Đường dẫn truy cập

2011: Năm tốn kém nhất về các thiên tai


2011: Năm tốn kém nhất về các thiên tai
2011: Năm tốn kém nhất về các thiên tai

Liên Hiệp Quốc phúc trình 2011 là năm tốn kém nhất trong lịch sử để ứng phó với các thiên tai. Những thiệt hại kinh tế vì thiên tai, trong đó có động đất, bão và lụt đã lên tới 366 tỉ đô la.

Liên Hiệp Quốc phúc trình có độ 206 triệu người bị ảnh hưởng bởi hơn 300 thiên tai năm 2011. Trong các thiên tai này có 30.000 người thiệt mạng.

Nhưng Liên Hiệp Quốc nói rằng số thiên tai hồi năm ngoái thấp hơn trung bình trong 10 năm qua, và số tử vong cũng thấp hơn nhiều so với con số được ghi nhận năm 2010.

Giám đốc Trung tâm Khảo cứu về những thiệt hại trong thiên tai tại Trường đại học Louvain, Bỉ, bà Debarati Guha-Sapir nói rằng, số tử vong năm 2011 ít hơn là vì năm 2010 xảy ra nhiều trận động đất lớn:

“Trong các trận động đất số tử vong thường là lớn hơn nếu xảy ra tại một nước nghèo so với tại một nước giầu. Trong số 29.782 ca tử vong trong năm 2011 có khoảng hai phần ba, tức là 20.000 trường hợp gây ra bởi sóng thần và động đất tại Nhật Bản.”

Khi so sánh thì thấy trận động đất xảy ra tại Haiti hồi tháng Giêng năm 2010 đã làm gần 250.000 người thiệt mạng.

Nền kinh tế Haiti bị thiệt hại khoảng 8,5 tỉ đô la. Nhưng trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng Ba gây tổn thất về kinh tế là 210 tỉ đô la khiến đây là thiên tai gây thiệt hại về kinh tế tốn kém nhất từ trước tới nay.

Nhật Bản, Thái Lan, New Zealand, Hoa Kỳ, và Trung Quốc đứng đầu trong 10 thiên tai gây thiệt hại về kinh tế trong năm 2011. Các quốc gia bị thiệt hại về sinh mạng nhiều nhất bao gồm Nhật Bản, Philippines, Brazil và Thái Lan.

Phúc trình vừa kể ghi nhận số tử vong và thiệt hại về kinh tế to lớn là ở Châu Á. Bà Guha-Sapir nói các trận bão và lụt chiếm gần 70% các thiên tai tại Châu Á. Bà nói như vậy các thiên tai này gây ảnh hưởng tới con người nhiều nhất.

Khô hạn và đói kém cũng đưa tới số tử vong cao, nhưng bà Guha-Sapir nói rằng những trường hợp tử vong như vậy không được thống kê như thiên tai ở vùng Sừng Phi Châu. Bà giải thích sở dĩ có điều này là vì người ta không chết vì đói kém mà vì những nguyên nhân đi kèm, như bệnh sởi hay cơ thể không hoạt động được và những chứng bệnh khác do suy dinh dưỡng đem lại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG