Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ quan sát quân đội Ai Cập trong lúc biểu tình tiếp diễn


Người biểu tình Ai Cập cầu nguyện ngày thứ Sáu tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo, ngày 4/2/2011
Người biểu tình Ai Cập cầu nguyện ngày thứ Sáu tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo, ngày 4/2/2011

Quân đội Ai Cập đóng một vai trò bản lề và có lẽ vai trò còn nhiều biến chuyển trong những cuộc biểu tình tại Ai Cập, và các nhà lãnh đạo quốc phòng Hoa Kỳ vẫn tiếp xúc mật thiết với các giới chức tương nhiệm của họ ở Ai Cập. Thông tín viên đài VOA Al Pessin tường thuật từ Ngũ Giác Đài rằng cho tới nay các giới chức và các nhà phân tích tình hình nói rằng, quân đội có hành động thích đáng, nhưng cũng nói rằng tình hình vẫn thay đổi đều đặn.

Trong khi các đám đông những người biểu tình chống chính phủ đụng độ với những người ủng hộ chính phủ hôm Thứ Tư, các đơn vị quân đội Ai Cập trên đường phố hầu hết là đứng bên lề. Đối với một số quan sát viên, trong đó có Tiến Sĩ Tawfik Hamid, điều đó có vẻ sẽ thay đổi vào thứ Năm.

Ông Hamid nói: "Chắc chắn vậy, họ đang thay đổi. Không phải 180 độ nhưng tôi có thể thấy có sự bắt đầu thay đổi. Hôm nay, họ bắt đầu bảo vệ người biểu tình trước những người ủng hộ ông Mubarak."

Sự thay đổi đó, được ghi nhận bởi một nhân vật lão thành thuộc Viện Potomac, trùng hợp với sự lên án chính thức của Ai Cập về kích động bạo lực của những người biểu tình ủng hộ chính phủ – bạo động mà nhiều người tin là do các giới chức cao cấp chủ mưu. Hôm thứ hai, Tiến sĩ Hamid tiên đoán rằng Quân đội sẽ đứng về phe người biểu tình và buộc Tổng Thống Mubarak phải từ chức. Điều đó đã không diễn ra hôm Thứ Năm, và ông Hamid tin là giới lãnh đạo quân đội không còn thời giờ nữa.

Ông Hamid nói tiếp: "Quân đội càng tỏ ra trì hoãn trong việc chọn một lập trường rõ ràng với những người chống ông Mubarak, thì những người này càng cảm thấy quân đội là một phần của phe Mubarak và trong tương lai họ sẽ không bao giờ tin quân đội nữa."

Các nhà lãnh đạo quân đội Ai Cập đang đứng ở một vị trí tế nhị, sau nhiều thập niên theo Tổng Thống Mubarak, chính ông cũng là một quân nhân. Cho tới nay, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Đại Tá David Lapan nói rằng quân đội đang làm tốt công việc của họ.

Ông Lapan cho biết: "Cho tới giờ chúng tôi đã thấy họ hành động một cách chuyên nghiệp và tự kiềm chế. Đây là một tình huống rất dễ thay đổi vì vậy chúng tôi đang theo dõi sát từng ngày một."

Thiếu Tướng Quân Đội Hoa Kỳ hồi hưu Paul Eaton đồng ý như vậy.

Ông Eaton nói: "Điều chúng ta đã thấy là một quân đội hành động một cách hợp lý. Tôi không biết lập trường của họ ra sao, nhưng cử chỉ của họ có vẻ ổn định, thân thiện, tham gia với nhân dân."

Tướng Eaton, giờ đây là một cố vấn cao cấp cho tổ chức khảo cứu Mạng Lưới An Ninh Quốc Gia, đã viếng thăm Cairo năm 2003 để thảo luận với các nhà lãnh đạo cao cấp của Ai Cập. Ông nói rằng ông có ấn tượng rất tốt với mức độ thoải mái mà ông thấy trong quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Ai Cập.

Ông Eaton nói tiếp: "Quan hệ đó vượt quá tính cách thân hữu. Có sự nồng nhiệt trong quan hệ đó mà tôi hy vọng đã có tác dụng tốt ở đây. Chúng ta có một quan hệ chặt chẽ. Và điều đó tỏ ra rất hữu ích trong quá khứ với các quân đội khác. Tôi hy vọng rằng quan hệ đó sẽ chúng tỏ như vậy trong trường hợp này."

Thật vậy, Giới chức quân đội hàng đầu của Hoa Kỳ, Dô Đốc Mike Mullen, đã nói chuyện ít nhất hai lần với giới chức tương nhiệm của Ai Cập trong mấy ngày vừa qua, và Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates đã có ít nhất ba cuộc nói chuyện với Bộ Trưởng Quốc Phòng Ai Cập.

Quan hệ thân cận này phát xuất từ nhiều thập niên trao đổi, hội họp các lớp huấn luyện và các vụ bán thiết bị quân sự sau khi ký kết hòa ước Ai Cập Israel năm 1979. Giám đốc báo chí Tòa Bạch Ốc nói rằng một số trong đó có thể bị nguy cơ tan vỡ. Tùy thuộc vào cách chính phủ Ai Cập giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Đại Tá Lapan, nói rằng, hầu hết các cuộc huấn luyện trong những ngày này liên quan tới các thiết bị kỹ thuật cao của không lực, hải lực, và lực lượng chống khủng bố. Nhưng ông nói rằng, trong đó cũng bao gồm việc huấn luyện sĩ quan tại cùng các trường quân sự Hoa Kỳ mà các sĩ quan Mỹ theo học.

Ông Lapan nhận xét: "Đó là tinh thần lãnh đạo, Đó là kỹ năng quân sự. Nhưng đó thật sự là về việc trở thành một quân đội chuyên nghiệp. Vì thế nó in sâu vào tâm trí các sĩ quan của họ cùng một thứ xảy ra cho các sĩ quan của quân đội Hoa Kỳ."

Trong đó bao gồm những giá trị như là tôn trọng thẩm quyền dân sự và tôn trọng quyền của người dân – những ý niệm có thể xung đột tại Ai Cập nếu chính phủ ra lệnh đàn áp các cuộc biểu tình. Khi Hoa Kỳ cắt đứt các huấn luyện như vậy cho các nước khác như Indonesia, vì những vụ vi phạm nhân quyền, các nhà phân tích nói rằng việc mất liên lạc đã làm cho các quân đội đó dễ vi phạm quyền của người dân hơn, và gây khó khăn hơn cho Hoa Kỳ trong việc thực thi quyền hạn.

Cho tới nay thì ít nhất sự kiện ngược lại đã diễn ra tại Ai Cập, nơi các sĩ quan Hoa Kỳ có những tiếp xúc rất rộng rãi và ít nhất khả năng được nghe ý kiến của nhiều người đóng vài trò quan trọng trong quân đội. Tướng hồi hưu Paul Eaton, đã tham dự một khóa huấn luyện sĩ quan cao cấp với một tướng lãnh Ai Cập, và chứng kiến các sĩ quan Ai Cập khác hành động khi ông giám sát các chương trình huấn luyện. Ông gọi các chương trình đó là “đúng mức” và “chuyên nghiệp,” và nói rằng các sĩ quan cấp thấp thường tiếp xúc với các tân binh phục vụ dưới quyền của họ.

Ông Eaton nói thêm: "Điều tôi hy vọng là quân đội này còn giữ một vai trò không thách thức uy tín của họ trong mắt nhân dân Ai Cập và rằng họ sẽ phục vụ như là người trung gian chính cho bất cứ thay đổi nào mà chúng ta thấy hiện nay trong giới lãnh đạo Ai Cập."

Các giới chức Hoa Kỳ sử dụng những tiếp xúc của họ để làm những gì có thể khuyến khích một sự chuyển đổi chính quyền và để cổ võ cho thái độ tự kiềm chế bởi quân đội Ai Cập. Trắc nghiệm lớn nhất kế tiếp sẽ rõ vào hôm Thứ Sáu - theo truyền thống là một ngày phản đối sau buổi cầu nguyện chính trong tuần lễ của Hồi Giáo vào giữa trưa.

Xem Video về biểu tình ở Ai Cập

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG