Đường dẫn truy cập

Các ứng viên đảng Dân chủ tập trung vào vấn đề kinh tế, chống IS


Các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc tranh luận tối thứ Bảy 19/12 tại Manchester, New Hampshire. Từ trái: Ông Bernie Sanders, bà Hillary Clinton và ông Martin O’Malley.
Các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc tranh luận tối thứ Bảy 19/12 tại Manchester, New Hampshire. Từ trái: Ông Bernie Sanders, bà Hillary Clinton và ông Martin O’Malley.

Các ứng cử viên tổng thống của Ðảng Dân chủ nói rằng trong cuộc tranh luận cuối cùng trong năm nay, họ sẽ tập trung vào hai vấn đề ưu tiên hàng đầu là kinh tế Mỹ và đánh bại Nhà nước Hồi giáo.

Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders nói rằng Hoa Kỳ không thể được xem như là cảnh sát của thế giới, và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo cần phải có một liên quân, trong đó có Nga và quân đội của các nước Hồi giáo trong khu vực.

"Chủ trương của tôi là biến kế hoạch này thành hành động, đó là nói với Ả Rập Xê-út rằng thay vì tham chiến ở Yemen, Ả Rập Xê-út, một trong những nước giàu nhất trái đất, phải tham gia cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, đó là nói với Qatar rằng thay vì đổ 200 tỉ đôla vào World Cup, họ có thể chú ý vào Nhà nước Hồi giáo đang ở ngay thềm cửa của họ."

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đồng tình với một nỗ lực liên quân. Bà nói rằng cần phải có sự hợp tác của các lực lượng người Kurd và lực lượng người Sunni. Bà Clinton nói sẽ là một lỗi chiến lược nếu lại phái bộ binh đến thực địa, vì "đó chính xác là điều mà các phần tử chủ chiến muốn thấy."

Ứng cử viên thứ ba, cựu Thống đốc bang Maryland Martin O'Malley nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thành lập một liên minh mới để đối phó với những mối đe dọa mới, và ông chỉ ra những thành tích mà Liên hiệp Phi châu đã thực hiện được tại Somalia.

Trước cuộc tranh luận sẽ diễn ra tại bang New Hampshire ở miền đông bắc, các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Sanders hơn 20 điểm, kém tỉ lệ ở bang Iowa một ít. Iowa là bang mà cử tri sẽ có tiếng nói đầu tiên trong cuộc đua vào ngày 1 tháng 2. Ông Sanders dẫn trước đôi chút trong các cuộc thăm dò tại bang New Hampshire, bang sẽ bỏ phiếu vào ngày 9 tháng 2. Ông O'Malley được sự ủng hộ với tỉ dưới 10% trong tất cả các cuộc thăm dò.

Bà Clinton, một mục tiêu thường xuyên bị nhắm tấn công trong các cuộc tranh luận của phe Cộng hòa, gọi ông Donald Trump, người dẫn đầu bên Ðảng Cộng hòa là "nhà chiêu mộ binh sĩ giỏi nhất" cho Nhà nước Hồi giáo. Bà nói việc đáp lại những đe dọa khủng bố bằng "sự cố chấp" không phải là lợi ích tốt nhất của đất nước. Bà nói điều quan trọng là phải bảo đảm không để cho người Hồi giáo cảm thấy bị gạt ra ngoài lề ngay vào thời điểm mà nước Mỹ cần đến họ nhất. Bà đã dẫn chứng những bài học sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.

"Một trong những điều hay nhất đã làm được và do Tổng thống George W. Bush làm, và tôi đánh giá cao là tìm đến người Mỹ Hồi giáo và nói rằng tất cả chúng ta đều trong cùng cảnh ngộ này với nhau, qúy vị không phải là kẻ thù của chúng tôi, quý vị là đối tác của chúng tôi. Và chúng ta cũng cần phải bảo đảm rằng những thông điệp mang tính chia rẽ thực sự mà ông Trump gởi đi khắp thế giới không được tiếp thu."

Bà Clinton cũng nói rằng cần phải tăng cường kiểm tra lý lịch những người muốn đến Mỹ xin tị nạn, còn ông O'Malley nói rằng nếu cuộc khủng hoảng người tị nạn trở nên tệ hại hơn, Hoa Kỳ thậm chí sẽ phải nhận nhiều người tị nạn hơn nữa.

Kinh tế

Các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Sanders hơn 20 điểm
Các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Sanders hơn 20 điểm

Cả ông Sanders lẫn ông O'Malley đều theo chủ trương đả phá các ngân hàng lớn nhất của Mỹ. Hai ông nói rằng các ngân hàng đó giữ một vai trò tiêu cực trong nền kinh tế quốc gia. Ông Sanders, người tự hào đã gây quỹ từ các cá nhân thay vì từ những doanh nghiệp lớn, nói rằng cần phải có biện pháp đối phó với "thái đội coi thường và bất hợp pháp" của Wall Street và cần phải nâng mức lương tối thiểu trong nước lên.

Bà Clinton cũng cho rằng cần phải nâng mức lương tối thiểu lên để người người dân cảm thấy công sức lao động của họ được đền trả tương xứng thay vì cảm thấy hệ thống kinh tế "bị lũng đoạn." Bà cũng nói đến ý định sẽ tiếp tục xây dựng sáng kiến hệ thống chăm sóc sức khỏe thành công của Tổng thống Obama, nhưng bà nói là chưa có đủ sự cạnh tranh và cơ chế kiểm soát các công ty bảo hiểm y tế, và giá thành đã tăng lên quá cao.

Ông Sanders bênh vực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ông dẫn chứng chi phí y tế bình quân đầu người tại Mỹ cao hơn cả những nước như Anh và Pháp. Ông cũng tố cáo các công ty dược phẩm "mua chuộc" Quốc hội.

Vấn đề kiểm soát súng cũng được ba ứng cử viên hết sức quan tâm. Ông Malley chỉ trích hồ sơ của ông Sanders và cho rằng quan điểm của bà Clinton không nhất quán. Bà Clinton nói bà đồng ý về việc cần phải có một cảm nhận chung về các biện pháp kiểm soát súng ống, và phe Cộng hòa sẽ thậm chí không chấp nhận là vấn đề này hiện hữu. Ông Sanders nói rằng sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có một sự nhất trí. Ông nói ông sẽ đứng lên chống phe vận động cho súng.

Ông Sanders xin lỗi

Trước cuộc tranh luận, ông Sanders được yêu cầu phải trả lời về việc một nhân viên trong nhóm vận động tranh cử của ông xâm nhập kho dữ liệu cử tri của phe bà Clinton, và ông đã lên tiếng xin lỗi. Bà Clinton chấp nhận và nói rằng điều quan trọng là hướng tới phía trước. Ông O'Malley cũng nói rằng có những vấn đề lớn hơn và những cãi vả là chuyện gây xao lãng trong chính phủ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG