Đường dẫn truy cập

Người xin tị nạn ở Australia ngày càng bất mãn


Tòa nhà bị đốt cháy ở Trung tâm giam giữ Villawood tại Sydney, ngày 21/4/2011
Tòa nhà bị đốt cháy ở Trung tâm giam giữ Villawood tại Sydney, ngày 21/4/2011

Các tổ chức tị nạn nói rằng sự chậm trễ trong việc cứu xét đơn xin tị nạn tiếp tục gây ra tình trạng bất ổn tại các trung tâm tạm giữ di dân của Australia. Hồi đầu năm nay, chính phủ liên bang cho biết các cơ quan tình báo sẽ đẩy nhanh việc kiểm tra an ninh của những người xin tị nạn đang chờ được cấp quy chế chính thức. Tuy nhiên, hàng trăm người tị nạn vẫn còn bị tạm giữ trong khi chờ thông qua thủ tục an ninh. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật sau đây.

Hồi đầu năm nay, chính phủ Australia đã hứa rằng đơn của tất cả những người xin tị nạn được cấp quy chế chính thức sẽ được các cơ quan tình báo chung quyết vào cuối tháng 4.

Việc đó đã không xảy ra và tuy 70% các trường hợp bị chậm trễ nay đã được giải quyết, tình trạng này đã khiến khoảng 900 người bị tạm giữ vẫn còn bị kẹt trong những cơ sở di dân trong khi tiến hành thủ tục kiểm tra an ninh. Đa số những người này xuất phát từ Afghanistan, Sri Lanka và Iraq.

Các tổ chức tranh đấu cho người tị nạn nói rằng sự bất mãn của họ là nguyên do một phần đưa đến những vụ bạo động bên trong các trung tâm tạm giữ ở Australia trong mấy tuần vừa qua, kể cả trại ở Villawood trong vùng ngoại thành Sydney, nơi nhiều tòa nhà đã bị người biểu tình đốt phá.

Tuần trước, đã có hai mưu toan tự sát của những người bị giữ tại một cơ sở ở thành phố Darwin miền bắc, mà giới vận động nói là các trường hợp điển hình cho một hệ thống đang lâm vào cơn khủng hoảng.

Trong số những người còn bị tạm giữ mặc dầu đã được Australia cấp thị thực tị nạn có anh Hazara 17 tuổi từ Afghanistan.

Anh đã yêu cầu không tiết lộ căn cước và nói rằng mỗi ngày anh lại cảm thấy thất vọng hơn.

Anh này cho biết anh không muốn nhắc tới quãng đời đã qua vì nó làm cho anh ta đau buồn và phát điên. Anh nói anh đến Australia và nay đang cảm thấy nhớ nhà. Anh nói đêm nào anh cũng thấy những cơn ác mộng về người thân. Anh cho biết anh muốn học luật để sau này có thể giúp những người như chính mình.

Bộ Di trú Australia cho hay một số thủ tục kiểm tra an ninh mất nhiều thời gian hơn và những cuộc điều tra phải được tiến hành một cách tường tận. Các giới chức nói thường phải mất 2 tháng để hoàn thành thủ tục, gần gấp đối thời gian so với 2 năm trước đây.

Australia tự động tạm giữ phần lớn những người xin tị nạn trong khi đơn xin được cứu xét. Hệ thống tạm giữ bắt buộc này đã là một phần chủ yếu trong một chính sách về di trú của nước này từ hồi đầu thập niên 1990 và đã được cả hai đảng ủng hộ tại Quốc hội ở Canberra.

Một luồng liên tục người tị nạn đổ vào hải phận Australia bằng tầu thuyền đã khiến vấn đề bảo vệ biên giới được đưa lên hàng đầu nghị trình chính trị. Số người nhập cư bất hợp pháp gia tăng đã đè nặng lên hệ thống các trại tạm giữ, kể cả trại lớn nhất ở đảo Christmas, một lãnh địa hẻo lánh của Australia trong vùng Ấn Độ Dương. Tình trạng quá tải ở đó đã buộc chính phủ phải chuyển người bị tạm giữ vào đất liền.

Tuy nhiên, đa số người xin tị nạn yêu cầu được Australia bảo vệ thường đến nước này bằng đường hàng không.

Mỗi năm Australia cấp thị thực cho khoảng 13.000 người tị nạn trong khuôn khổ nhiều chương trình tái định cư nhân đạo khác nhau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG