Đường dẫn truy cập

Hai chính đảng Mỹ tranh cãi ráo riết về mức nợ giới hạn


Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner nói rằng nguy cơ trong vụ tranh cãi về mức nợ giới hạn rất cao
Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner nói rằng nguy cơ trong vụ tranh cãi về mức nợ giới hạn rất cao

Vụ tranh cải chính trị tại Washington về ngân sách liên bang có phần chắc sẽ căng thẳng hơn nữa khi mà mức nợ tăng từ con số hàng trăm tỉ lên tới hàng ngàn tỉ đô la. Một số chủ đề tranh cãi đang thay đổi từ việc bất đồng trong chuyện ấn định ngân sách trong một năm sang một trận chiến rộng lớn hơn về số nợ tăng vọt tích lũy từ nhiều năm. Một số những tranh cãi chú mục vào mức nợ giới hạn.

Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner nói rằng nguy cơ trong vụ tranh cãi về mức nợ giới hạn rất cao.

Ông nói: "Hệ quả của nó có thể rất tàn khốc cho Hoa Kỳ. Nếu không trả được nợ đúng hạn, nước Mỹ sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng tệ hại hơn là cuộc khủng hoảng mà chúng ta vừa trải qua. Nếu chuyện này xảy ra nó sẽ làm cho cuộc khủng hoảng vừa rồi không thấm gì."

Lập trường của ông Geithner là: nếu Hạ viện không có hành động để nâng mức nợ, thì những cam kết chi tiêu và nhu cầu tái tài trợ sớm những khoản vay có thể khiến Washington không trả được những khoản nợ hiện có. Điều này có thể gây ra những khó khăn kinh tế trầm trọng vì những nhà tài trợ có thể sẽ tăng lãi suất lên rất cao khiến cho chi phí sẽ tăng cao nữa và làm cho khó khăn càng tăng thêm gấp bội.

Trong nhiều năm, Washington đã chi nhiều hơn thu từ những khoản thuế và các nguồn lợi khác. Sự kiện này đã khiến cho ngân sách hàng năm thâm hụt. Chính phủ phải vay nợ để bù đắp vào khoản thâm hụt đó. Tất cả những thâm hụt hằng năm đó tích lũy lại thành tổng số nợ của quốc gia hiện nay.

Theo luật Hoa Kỳ, Bộ tài chính không được phép vay nhiều hơn bằng cách phát hành công khố phiếu (công trái), trừ phi Hạ viện chấp thuận bằng cách tăng mức vay hợp pháp. Mức nợ hiện ở giới hạn trên 14 ngàn tỉ đô la, một con số gần như tương đương với tất cả hàng hóa và dịch vụ do Hoa Kỳ sản xuất và cung ứng trong nguyên một năm.

Theo dự kiến, số nợ của chính phủ sẽ lên tới mức giới hạn vào tháng tới.
Vẫn có một đạo luật về mức giới hạn cho số nợ của quốc gia tại Hoa Kỳ từ gần một thế kỷ nay. Trong khoảng thời gian đó, trong vài trường hợp, mức hạn chế đôi khi được hạ thấp, và đã tăng lên hơn 60 lần.

Khi mà khoản nợ này đang tiến gần tới mức giới hạn, phe Cộng Hòa đang tạo áp lực với Tổng thống Obama và các đồng minh trong đảng Dân Chủ của ông tại Hạ viện để đòi phải cắt chi tiêu cho các chương trình xã hội và giữ mức thuế thấp.

Những nhà lập pháp thuộc đảng Dân Chủ muốn tăng thuế nhắm vào giới người Mỹ giàu có và cắt những khoản chi quân sự để đối phó với khoản nợ quốc gia ngày càng tăng.

Một cựu giới chức cao cấp của bộ Tài chính, ông Timothy Bitsberger, nói rằng đôi bên rồi ra sẽ phải thỏa thuận với nhau để tránh việc không thể trả nổi nợ, nhưng chỉ sau khi lời qua tiếng lại gay gắt.

Ông nói: "Chính trị sẽ can dự rất nhiều vào chuyện này. Tôi dự đoán là những dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa sẽ tìm cách buộc chính phủ phải nhượng bộ thật nhiều trong lúc xúc tiến những cuộc thương thảo."

Ông Timothy Bitsberger đã lên tiếng trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin tài chính Bloomberg. Ông từng làm việc về vấn đề mức nợ giới hạn tại bộ Tài chính trong chính phủ Cộng Hòa trước đây, và cho biết mức thâm hụt và nợ nần của quốc gia đã tăng trong cả chính quyền của đảng Cộng Hòa cũng như Dân Chủ.

Trong lúc có chia rẽ sâu xa giữa hai chính đảng, cơ quan Fitch chuyên đánh giá mức tín nhiệm toàn cầu nói rằng cơ nguy xảy ra tình trạng không thể trả nổi nợ của chính phủ Hoa Kỳ “vô cùng thấp.”

Chuyên gia hàng đầu về mức nợ của chính phủ Hoa Kỳ làm việc cho công ty Moody's Investor Service, ông Steve Hess, nói rằng chỉ có “một tính toán sai lầm gây kinh ngạc” của chính phủ mới có thể đưa đến tình trạng không trả nổi nợ.

Ông cho rằng có thể đôi bên sẽ lời qua tiếng lại cho đến phút chót, và có thể buộc các giới chức phải có hành động gắt gao để lèo lái những khó khăn tài chính ngắn hạn.

Ông Hess nói rằng nếu những tranh cải chính trị khiến cho các chủ nợ thực sự lo ngại, họ sẽ tăng lãi suất đánh vào những khoản tiền cho Washington vay.

Số thâm hụt hằng năm cứ tiếp tục khiến cho tổng số nợ quốc gia đã tăng gấp đôi trong mấy năm qua, và nhiều thành viên tại Hạ viện tin rằng nếu chiều hướng đó cứ tiếp tục thì rồi sẽ đưa đến một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG