Đường dẫn truy cập

Việt Nam, các nước nỗ lực tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất tích


Phi công Hải quân Indonesia trong cuộc tìm kiếm cứu hộ máy bay bị mất tích trong vùng biển tiếp giáp Indonesia, Malaysia và Thái Lan gần eo biển Malacca, ngày 10/3/2014.
Phi công Hải quân Indonesia trong cuộc tìm kiếm cứu hộ máy bay bị mất tích trong vùng biển tiếp giáp Indonesia, Malaysia và Thái Lan gần eo biển Malacca, ngày 10/3/2014.
Các giới chức ở Kuala Lumpur hôm nay cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy dầu loang ở Vịnh Thái Lan không phải loại dầu của chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines bị mất tích. Tin vừa kể được loan báo trong lúc Việt Nam cùng với 7 nước khác đang tham gia việc tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích sáng sớm thứ bảy, nhưng chưa tìm được dấu vết nào của chiếc Boeing 777 này. Từ Hà Nội, thông tín viên Marianne Brown gởi về bài tường thuật sau đây.

Hôm nay là ngày thứ ba của cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines bị mất tích trên bầu trời Biển Đông giữa Việt Nam và Malaysia hồi sáng thứ bảy tuần trước.

Cục Hàng không Dân dụng Malaysia cho biết 8 nước, với 40 chiếc tàu và 34 chiếc máy bay, đang tham gia hoạt động tìm kiếm.

Một số vụ trông thấy những vật thể khả nghi đã được báo cáo trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật, kể cả một vật được cho là một cánh cửa lớn hoặc cửa sổ của chiếc máy bay. Nhưng ông Azharuddin Abdul Rahman, Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Malaysia, hôm nay nói rằng chưa có điều gì được kiểm chứng.

"Thưa quí vị, có điều không may là chúng tôi chưa tìm thấy bất kỳ vật gì giống như những vật thể rơi ra từ chiếc máy bay, chứ đừng nói gì tới chiếc máy bay. Chúng tôi sẽ tăng cường các nỗ lực để tìm ra chiếc máy bay mất tích."

Ông Azharuddin nói rằng một số mẫu xét nghiệm của một vùng dầu loang được tìm thấy trong khu vực đang được phân tích để xem có phải đó là xăng dầu trên chiếc máy bay hay không. Nhưng ông nói rằng số phận của chiếc máy bay vẫn chưa biết được.

"Về phần chúng tôi, chúng tôi cũng cảm thấy khó hiểu như vậy. Ngài Thủ tướng đã dùng chữ bối rối. Chúng tôi cũng lúng túng, bối rối như vậy; và để có thể xác nhận những gì thật sự xảy ra vào ngày đó đối với chiếc máy bay xấu số này, chúng tôi cần có bằng chứng rõ ràng, chúng tôi cần bằng chứng cụ thể, chúng tôi cần có những bộ phận của chiếc máy bay."

Chiếc máy bay đó chở 239 người, trong đó có hơn 150 người là người Trung Quốc. Chính phủ ở Bắc Kinh đã phái 4 chiếc tàu tìm kiếm cứu nạn và hai chiến hạm tham gia công tác tìm kiếm.

Nhân viên cứu hộ và các nhà báo tập trung trước máy bay An-26 chuẩn bị công tác tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia bị mất tích tại sân bay quân sự của Việt Nam ở TPHCM, ngày 10/3/2014.
Nhân viên cứu hộ và các nhà báo tập trung trước máy bay An-26 chuẩn bị công tác tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia bị mất tích tại sân bay quân sự của Việt Nam ở TPHCM, ngày 10/3/2014.
Việt Nam đã phái 2 chiếc máy bay và 7 chiếc tàu để tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia, theo một thông cáo do Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đưa ra ngày hôm nay. Ủy ban Tìm kiếm Cứu nạn Quốc gia cho biết 5 chiếc máy bay và 4 chiếc tàu khác đang túc trực sẵn sàng để tham gia hoạt động tìm kiếm.

Ông Greg Waldron, chủ biên phần Á châu của tạp chí hàng không Flightglobal, nói rằng sự phối hợp của các tàu tìm kiếm cứu nạn là một nỗ lực chung của quốc tế và thách thức trước mắt là tìm ra những mảnh vỡ của xác máy bay.

"Xác máy bay có phần chắc sẽ không hiện ra trên màn hình ra đa; và cũng có nhiều phần chắc là nó sẽ không hiện ra trên máy dò hồng ngoại tuyến, vì nhiệt độ của nó giống như nhiệt độ của mặt nước biển. Vì vậy khi nói tới việc tìm kiếm những mảnh vỡ của máy bay, nếu quả thật những mảnh vỡ máy bay đang nổi trên mặt nước ở vùng biển này, chúng ta phải thật sự dựa vào cặp mắt của con người. Và xác máy bay, trong trường hợp có xác máy bay, thì nó đã có nhiều ngày để lan ra. Và điều đó có thể làm cho việc xác định địa điểm trở nên khó khăn hơn."

Hoa Kỳ đã phái chiến hạm USS Pinckney, một khu trục hạm lớp Arleigh Burke có trang bị phi đạn điều hướng, tới khu vực này hôm chủ nhật. Một chiến hạm khác cũng đang trên đường tới hiện trường, theo lời của một phát ngôn viên Bleu Moore của Đệ Thất Hạm Đội.

"Chúng tôi cũng đang phái chiến hạm USNS Erisson. Chiếc này đang trên đường tới đó. Chiếc này không ở trong cùng vùng biển nhưng đang trên đường tới đó."

Ông Moore nói thêm rằng thách thức lớn nhất là thời gian, vì càng trễ nhiều chừng nào thì cơ hội tìm được người sống sót sẽ ít đi chừng đó.

Các chuyên gia nói rằng có thể mất nhiều thời gian để tìm được những lời giải đáp. Khi một chiếc phản lực của hãng Air France mất tích năm 2009 ở Đại tây dương trong lúc đang bay từ Rio de Janeiro tới Paris, các nhà điều tra đã phải mất gần hai năm để tìm ra và thu hồi các hộp đen ghi dữ kiện phi hành của chiếc máy bay lâm nạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG