Đường dẫn truy cập

LHQ công bố hồ sơ tội ác chiến tranh tại Sri Lanka


Phúc trình trưng ra những cáo buộc "đáng tin cậy" là cả chính phủ Sri Lanka lẫn phe phiến quân Hổ Tamil đã vi phạm nhân quyền trong các giai đoạn cuối của cuộc xung đột từ tháng 9 năm 2008 đến tháng 5 năm 2009
Phúc trình trưng ra những cáo buộc "đáng tin cậy" là cả chính phủ Sri Lanka lẫn phe phiến quân Hổ Tamil đã vi phạm nhân quyền trong các giai đoạn cuối của cuộc xung đột từ tháng 9 năm 2008 đến tháng 5 năm 2009

Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) cho hay ông sẽ tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về những cáo buộc tội ác chiến tranh có thể đã xảy ra trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giữa chính phủ Sri Lanka và phe Hổ Tamil đòi ly khai chỉ trong trường hợp chính phủ Sri Lanka đồng ý hoặc các nước thành viên của Liên hiệp quốc yêu cầu thực hiện. Phúc trình được mong chờ lâu nay vừa được công bố chiều tối hôm qua nói rằng có thể cả hai bên đã phạm tội ác chiến tranh. Từ trụ sở Liên hiệp quốc, thông tín viên Margaraet Besheer của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Việc công bố phúc trình đã bị hoãn lại nhiều ngày trong lúc Liên hiệp quốc chờ phúc đáp của chính phủ Sri Lanka xem liệu họ có đưa ra phản hồi về phúc trình để phổ biến cùng lúc hay không. Liên hiệp quốc cho hay vẫn chưa nhận được phúc đáp của Sri Lanka.

Trong phúc trình dầy 195 trang, hội đồng lập phúc trình trưng ra những cáo buộc "đáng tin cậy" là cả chính phủ Sri Lanka lẫn phe phiến quân Hổ Tamil đã vi phạm nhân quyền trong các giai đoạn cuối của cuộc xung đột từ tháng 9 năm 2008 đến tháng 5 năm 2009.

Hội đồng gồm ba thành viên, do cựu Tổng Chưởng lý Indonesia Marzuki Darusman lãnh đạo, đề nghị chính phủ Sri Lanka mở một "cuộc điều tra thật sự" về những cáo buộc và những vi phạm khác liên quan đến luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế mà cả hai bên đã gây ra.

Phó phát ngôn Liên hiệp quốc Farhan Haq nói rằng ông Tổng thư ký Ban Ki Moon khuyến khích chính phủ Sri Lanka làm theo đề nghị đó. Tuy nhiên hội đồng cũng đưa ra một đề nghị khác là ông Ban Ki-Moon nên mở một cuộc điều tra độc lập về cái chết của hàng ngàn thường dân, và hình như ông Tổng thư ký không tin là ông có thẩm quyền để làm điều đó.

Ông Haq cho biết: "Nói về đề nghị ông Tổng thư ký thành lập một cơ chế điều tra quốc tế, ông Ban được cố vấn rằng đều này đòi hỏi phải có sự đồng ý của nước sở tại, hoặc quyết định của các quốc gia thành viên được thông qua tại một diễn đàn liên chính phủ hợp thức."

Phát ngôn viên Haq nói rằng quan điểm lâu nay của ông Tổng thư ký là chính Sri Lanka, chứ không một ai khác, phải nhận trách nhiệm giải quyết những cáo buộc này.

Đài VOA đã gọi điện thoại cho phái bộ Sri Lanka ở Liên hiệp quốc tuần trước và ngày hôm qua nhưng không nhận được trả lời. Một thư ký của phái bộ hôm qua nói rằng vị đại sứ đang ở Sri Lanka, trong khi phó đại sứ thì bận họp nên không đưa ra bình luận về phúc trình được. Các nguồn tin ở Sri Lanka trích lời các giới chức chính phủ chỉ trích rằng phúc trình này là "một sự lừa gạt'.

Phúc trình cũng đề nghị rằng Liên hiệp quốc cần phải xem lại các hành động của chính cơ quan này liên quan đến việc thực thi nhiệm quyền nhân đạo và bảo vệ trong cuộc khủng hoảng. Phát ngôn viên Haq nói rằng Tổng thư ký Ban sẽ đáp ứng tích cực đối với đề nghị này.

Trong số các cáo buộc, hội đồng lập phúc trình nói rằng trong những tháng cuối của cuộc chiến, quân đội Sri Lanka đã mở rộng chiến dịch quân sự vào khu vực Vanni lúc đó đang do phe Hổ Tamil kiểm soát, và quân đội đã bắn đạn pháo trên một diện rộng khiến cho con số thường dân thiệt mạng rất lớn.

Phúc trình nói rằng khoảng 330.000 thường dân bị kẹt trong khu vực bị bao vây thu hẹp này, và tuy có sự nguy hiểm như vậy nhưng phe Hổ Tamil không cho họ rời khỏi khu vực, và đã sử dụng họ làm con tin, và trong một số trường hợp làm bia đỡ đạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG