Đường dẫn truy cập

Xử lại nhân viên y tế Bahrain bị kết tội chữa trị cho người đối kháng


Các bác sĩ rời khỏi tòa án ở Manama, Bahrain sau phiên xử hôm 9/1/12, kháng án phán quyết của tòa án an ninh
Các bác sĩ rời khỏi tòa án ở Manama, Bahrain sau phiên xử hôm 9/1/12, kháng án phán quyết của tòa án an ninh

Tiến trình xét xử tại Bahrain đã bắt đầu xét lại vụ các bác sỹ và nhân viên y tế bị kết án tù sau khi chữa trị cho người biểu tình ủng hộ dân chủ bị thương trong một vụ đàn áp của chính quyền hồi năm ngoái. Trong khi đó một tòa án dân sự đã lật ngược bản án tử hình áp đặt cho hai người biểu tình bị kết tội giết hai cảnh sát viên trong vụ biểu tình xảy ra xô xát bạo động.

Trong tháng 9 năm ngoái một tòa án quân sự đã đưa ra những bản án cho 20 nhân viên y tế, tối đa đến 15 năm tù.

Nhưng theo sau một loạt những lời chỉ trích của quốc tế, Bộ trưởng tư pháp Bahrain đã lật ngược bản án và hạ lệnh xét xử lại những vụ án này trong tòa án dân sự.

Ngoài những cáo trạng xâm chiếm bệnh viện chính Salmaniya, một số nhân viên y tế còn bị buộc tội tàng trữ vũ khí, từ chối chữa trị cho những người ủng hộ chính phủ, lấy trộm các trang bị y tế và nói dối các cơ quan truyền thông. Các bị cáo đã bác bỏ những cáo trạng này.

Đảng al-Wefaq, đảng đối lập chính của Bahrain, vẫn là một trong những tổ chức lớn tiếng chỉ trích lề lối của chính phủ đối xử với những nhân viên y tế.

Phát ngôn viên Jasim Hussain của đảng này đoan quyết rằng nhóm các bác sỹ và nhân y tế đã bị trừng phạt chỉ vì đã giúp chữa trị cho những người biểu tình bị thương. Ông nói:

”Vụ án sai lầm ngay từ đầu. Những nhân viên y tế này cần phải được trả tự do và được bồi thường, trả lại việc làm cho họ trong bệnh viện để họ có thể phục vụ người dân.”

Những vụ biểu tình đã khởi sự tại Bahrain trong tháng Hai theo sau các cuộc nổi dậy ở Tunisia và Ai Cập. Những người biểu tình hầu hết là Hồi giáo Shia sinh sống tại vương quốc này. Họ nói là họ bị đối xử như các công dân hạng hai và không được hưởng những phúc lợi như thiểu số cầm quyền theo Hồi giáo Sunni.

Hầu hết những cuộc biểu tình lúc ban đầu diễn ra trong thủ đô Manama. Tuy nhiên sau khi các lực lượng an ninh tấn công càn quét nơi này, nhiều người biểu tình chạy sang đóng đô ở bệnh viện Salmaniya.

Nhà chức trách Bahrain nói các nhân viên y tế đã sử dụng Salmaniya làm “trung tâm đầu não” cho phong trào chống đối. Sau đó binh sỹ chính phủ được điều tới để chiếm đóng khu bệnh viện.

Kể từ tháng Ba, nhà chức trách tại quốc gia nhỏ bé trong vùng vịnh này đã bị tố cáo là đã truy nã và trừng phạt bất cứ ai tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Các đoàn thể bênh vực nhân quyền cho hay hàng ngàn người ủng hộ phe đối lập đã bị bắt giữ, và nhiều người trong số này nói là họ bị tra tấn trong lúc bị bắt. Hơn 50 người đã thiệt mạng kể từ khi những vụ biểu tình phản đối bắt đầu.

Theo Trung Tâm Bahrain Bênh Vực Nhân Quyền, hàng ngàn người, hầu hết là những công nhân viên Hồi giáo Shia thuộc cả khu vực công lẫn tư đã bị đuổi việc vì quan điểm chính trị của họ. Những người bị đuổi việc gồm cả một số những người chuyên nghiệp trong ngành y.

Bác sỹ Fatima Haji, một nhân viên tại bệnh viện Salmaniya trước đây đã bị truy tố ra tòa, lúc đầu bị khép án 5 năm tù. Bà cho biết hiện nay bà và các đồng nghiệp bị cấm hành nghề y, ngưng trả lương và cấm không được ra khỏi nước. Bà nói:

”Họ đàn áp chúng tôi ở một mức độ khác. Có những chíến dịch trên báo chí và đài truyền hình địa phương để bôi nhọ chúng tôi, vì vậy điều căn bản là họ truy đuổi chúng tôi, dồn chúng tôi vào bước đường cùng. Khi tôi nghĩ đến chuyện này, chúng tôi cảm thấy như sống trong địa ngục.”

Phúc trình của Uûy Ban Điều Tra Độc Lập của Bahrain BICI công bố vào tháng 11 cho biết “nhiều người bị bắt đã bị tra tấn và đã bị những hình thức hành hạ thể chất và tâm lý khác” sau khi bị câu lưu.

Ủy ban cũng tuyên bố không thấy có bằng chứng là những nhân viên y tế đã sở hữu vũ khí hay từ chối chữa trị cho các bệnh nhân người Hồi giáo Sunni.

Theo bác sỹ Haji, hiện vẫn chưa rõ phúc trình này có được ảnh hưởng gì tới các phiên tòa xử án hay không. Người ta cũng chưa rõ khi nào thì tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. Bà nói:

”Chúng tôi biết là chúng tôi vô tội, và chúng tôi chẳng làm gì sai trái. Chúng tôi yêu cầu được hưởng những quyền căn bản của chúng tôi. Nhân dân tại Bahrain đang đòi hỏi những nhân quyền căn bản của họ.”

Hôm thứ Hai chính phủ đã có đôi chút dấu hiệu mềm mỏng hơn khi một tòa dân sự lật ngược bản án tử hình nhắm vào hai người biểu tình bị kết án giết hai cảnh sát viên trong vụ bạo động.

Những bản án này lúc đầu đã được một tòa án an ninh đưa ra. Tòa an ninh đã được thiết lập theo luật khẩn cấp ban hành năm ngoái.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG