Đường dẫn truy cập

Chứng khoán Châu Á sụt giảm mạnh


Các thị trường chứng khoán Á Châu đã sụt giá vào lúc những mối lo ngại gia tăng về một cuộc suy thoái toàn cầu lan rộng. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben từ Bangkok, giá dầu cũng sụt, trong khi các nhà đầu tư cho thấy họ không đặt mấy tin tưởng vào các biện pháp ở Châu Âu và Hoa Kỳ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tín dụng.

Hôm nay, các nhà đầu tư lo lắng bỏ chạy khỏi các thị trường ở Châu Á. Chỉ số Hằng Sinh của Hong Kong sụt 5% vào lúc thị trường đóng cửa trong khi chỉ số Nikkei ở Tokyo sụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2004, đứng ở 10 ngàn 473 điểm. Thị trường chứng khoán ở Indonesia sụt 10%, mức sụt giảm mạnh nhất trong một ngày đã được ghi nhận.

Kế hoạch cứu nguy 700 tỷ đôla của Hoa Kỳ dường như không gây ấn tượng cho các nhà đầu tư. Kế hoạch này được chấp thuận hôm thứ sáu nhằm giúp các ngân hàng Hoa Kỳ đang bị đè nặng bởi những khoản nợ xấu chồng chất. Và các kinh tế gia cho rằng các thị trường còn rối loạn hơn nữa do các tin tức mới về những ngân hàng gặp khó khăn ở Châu Âu.

Bà Connie Bolland, kinh tế gia trưởng tại Viện Phân tích Khảo cứu Kinh tế ở Hong Kong, nói: “Ảnh hưởng có vẻ như đang lan rộng. Tôi nghĩ rằng mọi người ngày càng lo sợ sắp xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu.”

Một dấu hiệu nữa cho thấy các nhà đầu tư trông đợi một cuộc suy thoái trầm trọng là giá dầu sụt nhanh xuống dưới mức 90 đôla một thùng trong ngày hôm nay tại Châu Á. Giá dầu đã lên đến mức cao nhất là 147 đôla hồi tháng 7, nhưng sau đó đã sụt dần vì những mối lo ngại cho rằng một cuộc suy thoái sẽ làm giảm mức cầu.

Ông Shujovit Banerjee là một nhà kinh tế học thuộc Ủy ban Kinh Xã của Liên hiệp quốc đặc trách vùng châu Á Thái bình dương. Ông nói rằng triển vọng rất u ám cho các nền kinh tế mà sự tăng trưởng phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu.

Ông Banerjee nói: “Rõ ràng các nền kinh tế thiên về xuất khẩu của châu Á sẽ bị tác động mạnh bởi các vấn đề đang tiếp diễn ở Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu. Nhiều nước trong vòng phụ thuộc rất nhiều và xuất khẩu, và có phần chắc là các nước này sẽ đứng trước một tình huống gay go trong vài tháng tới đây cũng như suốt năm sau này.”

Ông Banerjee nói rằng các ảnh hưởng toàn bộ của cuộc khủng hoảng tín dụng ở châu Á dự kiến sẽ thấy rõ vào năm tới. Ông cho rằng hiện tượng chuyển tiền bạc qua các dự án đầu tư ít rủi ro hơn bên ngoài châu Á cũng sẽ gây phương hại nhiều hơn cho giá cổ phiếu.

Ông Banerjee nói: “Có phần chắc sẽ có một sự tái điều chỉnh lớn trong các thị trường cả trên toàn thế giới và cụ thể ở châu Á. Các thị trường Á Châu đã đạt được thành tích rất tốt trong mấy năm vừa qua. Nhưng tiền bạc có cơ sẽ bị rút ra khỏi vùng này và đưa trở lại vào các tích sản an toàn như trái phiếu của Mỹ. Vì thế các thị trường ở Châu Á này có phần chắc sẽ bị liên tục rút vốn đi.”

Ông Banerjee dự kiến Châu Á sẽ chứng kiến các dấu hiệu phục hồi vững vàng trong 2 năm sắp tới, căn cứ vào các quân bình mậu dịch và trữ lượng ngoại hối lớn của khu vực, cũng như nhu cầu nội địa ngày càng tăng. Nhưng ông nói rằng, sự phục hồi toàn bộ sẽ chỉ diễn ra sau khi các nền kinh tế đã phát triển tăng trưởng trở lại một lần nữa.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG