Hôm Thứ Năm, Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka, ông G.L. Peiris, nói rằng việc công bố bản phúc trình vừa kể “sẽ gây ra tổn hại không thể sửa chữa được cho những nỗ lực hòa giải của Sri Lanka.”
Ông Peiris nói Liên Hiệp Quốc nên “đón nhận Sri Lanka” khi quốc gia này thoát ra khỏi một trong những giai đoạn đen tối nhất của đất nước.”
Phúc trình vừa kể được soạn thảo bởi ba chuyên gia luật pháp quốc tế hàng đầu do ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon bổ nhiệm.
Phúc trình này tố cáo cả chính phủ Sri Lanka của người Sinha chiếm đa số lẫn phe nổi dậy “Hổ Tamil” đã có những hành vi tàn ác.
Tuy nhiên, phúc trình này nói cho biết chính phủ đã tấn công một cách có hệ thống vào các bệnh viện, và những mục tiêu thường dân khác, và có thể đã gây ra hàng chục ngàn cái chết của thường dân trong cuộc tấn công cuối cùng của cuộc chiến tranh hồi đầu năm 2009.
Phúc trình khuyến cáo Liên Hiệp Quốc thiết lập một cơ quan đặc biệt để điều tra thêm.
Sau khi nhận được bản phúc trình này hồi tuần trước, các giới chức Sri Lanka đã bác bỏ ngay lập tức - gọi phúc trình đó là không đủ chứng cứ và thiên vị.
Ông Paikiasothy Saravanamuttu là Giám đốc Điều hành Trung Tâm Chính Sách Thay Thế ở thủ đô Sri Lanka. Ông nói rằng sự khó khăn của chính phủ Sri Lanka là không thể phản ứng trước bản phúc trình bằng cách bác bỏ và phủ nhận chung chung, mà phải cụ thể.
Ông nói: “Phúc trình này .. giờ đây là một sự kiện đã hiện hữu. Vì thế phận sự của chính phủ là xem xét vấn đề một cách nghiêm chỉnh và trưởng thành hơn. Cả trên phương diện quan hệ quốc tế nói chung, nhưng cũng trên phương diện đoàn kết quốc gia bằng hòa giải, và hòa giải với tinh thần trách nhiệm.”
Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka đã lặp lại lời khẳng định do chính phủ của ông đưa ra hôm thứ Năm rằng nhóm chuyên gia vừa kể không phải là một cơ quan chính thức của Liên Hiệp Quốc và rằng họ đã vượt quá nhiệm quyền trong nội dung bản phúc trình.
Ông Alan Keenan, một phân tích gia lão thành về Sri Lanka, làm việc với tổ chức Nghiên Cứu Khủng Hoảng Quốc Tế, nói rằng sức nặng của bản phúc trình này không thể bác bỏ dễ dàng như vậy.
Ông Keenan nói: “Đã có những tuyên bố có thực chất được đưa ra. Những tuyên bố này do một nhóm người rất có uy tín đưa ra và họ đã đi tới kết luận rằng có cáo buộc khả tín về những vi phạm rất nghiêm trọng luật chiến tranh và luật nhân quyền và những vi phạm đó có tiềm năng lên tới mức tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Chính phủ phải xem xét tới thực chất của những tuyên bố đó. Chính phủ không thể viện dẫn các vấn đề thủ tục để tránh né.”
Ông Keenan bác bỏ tuyên bố của Sri Lanka nói rằng thi hành những khuyến cáo của phúc trình này sẽ gây trở ngại cho tiến trình hòa giải.
Ông nói: “Nói rằng một tiến trình hòa giải đang diễn tiến tại Sri Lanka sẽ gặp rắc rối vì các cuộc điều tra quốc tế và Liên Hiệp Quốc hay quan tâm tới giai đoạn chót của cuộc chiến tranh, và những tội ác có vẻ như đã phạm, là chuyện thật vô lý.”
Bản phúc trình do chính Sri Lanka soạn thảo về cuộc nội chiến của họ do một ủy ban được họ gọi là Những Bài Học và Ủy Ban Hòa Giải soạn thảo, sẽ được công bố vào tháng tới. Phúc trình của ủy ban Liên Hiệp Quốc chỉ trích ủy ban vừa kể là không đầy đủ.
Nhiều giờ trước khi Liên Hiệp Quốc công bố một phúc trình liên quan tới những tội ác chiến tranh mà người ta nghi là chính phủ Sri Lanka đã vi phạm, các giới chức hàng đầu ở đó đã đề nghị giữ kín bản phúc trình này. Chính phủ Colombo lý luận rằng phúc trình của Liên Hiệp Quốc sẽ phá hỏng tiến trình hòa giải tại nước họ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1