Đường dẫn truy cập

Bỉ cảnh báo khả năng bị gián điệp Trung Quốc tiếp cận thông qua Alibaba


Trụ sở tập đoàn Alibaba ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Trụ sở tập đoàn Alibaba ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Chính quyền liên bang Bỉ quan ngại về khả năng gián điệp Trung Quốc tiếp cận thông tin “nhạy cảm” qua các dự án đầu tư trung tâm thương mại điện tử của tập đoàn Alibaba ở sân bay Liege, trung tâm vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không lớn nhất của nước này. Tuy nhiên, Bắc Kinh lên tiếng phản bác cáo buộc của Brussels.

Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Vincent Van Quickenborne phát biểu tại Quốc hội hôm 7/5 rằng luật pháp Trung Quốc buộc tất cả các công ty tư nhân - bao gồm cả Alibaba - phải hợp tác với cơ quan tình báo nhà nước. Ông quan ngại rằng các cơ quan tình báo Trung Quốc có thể tiếp cận “các khu vực nhạy cảm” của nhà ga hàng không tại trung tâm thương mại điện tử của tập đoàn bán lẻ qua mạng này của Trung Quốc ở sân bay Liege.

Trên thực tế, họ có thể có quyền truy cập vào các khu vực nhạy cảm và an toàn của sân bay hoặc tiếp cận vào dữ liệu thương mại và dữ liệu cá nhân do Alibaba nắm giữ.
Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Vincent Van Quickenborne.

“Các công ty như Alibaba được yêu cầu cung cấp các thông tin về việc kinh doanh này cho các điệp viên”, hãng tin AFP dẫn lời ông Van Quickenborne nói trước một ủy ban của Quốc hội.

Ông cảnh báo: “Trên thực tế, họ có thể có quyền truy cập vào các khu vực nhạy cảm và an toàn của sân bay hoặc tiếp cận vào dữ liệu thương mại và dữ liệu cá nhân do Alibaba nắm giữ.”

Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Vincent Van Quickenborne trả lời phỏng vấn báo chí ngày 4/2/2021 ở Brussels.
Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Vincent Van Quickenborne trả lời phỏng vấn báo chí ngày 4/2/2021 ở Brussels.

Ông Quickenborne đã tham khảo Luật Tình báo Quốc gia 2017 của Trung Quốc, trong đó quy định các công ty Trung Quốc phải cho phép chính quyền truy cập vào dữ liệu của họ, bất kể công ty đó có hoạt động ở nước ngoài hay không, theo trang Brussels Times.

Ông cũng nhắc đến Luật An ninh mạng năm 2016 ở Trung Quốc. Ông cho biết luật này cho phép đặc nhiệm tình báo Trung Quốc “sao chép dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu người dùng. Luật này áp dụng cho bất kỳ công ty nào cung cấp dịch vụ qua internet, bao gồm cả Alibaba.”

“Alibaba cũng phải tuân theo bộ máy an ninh của Trung Quốc và khi cần cơ quan an ninh có quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân và thương mại có khả năng nhạy cảm do Alibaba nắm giữ liên quan đến hoạt động của nó ở Liege,” ông Van Quickenborne nói thêm.

Bộ trưởng Tư pháp Bỉ tuyên bố, sân bay Liège có tầm quan trọng chiến lược quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi được Alibaba sử dụng làm trung tâm phân phối để vận chuyển hàng hóa khắp châu Âu. Ông nói với các nghị sĩ: “Mối quan ngại này không chỉ giới hạn trong các mục đích tình báo và an ninh mà có thể thấy trong khuôn khổ rộng lớn hơn ở khía cạnh kinh tế và chính trị.”

Ông Quickenborne cho biết, Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 10 năm ngoái đã yêu cầu các quốc gia thành viên kiểm tra các khoản đầu tư nước ngoài, vốn có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, tuy nhiên, chính phủ Bỉ cho đến nay không thực hiện bất kỳ biện pháp nào như vậy.

Từ Brussels, ông Nguyễn Hoàng Hải, một chủ doanh nghiệp gốc Việt kinh doanh phần mềm điện toán, chia sẻ với VOA về khả năng các hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở Bỉ.

“Về mặt kỹ thuật khi truy cập vào thông tin của Alibaba và biết được địa chỉ IP cùng các thông tin cá nhân của khách hàng, đội hacker của chính phủ Trung Quốc có thể tấn công rất dễ dàng với nhiều phương pháp khác nhau.

“Với tiềm năng về sức mạnh nhân sự và công nghệ, Trung Quốc có thể lấy đi thông tin về giao dịch trên Paypal và các phần mềm mua sắm khác. Họ có thể dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm thông tin nhạy cảm và có thể tống tiền khách hàng. Những thông tin cá nhân và các thông tin bí mật có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng để có lợi cho họ.”

FBI: Trung Quốc là mối đe dọa gián điệp nghiêm trọng nhất
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:41 0:00

Đại sứ quán Trung Quốc tại Bỉ hôm 8/5 bác bỏ những tuyên bố của Bộ trưởng Quickenborne và nói rằng Trung Quốc không hề “yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào các hoạt động vi phạm luật pháp hoặc quy định địa phương”. Đại sứ quán cho biết: “Trung Quốc không bao giờ đưa ra mối đe dọa đối với Bỉ”.

“Những bình luận như vậy sẽ gây hiểu lầm cho công chúng Bỉ cũng như gây ra tác động tiêu cực đến danh tiếng của các công ty Trung Quốc tại Bỉ ... Chúng tôi bày tỏ sự bất mãn và kiên quyết phản đối việc bôi nhọ như vậy bằng những cáo buộc bịa đặt,” trang Global Times của Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn tuyên bố cho biết.

Tuyên bố Đại sứ quán Trung Quốc cũng nói rằng thông lệ quốc tế phổ biến là bảo vệ an ninh quốc gia bằng các biện pháp pháp lý. “Thế giới bên ngoài nên hiểu Luật Tình báo Quốc gia một cách khách quan và thấu đáo, thay vì diễn giải nó ra khỏi ngữ cảnh”, tuyên bố cho biết thêm rằng một số người đã cố gắng sử dụng luật tình báo này như một cái cớ để đàn áp các công ty Trung Quốc, với mục đích không gì khác ngoài một phương pháp can thiệp vào thực tiễn kinh tế bằng các phương tiện chính trị.”

Dự án của Alibaba ở sân bay Liege được ký kết vào tháng 12/2018 với vốn đầu tư ban đầu 75 triệu euro (khoảng 85 triệu đôla), là trung tâm vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không ở châu Âu nằm trong mạng lưới trung tâm logistic toàn cầu của Alibaba, được gọi là Nền tảng Thương mại Thế giới điện tử (eWTP), theo Reuters.

Dự án này là một trong sáu trung tâm hậu cần toàn cầu của Alibaba, công ty bán hàng qua mạng của Trung Quốc hoạt động tương tự như công ty Amazon của Hoa Kỳ.

Ông Hải cho rằng gần đây các chính trị gia mới trúng cử ở Bỉ, đặc biệt là những người trẻ, đã nhận thức được sự “nguy hiểm” của gián điệp Trung Quốc và “không quá ngây thơ” như các chính trị gia trước đây. Ông Hải cho biết thêm:

“Vấn đề xâm nhập của các công ty Trung Quốc sang châu Âu là do sự lơ là mất cảnh giác của các quốc gia phương Tây.”

Theo điều trần của Bộ Trưởng Quickenborne tại Uỷ ban Tư pháp của Hạ viện được trang Breitbart đăng tải, nguy cơ về việc Trung Quốc cố tận dụng sức ép kinh tế của mình đối với các chính trị gia thông qua các dự án như Sân bay Liège “chắc chắn” là có tồn tại.

Ông cho rằng “không thể đánh giá thấp tầm quan trọng kinh tế trong tương lai của sân bay Liège đối với Trung Quốc”, đồng thời giải thích thêm rằng Bắc Kinh dự định xây thêm 215 sân bay mới vào năm 2035 để mở rộng phạm vi kinh tế toàn cầu.

Tại Việt Nam, từ năm 2019, Alibaba đã chính thức bước chân vào thị trường có dân số hơn 90 triệu người, trong động thái mở văn phòng đại diện, sau khi rót vốn gián tiếp thông qua công ty Lazada từ năm 2016.

Khi tiếp ông Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba, vào năm 2017 tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam khi ấy là Nguyễn Xuân Phúc nói rằng việc Alibaba có mặt ở Việt Nam là “tín hiệu đáng mừng đối với sự phát triển thương mại điện tử của Việt Nam và giao các bộ, ngành chức năng trao đổi, làm việc với Alibaba để hiện thực hóa các cơ hội hợp tác.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG