Đường dẫn truy cập

Phe đối lập kêu gọi Tổng thống Pakistan từ chức


<!-- IMAGE -->

Tòa án tối cao Pakistan đã tuyên bố lệnh ân xá cho hơn 8,000 chính trị gia, công nhân viên chức và doanh gia bị cáo buộc các tội tham nhũng và sát nhân là bất hợp pháp. Tổng thống Asif Ali Zardari và một số vị phụ tá thân cận nằm trong số những người được hưởng lợi ích của bộ luật gây nhiều tranh cãi mà cựu tổng thống Pervez Musharraf đã đề xuất hồi tháng 10 năm 2007 trong mưu toan kéo dài thời gian cầm quyền. Từ Islamabad, thông tín viên VOA Ayaz Gul ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Tối cao pháp viện Pakistan đưa ra phán quyết đêm qua sau một tuần lễ cứu xét nhiều đơn khiếu tố chống lại sắc lệnh gây nhiều tranh cãi được biết dưới cái tên là Điều luật Hòa giải Dân tộc, còn gọi tắt là NRO.

Một ủy ban gồm 17 thẩm phán dưới sự lãnh đạo của Chánh thẩm Iftikhar Mohammed Chaudhry khi bãi bỏ bộ luật đã phán quyết rằng việc ban lệnh ân xá theo NRO là vi phạm hiến pháp quốc gia. Ủy ban cũng ra lệnh mở lại tất cả các vụ án tham nhũng và hình sự khác, kể cả những vụ còn chưa kết thúc chống lại Tổng thống Zardari.

Hệ thống tư pháp Pakistan lâu nay vẫn bị chỉ trích là đứng về phe tầng lớp được ưu đãi và có thế lực chính trị trong nước. Một ủng hộ viên kỳ cựu của những người khiếu tố là ông Hafiz Pirzada gọi phán quyết hôm thứ tư là một phán quyết có tính cách lịch sử và nói rằng phán quyết này chuyển đi một thông điệp vững chắc là không có ai đứng lên trên luật pháp ở Pakistan.

Ông Pirzada nói: “Phán quyết này có lợi cho quần chúng ở Pakistan, cho những người nghèo và bị chà đạp ở Pakistan, nơi mà tài sản quốc gia bị cưỡng đoạt bởi một số cá nhân.”

Phán quyết của Tối cao pháp viện đã đề ra triển vọng sẽ có xáo trộn chính trị tại Pakistan bởi lẽ nó mở đường cho sự kiện các vị phụ tá thân cận và đồng minh chính trị của Tổng thống Zardari có thể bị truy tố.

Các đối thủ chính trị lập tức kêu gọi tổng thống từ chức.

Nhưng khi nói chuyện với các phóng viên, người phát ngôn của Tổng thống, ông Farhatullah Babar nói rằng không có chuyện Tổng thống Zardari từ chức. Người phát ngôn này viện dẫn một điều khoản trong hiến pháp bảo vệ nguyên thủ quốc gia.

Ông Babar nói: “Điều khoản đó trong hiến pháp quy định rằng không thể thiết lập hay xúc tiến bất kỳ phiên tòa nào chống lại Tổng thống trong thời gian tại chức.”

Cựu lãnh đạo Pakistan thuộc giới quân đội, tướng Pervez Musharraf đã đề xuất lệnh ân xá cách đây 2 năm trong khuôn khổ một thỏa thuận chia quyền với bà vợ của ông Zardari đã bị ám sát là cựu thủ tướng Benazir Bhutto.

Lệnh ân xá theo bộ luật NRO mở đường cho bà Bhutto trở về Pakistan sau khi tự ý đi sống lưu vong nhưng bà đã bị ám sát 2 tháng sau đó trong khi đi vận động tranh cử.

Kế đó thì ông Zardari trở thành người lãnh đạo Đảng Nhân dân Pakistan, là đảng đã thắng trong cuộc bầu cử tháng hai năm 2008. Quốc hội bầu cho ông làm Tổng thống Pakistan sau khi ông Musharraf rời chức vào cuối năm đó.

Các vụ án tham nhũng chống lại Tổng thống Zardari bắt nguồn từ hai nhiệm kỳ mà vợ ông là bà Bhutto làm thủ tướng vào thập niên 1990. Nhưng ông Zardari nhất mực cho rằng các vụ này là do động cơ chính trị, và rằng chưa hề có phiên tòa nào kết tội ông.

Tối cao pháp viện Pakistan loan báo phán quyết vào một ngày mà Chủ tịch ban Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, đô đốc Mike Mullen có mặt tại Pakistan để hội đàm về cách thức đối phó với các phần tử chủ chiến tiếp tay cho cuộc nổi dậy của Taliban xuyên qua biên giới ở Afghanistan.

Sự hiện diện của các phần tử chủ chiến al-Qaida và Afhganistan ở biên giới phía Pakistan là nguyên do gây quan ngại cho lực lượng liên minh dưới sự lãnh đạo của Hoa kỳ ở Afghanistan và Washington đang làm áp lực để Islamabad truy lùng các phần tử cực đoan này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG