Đường dẫn truy cập

Nhân quyền sẽ tiếp tục bị chà đạp ở Việt Nam?


Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam

Các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình nhân quyền Việt Nam sẽ được cải thiện dưới đội ngũ lãnh đạo mới vừa được bầu ra tại Đại hội Đảng XI hồi đầu tuần này tại Hà Nội. Mặc dù vậy, họ cũng nêu lên sự kiện là chính phủ Hoa Kỳ mới đây đã có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền và tỏ ý hy vọng là Washington sẽ gây nhiều sức ép hơn nữa lên chính phủ Việt Nam để đòi Hà Nội cải thiện nhân quyền. Mời quí vị xem Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Tại cuộc họp báo hôm thứ tư (19 tháng 1, 2011) vừa qua ở Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam luôn quan tâm đến quyền con người. Phát biểu với báo chí ngay sau phiên bế mạc Đại hội Toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam – một hội nghị được báo chí do nhà nước kiểm soát mô tả là “Đại hội trí tuệ, dân chủ”, ông Phạm Bình Minh nói rằng “Nhà nước Việt Nam luôn có các chính sách để người dân được hưởng tốt nhất các quyền của mình và trên thực tế, các quyền này đã được đảm bảo thực hiện.”

Ông Phạm Bình Minh đã tuyên bố như thế trong lúc nhiều nhân vật hoạt động cho nhân quyền nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy là tình hình nhân quyền Việt Nam sẽ được cải thiện dưới đội ngũ lãnh đạo mới của Đảng Cộng Sản Việt Nam sau kỳ Đại hội Đảng vừa qua. Các nhà quan sát cũng cho rằng tuy ban lãnh đạo mới sẽ tiếp tục cải cách kinh tế nhưng họ sẽ không thay đổi về chính trị - họ vẫn kiên quyết không chấp nhận đa nguyên đa đảng và những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam vẫn tiếp tục bị đàn áp.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, đã bày tỏ một cái nhìn khá bi quan về triển vọng cải thiện nhân quyền ở Việt Nam dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản do ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư. Từ Paris, ông Võ Văn Ái đã phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA:

"Về Đại hội XI của Đảng chúng tôi không thấy có một dấu hiệu gì để có thể cho thấy rằng vấn đề nhân quyền tại Việt Nam sẽ được thay đổi. Bởi vì nhìn vào những chuyện vừa xảy ra, ví dụ như vài ngày trước Đại hội Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký một nghị định số 211 của chính phủ để hạn chế các vấn đề báo chí và các blogger. Đặc biệt là cho biết rằng phải tiết lộ nguồn tin; không được dùng những cái tên ẩn danh, bí danh, hay nickname trên những blog; và những ai viết bài chống lại lợi ích của nhà nước thì sẽ bị phạt đến 40 triệu đồng, tức là cỡ 2 nghìn Mỹ kim. Đây là một dấu hiệu cho thấy rằng nhân quyền chưa được mở ra mà đã bị bóp nghẹt trên phương diện ngôn luận và báo chí. Và một mặt khác, chúng tôi thấy rằng tại cuộc họp báo hôm khai mạc của Đại hội, ông Đinh Thế Huynh, Tổng biên tập của tờ báo Nhân dân của Đảng, đã tuyên bố một cách rõ ràng là chống lại đa nguyên đa đảng. Nhân quyền không biết làm sao có thể thực hiện được khi mà một đảng độc tài cứ tiếp tục ngự trị trên đầu dân! Đó là hai dấu hiệu cho chúng tôi thấy không có con đường ra của vấn đề nhân quyền."

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cũng có một nhận xét tương tự.

Ông nói: "Điều mà chúng tôi nhận thấy trong suốt quá trình này là một phản ứng rất bảo thủ, chú trọng quá độ tới an ninh quốc gia, đối với những sự cởi mở về kinh tế và chính trị. Theo nhận xét của chúng tôi, trong thời gian trước Đại hội Đảng đã có một chiến dịch đàn áp dữ dội nhắm vào các nhân vật bất đồng chính kiến và những tiếng nói phê phán. Giờ đây chúng tôi dự kiến là tình hình sẽ không có gì thay đổi. Không có dấu hiệu nào là những vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam sẽ giảm đi. Chẳng những thế, chúng tôi còn cảm thấy lo ngại hơn vì giờ đây chúng tôi nhận thấy trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng có hai nhân vật của ngành công an. Như quí vị đã biết công an cảnh sát ở Việt Nam đã dính líu tới vô số những vụ vi phạm nhân quyền, kể cả những vụ chết người trong lúc bị công an giam giữ mà chúng tôi đã báo cáo hồi cuối năm ngoái."

Cũng như các nhà hoạt động khác của các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và tự do báo chí quốc tế, ông Robertson tỏ ý lo ngại về Nghị định 211 của chính phủ Việt Nam. Ông nói:

"Điều làm chúng tôi cảm thấy rất lo ngại là một nghị định mới đây của chính phủ, nghị định số 211, được ban hành ngay trước Đại hội Đảng và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25 tháng 2. Nghị định này sẽ hạn chế thêm nữa các quyền của những người làm báo và những người cầm bút."

Ông Robertson cho rằng Việt Nam đang đi theo một con đường không khác gì mấy so với Trung Quốc là cởi mở kinh tế trong lúc bóp nghẹt tự do chính trị:

"Chúng tôi nghĩ rằng hai nước này có một số điểm tương đồng. Cả hai đều tìm cách thu hút thêm đầu tư nước ngoài trong lúc duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với việc bày tỏ ý kiến chính trị, đối với internet và các hoạt động truyền thông, và dĩ nhiên là đối với các quyền tự do tụ họp và tự do lập hội."

Có lẽ cũng chính vì những sự tương đồng này mà giáo sư Võ Văn Ái đã tỏ ra phấn khởi khi đề cập tới việc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc, dưới áp lực mạnh mẽ của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, đã phải công khai thừa nhận tại cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc hôm thứ tư vừa qua là chính phủ Trung Quốc có những thiếu sót lớn trong lãnh vực nhân quyền. Ông Võ Văn Ái nói tiếp như sau:

"Qua lời tuyên bố đó chúng ta thấy áp lực của Hoa Kỳ là một điều hết sức quan trọng. Đó là nói về vấn đề Trung Quốc. Và hiển nhiên là Việt Nam cũng như vậy thôi. Và cuộc gặp gỡ đối thoại về nhân quyền của ông Thứ trưởng Ngoại giao Postner tại Hà Nội hồi tháng 12 vừa qua, sau đó ông đã tuyên bố rằng trong chính sách giữa hai nước, Hoa Kỳ vẫn đặt trọng tâm vào vấn đề nhân quyền. Thì tôi chỉ còn một chút hy vọng trước nhất là áp lực quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, thì may chăng vấn đề nhân quyền sẽ được thay đổi."

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG