu vực châu Phi được gọi là Sahel.

Pháp, quốc gia có chính sách quân sự từ lâu tập trung vào phía nam của NATO, vào tháng 2 cho biết họ sẽ rút 2.400 quân, sau khi quan hệ với chính quyền quân nhân trở nên khó khăn.

Theo sự thúc giục của Tây Ban Nha, với sự hỗ trợ từ Ý, tài liệu mới 10 năm của NATO, “khái niệm chiến lược”, coi khủng bố và di cư là các yếu tố cần theo dõi, và chỉ ra sườn phía nam là nguồn bất ổn tiềm tàng mới.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết khu vực này “là trung tâm của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.”

Ông nói: “Nếu mối đe dọa là hiện hữu và rất cụ thể, chúng ta có thể thấy sự tăng cường triển khai quân sự ở biên giới phía nam như chúng ta đang thấy ở phía đông.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG