Đường dẫn truy cập

Ủy ban của Tổng thống Obama tìm cách kiềm chế món nợ quốc gia


Các thành viên của Ủy ban Toàn quốc về Trách nhiệm và Cải tổ Tài chính trong cuộc họp tại Trụ sở Quốc hội ở Washington
Các thành viên của Ủy ban Toàn quốc về Trách nhiệm và Cải tổ Tài chính trong cuộc họp tại Trụ sở Quốc hội ở Washington

Một ủy ban của tổng thống đặc trách công tác mưu tìm các phương sách kéo Hoa Kỳ ra khỏi tình trạng nợ nần ngày càng leo thang kêu gọi những thay đổi sâu rộng tác động đến mọi người dân Mỹ trong nhiều thế hệ sắp tới. Ủy ban Toàn quốc về Trách nhiệm và Cải tổ Tài chính đề nghị nâng tuổi về hưu và bãi bỏ việc giảm thuế gây nhiều thiệt hại trong khuôn khổ một kế hoạch lớn hơn nhằm tiết giảm khối nợ ngày càng lớn của Hoa Kỳ

Những người lãnh đạo ủy ban này nói rằng nếu không hành động, thì sẽ có những hậu quả nghiêm trọng cho đất nước – nhưng chính các thành viên trong ủy ban cũng bất đồng về việc liệu các biện pháp có đi quá xa hoặc chưa đủ xa.

Tình trạng rối loạn tài chính diễn ra tại châu Âu có thể cũng xảy ra tại Hoa Kỳ nếu người Mỹ không có hành động ngay lúc này. Đó là lời cảnh báo của các nhà lãnh đạo hàng đầu của một uỷ ban đặc biệt phụ trách việc đi tìm các phương sách để kiềm chế khối nợ quốc gia nay ước tính đã lên tới gần 14 ngàn tỷ đôla. Cựu thượng nghị sĩ Cộng hoà Alan Simpson cũng là đồng chủ tịch của Uỷ ban này.

Ông Alan nói: “Chúng ta đã nhìn thấy những con số, và chúng ta không biết nhiều về Hy Lạp và Ireland và Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và Italia, nhưng chúng ta biết rõ một điều, là nếu cứ giữ nguyên tình trạng này, thì sẽ xảy ra điều không hay.”

Báo cáo của uỷ ban có tiểu đề là “Giờ phút của Sự thực” đề nghị cắt giảm chi phí quốc phòng 200 tỷ đôla và đóng cửa 1/3 các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở nước ngoài. Đề nghị cũng muốn tăng gấp đôi thuế liên bang đánh vào xăng dầu, giảm bớt số tiền trợ cấp y tế dành cho người cao niên và nâng cao tuổi về hưu để được hưởng an sinh xã hội. Nếu được áp dụng, kế hoạch này sẽ cắt giảm mức thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ gần 4 ngàn tỷ đôla và giữ mức nợ ổn định trước năm 2014. Nhưng dân biểu Jan Schakowsky của đảng Dân chủ dự định sẽ bỏ phiếu chống lại các đề nghị vừa kể. Ông nói rằng các biện pháp kiệm ước đó sẽ gây thiệt hại nhiều nhất cho những người có thu nhập thấp.

Ông Schakowsky cho biết: “Chúng ta nói về việc đồng lòng hy sinh, tôi nghĩ những con số này cho thấy là sự hy sinh thực ra đã không được chia sẻ đồng đều. Rằng một số người đã bị thiệt thòi và những người khác lại được hưởng lợi đáng kể trong nhiều năm sắp tới, vì thế mà chúng ta không có cùng khởi điểm.”

Kế hoạch đòi hỏi sự chấp thuận của ít nhất 14 trong số 18 thành viên của uỷ ban để đưa ra biểu quyết tại Hạ viện. Nhưng cựu thượng nghị sĩ Erskine Bowles, vị đồng chủ tịch thuộc đảng Dân chủ, đã tuyên bố chiến thắng. Ông nói uỷ ban đã thành công trong việc bắt đầu một cuộc “đối thoại trưởng thành” về một vấn đề quá lớn không thể làm lơ đuợc.

Ông Bowles nói: “Chúng ta chỉ cần nhìn vào những gì đang xảy ra cho các nước khác. Chúng ta không phải là độc nhất. Nếu ta không giải quyết vấn đề này, thì chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế rõ ràng nhất trong lịch sử. Vì vậy mà hoặc là chúng ta thức dậy và thưởng thức mùi cà phê, hoặc là chúng ta có thể chờ đợi để chứng kiến cuộc khủng hoảng xảy ra. Và tôi có thể nói với quý vị khi mà nó xảy ra thì sẽ rất nghiêm trọng và mau chóng.”

Không hành động có thể khiến cho các nhà đầu tư quốc tế như Trung Quốc đòi trả tiền lời cao hơn, gây khó khăn hơn cho khối nợ. Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính khối nợ hiện nay của chính phủ Hoa Kỳ chiếm khoảng 60% tổng sản lượng quốc dân GDP. Để so sánh, tỷ lệ nợ và GDP của Hy Lạp sau khi được châu Âu cứu nguy được dự báo lên tới 140% vào năm 2011.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG